Giới chuyên gia phân tích Iran coi một cuộc họp như vậy là điều mất mặt.
Một cuộc họp thượng đỉnh giữa hai Tổng thống Trump-Rouhani đã có thể xảy ra bên lề phiên họp Đại hội đồng Liên hợp quốc vào tháng 9 năm ngoái. Thực tế, Iran đã từ chối cuộc họp này công khai, nhưng số lần yêu cầu của Mỹ bị từ chối không được biết đến cho đến khi Chánh Văn phòng Tổng thống Iran Mahmoud Vaezi đề cập sau khi kết thúc phiên họp Nội các Iran hôm 18/7.
"Trong chuyến thăm lần cuối của Tổng thống Rouhani tới New York dự phiên họp Đại hội đồng LHQ, ông Trump đã 8 lần yêu cầu phái đoàn Iran tổ chức một cuộc họp với Tổng thống," hãng tin Mehr trích lời Chánh Văn phòng Vaezi.
|
Tổng thống Hassan Rouhani tại một phiên họp Đại hội đồng Liên hợp quốc tháng 9/2017. Ảnh: Reuters |
Nếu những thông tin này chính xác, điều này có thể thấy rõ mức độ tuyệt đối về thái độ thù địch của Iran đối với Tổng thống Trump. Mỹ đã rút khỏi một thỏa thuận hạt nhân với Iran bất chấp mong muốn của những quốc gia tham gia khác và công bố các biện pháp trừng phạt kinh tế khắc nghiệt. Hiện tại, Mỹ vận động các đồng minh cắt giảm tất cả các mối quan hệ thương mại với Iran, một diễn biến có khả năng khiến Tehran từ bỏ thỏa thuận năm 2015.
Trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên hợp quốc, Tổng thống Trump lên tiếng chỉ trích Tehran, gọi Iran là "chế độ tham nhũng núp bóng một nền dân chủ giả tạo" và "nhà nước kinh tế suy kiệt mà xuất khẩu chính là bạo lực, đổ máu và hỗn loạn”. Giả dụ một cuộc họp thượng đỉnh với Tổng thống Trump xảy ra, điều đó sẽ khiến Tổng thống Rouhani mất mặt, trong khi cuộc gặp đó cũng không đem lại lợi ích thực tế gì, Zeinab Ghasemi Tari, Trợ lý giáo sư nghiên cứu Mỹ tại Đại học Tehran trả lời kênh truyền hình RT.
"Trong khi Tổng thống Trump hy vọng sử dụng lời lẽ như đòn bẩy để đàm phán song những phát ngôn lại phản tác dụng, không có quốc gia có chủ quyền nào muốn bị coi thường, bị đe dọa và bắt nạt", bà Tari giải thích.
Học giả người Iran, Giáo sư khoa học chính trị Hamed Mousavi đồng quan điểm với bà Tari. “Tại sao Iran phải đàm phán và can dự với một chính quyền thù địch và không hợp lý trong lối tiếp cận đối với đất nước? Chúng tôi cũng phải xem xét thực tế là có rất nhiều sự ngờ vực chính sách đối ngoại của Mỹ ở Trung Đông trong suốt 7 thập kỷ qua. Ông Donald Trump chỉ là nhân tố khiến sự ngờ vực này tăng lên thôi”.
Thierry Coville, nghiên cứu viên tại tổ chức nghiên cứu của Pháp IRIS cho rằng một cuộc họp thượng đỉnh với bất kỳ Tổng thống Mỹ nào sẽ đều bị coi là một chủ đề nhạy cảm ở Iran, khi xem xét lịch sử thù địch lâu năm giữa hai bên cũng như cần một sự chuẩn bị cẩn thận và đàm phán từ phía Iran để có thể tổ chức một cuộc họp thượng đỉnh.
“Tại Iran một quyết định như vậy cần sự thống nhất. Theo quan điểm Iran, các cuộc họp giữa các nguyên thủ quốc gia phải được chuẩn bị trước. Các chương trình nghị sự và các phương thức để giảm bớt xung đột có thể sẽ được thảo luận trước”, Irina Fedorova, một thành viên cao cấp của Viện nghiên cứu phương Đông giải thích, “lãnh đạo Iran sẽ không muốn một cuộc họp không có gì để nói nào đó lại bắt đầu với một bài giảng từ phía Mỹ".
Theo Hồng Hạnh/Báo Tin Tức