Mối quan hệ Mỹ-Iran liên tục rơi vào trạng thái căng thẳng trong suốt hàng thập kỷ qua, đặc biệt là sau vụ khủng hoảng con tin gần 40 năm trước.
Khủng hoảng chính trị Mỹ-Iran năm 1979
Năm 1979, Mỹ quyết định cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran sau vụ nhóm sinh viên Iran đột kích và bắt cóc 52 nhà ngoại giao Mỹ làm con tin tại Đại Sứ quán Mỹ ở thủ đô Tehran. Kể từ đó, mối quan hệ giữa hai nước không ngừng xấu đi.
Đến tháng 1/1981, sau nhiều nỗ lực ngoại giao, 52 con tin Mỹ cuối cùng cũng được trả tử do sau 444 ngày bị bắt giữ. Được biết, các con tin này được phóng thích chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Mỹ khi đó là Jimmy Carter rời nhiệm sở.
Tháng 6/1985, Mỹ bí mật hội đàm với Iran và trao đổi vũ khí với nước này, để đổi lại vụ Iran giúp Mỹ giải phóng các con tin bị bắt giữ ở Lebanon. Sự kiện này đã gây ra một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong suốt nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ Ronald Reagan.
|
Mối quan hệ Mỹ-Iran liên tục căng thẳng trong suốt hàng chục năm qua. Ảnh: ynetnews |
Vào tháng 8/1987, Mỹ tham gia vào hàng loạt các cuộc đối đầu với lực lượng Iran. Ngày 3/7/1988, tàu Hải quân Mỹ Vincennes đã bắn nhầm máy bay của Iran bay trên vùng Vịnh, khiến toàn bộ 290 người trên máy bay thiệt mạng.
1993-2001: Dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton
Tổng thống Bill Clinton đã áp đặt lệnh cấm vận thương mại và dầu lửa đối với Iran sau khi cáo buộc Tehran đỡ đầu cho bọn khủng bố cũng như theo đuổi các chương trình vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, Iran phủ nhận tất cả những cáo buộc trên.
Năm 1996, Quốc hội Mỹ thông qua đạo luật trừng phạt Iran-Libya, nhằm ngăn cản các quốc gia khác đầu tư lớn vào Iran.
Mời độc giả xem thêm video: Tổng thống Iran khẳng định sẽ tiếp tục thử tên lửa nếu cần thiết năm 2017 (Nguồn: VTC14)
2001-2009: Dưới thời cựu Tổng thống George W.Bush
Vấn đề mâu thuẫn nhất giữa Mỹ và Iran chính là chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran. Từ năm 2003, Mỹ cáo buộc Iran tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân trong khi phía Tehran khẳng định mục đích chương trình hạt nhân của họ chỉ là sản xuất điện.
Tháng 8/2005, ông Mahmoud Ahmadinejad đắc cử Tổng thống Iran. Đến ngày 8/5/2006, ông Mahmoud Ahmadinejad đã gửi một bức thư tới Tổng thống Bush để đề xuất “biện pháp mới” nhằm chấm dứt “cuộc chiến” về chương trình hạt nhân Iran. Tuy nhiên, phía Washington bác bỏ đề xuất này. Tháng 8/2006, Tổng thống Bush tuyên bố Iran sẽ phải nhận hậu quả vì tiếp tục làm giàu uranium.
Mỹ lại "tố" Iran hỗ trợ tài chính và hậu cần cho các nhóm phiến quân Shia tại Iraq. Tuy nhiên, phía Tehran bác bỏ cáo buộc này.
Ngày 9/11/2007, Mỹ trả tự do cho hai nhà ngoại giao và 7 công dân Iran sau 305 ngày bắt giữ, song vẫn giữ lại 11 công dân và nhà ngoại giao nước này.
2009-2017: Dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama
Mối quan hệ Mỹ-Iran có những dấu hiệu cải thiện tích cực dưới thời Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Vào tháng 7/2015, Iran và nhóm cường quốc thế giới P5+1, bao gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức, đã đạt được thỏa thuận hạt nhân sau hơn một thập kỷ đàm phán.
Theo thỏa thuận này, các lệnh trừng phạt do Mỹ, Liên minh Châu Âu EU và Liên Hợp Quốc áp đặt sẽ được dỡ bỏ. Đổi lại, Iran phải đồng ý hạn chế dài hạn chương trình hạt nhân của nước này. Việc đạt được thỏa thuận được đánh giá là chiến thắng lớn về chính sách đối với cả Tổng thống Mỹ khi đó là ông Barack Obama và người đồng cấp Iran Hassan Rouhani.
|
Tổng thống Iran Hassan Rouhani (trái) và người đồng cấp Mỹ Donald Trump. Ảnh: CNN. |
Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Washington và Tehran lại một lần nữa rơi vào trạng thái căng thẳng khi vào tháng 5/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 hay còn được gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA). Theo đó, Mỹ rút khỏi thỏa thuận JCPOA và sẽ tiếp tục áp đặt các lệnh trừng phạt với Iran.
Ngay lập tức, nhiều quốc gia trên thế giới đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ quyết định của Tổng thống Trump, cho rằng quyết định này có thể làm thổi bùng một cuộc chiến mới tại khu vực Trung Đông-Vùng Vịnh. Về phần mình, Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố Tehran sẽ tiếp tục duy trì thỏa thuận hạt nhân với các nước còn lại.
Mới đây, nhà lãnh đạo Iran gửi lời cảnh báo đanh thép tới Mỹ rằng “chiến tranh với Iran sẽ là mẹ của tất cả các cuộc chiến tranh”.
Thiên An (Tổng hợp)