Một quan chức cấp cao giấu tên của Mỹ khẳng định Moscow chẳng những không rút quân mà còn triển khai thêm 7.000 binh sĩ đến biên giới Ukraine.
Cùng ngày, Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng Anh Jim Hockenhull thông báo đã phát hiện xe thiết giáp, máy bay trực thăng và một bệnh viện dã chiến của Nga di chuyển về biên giới Ukraine. "Trái ngược với tuyên bố của họ, Nga tiếp tục tăng cường hiện diện quân sự gần Ukraine" - ông Hockenhull cáo buộc. Những tuyên bố trên được đưa ra vài giờ sau khi Bộ Quốc phòng Nga công bố đoạn video quay cảnh một đoàn xe quân sự rời bán đảo Crimea, động thái được cho là nhằm chứng minh Moscow đang nỗ lực xuống thang căng thẳng.
Cũng trong ngày 16-2, người phát ngôn chính phủ Đức Steffen Hebestreit cho biết Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Mỹ Joe Biden kết luận tình hình ở Ukraine hiện "cực kỳ nghiêm trọng" vì vẫn còn nguy cơ xung đột vũ trang. Cần "cảnh giác tối đa" vì đến nay vẫn chưa có đợt rút quân đáng kể nào của Nga - ông Hebestreit khẳng định sau cuộc điện đàm giữa 2 nhà lãnh đạo Đức và Mỹ. Cuộc khủng hoảng liên quan đến Ukraine còn thêm phức tạp khi phe ly khai thân Nga ở miền Đông ngày 17-2 cáo buộc lực lượng chính phủ tấn công lãnh thổ của họ. Quân đội Ukraine đã bác cáo buộc này, đồng thời khẳng định chính phe ly khai mới là những người nổ súng tấn công họ.
|
Lính biên phòng Ukraine canh gác tại vùng Chernihiv, gần biên giới với Nga hôm 16-2 Ảnh: REUTERS |
Ngoài ra, Ukraine còn yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thảo luận về nỗ lực của Nga trong việc công nhận lực lượng ly khai tự xưng ở miền Đông Ukraine. Đại sứ Ukraine tại Liên Hiệp Quốc Sergiy Kyslytsya cho rằng động thái của Hạ viện Nga "làm trầm trọng thêm các mối đe dọa đối với sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và kiến trúc an ninh toàn cầu sau khi Nga tăng cường hoạt động quân sự gần biên giới với Ukraine". Phản ứng này được đưa ra sau khi Hạ viện Nga hôm 15-2 kêu gọi Tổng thống Vladimir Putin công nhận 2 vùng ly khai Donetsk và Luhansk tại Ukraine là "quốc gia độc lập và có chủ quyền".
Theo báo The New York Times, những tín hiệu trái chiều từ Kiev và Moscow đang xuất hiện gần như mỗi ngày, khiến các nhà ngoại giao, phân tích và hoạch định quân sự gặp khó khăn. Tất cả các bên đang theo đuổi cái gọi là "chiến lược tinh tế", cố gắng tỏ ra kiên quyết nhưng không cứng nhắc nhằm tránh bị quy trách nhiệm trong trường hợp chiến tranh nổ ra. Trong động thái ngoại giao mới nhất, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio lần lượt điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong 2 ngày 15 và 17-2. Thủ tướng Kishida nhấn mạnh Tokyo ủng hộ mạnh mẽ nỗ lực giải quyết khủng hoảng bằng ngoại giao nhưng sẵn sàng có những bước đi chống lại Moscow, trong đó có trừng phạt, nếu Nga tấn công Ukraine.
Theo Cao Lực/Người lao động