|
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (phải) trong cuộc hội đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin tại Moskva, ngày 7/2/2022, nhằm tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho khủng hoảng Ukraine. Ảnh: AP |
Về phần mình, Moskva lên tiếng bác bỏ điều này, cảnh báo chính quyền Kiev chuẩn bị phát động cuộc tấn công vào khu vực Donbas. Nga tập trận quân sự dồn dập ở Crimea, miền Tây nước Nga cũng như ở Belarus – động thái khiến phương Tây lo ngại. Cùng lúc, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng lên kết hoạch tăng cường lực lượng áp sát biên giới Nga, trải rộng từ biển Baltic tới Biển Đen.
Liệu có lối thoát ngoại giao giúp xử lý khủng hoảng Ukraine, mang lại hòa bình và ổn định ở Đông Âu? Câu trả lời là “có”. Nhưng để làm được điều đó cần hiểu đúng bản chất cuộc khủng hoảng hiện nay.
Vấn đề không đơn giản chỉ là Ukraine. Rộng hơn, đó chính là định hình và trật tự tại châu Âu sau khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt 30 năm trước đây – thời điểm Moskva buộc phải chấp nhận mình ở thế yếu và không đủ khả năng để kiên quyết bảo vệ lợi ích quốc gia.
Hệ quả đi kèm là NATO mở rộng về phía đông theo hướng áp sát biên giới Nga. Một nước Nga đang phục hồi vị thế cường quốc quyết định cần phải dừng, nếu không muốn nói là đảo ngược tiến trình đó, thông qua việc sử dụng mọi công cụ, sức mạnh cần thiết.
Điều này cũng không có gì là bất ngờ. Siêu cường, một khi có sức mạnh, sẽ tìm cách phá bỏ một nền hòa bình từng bị áp đặt theo hướng bất lợi sau khi thất thế trong một cuộc chiến lớn. Đó là bài học rút ra từ Hiệp ước Versailles được ký kết sau Chiến tranh Thế giới thứ nhất, một thỏa thuận đàm phán mà không có sự tham gia của Đức hay Liên Xô.
Phục hồi kinh tế của Nga trong thập niên 2000 cùng với tiến trình hiện đại hóa quân đội được đẩy nhanh trong 10 năm qua đã tạo thế để Nga cương quyết hơn trong việc sửa đổi lại cục diện Chiến tranh Lạnh theo hướng mà Moskva cho là công bằng hơn.
Mỹ chắc chắn không muốn thay đổi trật tự tại châu Âu vốn được áp đặt trong ba thập kỉ qua, một trật tự có lợi cho Washington. Thách thức hiện nay nằm ở chỗ cần phải tìm ra một con đường, giải pháp đáp ứng được đòi hỏi an ninh tối thiểu của Nga, nhưng lại không được đòi hỏi Mỹ và đồng minh phải thỏa hiệp về những nguyên tắc và lợi ích cốt lõi.
|
Một người lính Ukraine đi trong chiến hào gần Verkhnotoretske, Ukraine ngày 7/2/2022. Ảnh: Getty Images |
Mới nhìn qua, đó dường như là một nhiệm vụ không thể, bởi nó chẳng khác nào việc hài hòa những điểm không thể dung hòa. Làm sao có thể cân bằng được luận điểm có tính nguyên tắc của Mỹ về chính sách mở cửa của NATO về kết nạp thành viên với yêu sách tiên quyết của Nga về tạo lập vòng cung ảnh hưởng, không cho phép Ukraine và một số nước thuộc không gian hậu Xô Viết gia nhập NATO. Phải thừa nhận rằng con dù còn nhiều chông gai, nhưng vẫn còn đó giải pháp tháo gỡ.
Vấn đề là cần có sự linh hoạt và sáng tạo của cả hai phía để đi tới thành công. Có bốn nhân tố cho một giải pháp như vậy. Đầu tiên là hạn chế hoạt động quân sự liên quan đến diễn tập, điều động lực lượng quân sự dọc biên giới Nga/NATO. Kế đến là thỏa thuận đóng băng tạm thời về việc NATO mở rộng sang phía đông. Thứ ba là tìm kiếm một nghị quyết về đóng băng xung đột tại các nước thuộc không gian hậu Xô Viết và vùng Balkan. Cuối cùng, sửa đổi và hoàn chỉnh Hiệp ước Helsinki ký năm 1975, một thỏa thuận từng tạo ra diễn đàn giúp vực dậy tinh thần hòa hoãn trong quan hệ Đông-Tây.
Bốn điểm này cần phải được đàm phán theo nguyên tắc trọn gói, dù tiến trình có thể được thúc đẩy ở các tiến độ khác nhau với từng chủ điểm. Tiến đến một thỏa thuận toàn diện như vậy sẽ cần nhiều thời gian và nỗ lực của hai phía, nhưng đây là thời điểm để bắt tay thực hiện.
Giải pháp cuối cùng kiểu như vậy có thể sẽ bị nhiều người coi là không thật sự lý tưởng. Một số người chỉ trích có thể lên án đây chính là bước đi nhân nhượng. Nhưng kết quả mà nó mang lại cho tất cả các bên sẽ tốt hơn nhiều so với hệ quả mà một cuộc xung đột quân sự gây ra.
Theo Hoài Thanh/Báo Tin tức