Thế giới ca ngợi đại thắng mùa xuân 1975 của Việt Nam

Đại thắng mùa Xuân 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, mang ý nghĩa to lớn, có sức ảnh hưởng sâu rộng đến phong trào giải phóng dân tộc thế giới.
The gioi ca ngoi dai thang mua xuan 1975 cua Viet Nam
Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV đã khẳng định: “Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”. Nửa thập kỷ đã qua đi nhưng “dư chấn” về sự kiện này này vẫn được báo chí và các cơ quan truyền thông nước ngoài nhắc đến với niềm cảm phục.
Sau Hiệp định Paris năm 1973, mặc dù quân đội Mỹ đã rút khỏi Việt Nam, nhưng chính quyền Sài Gòn vẫn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ về tài chính và quân sự từ Mỹ. Tuy nhiên, tinh thần chiến đấu và khả năng tự chủ của quân đội Sài Gòn suy giảm rõ rệt. Nhận thấy thời cơ chín muồi, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) quyết định mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, nhằm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Kế hoạch ban đầu thực hiện trong hai năm 1975 và 1976 nhưng thực tế đã diễn ra nhanh hơn dự kiến sau chiến thắng ở Buôn Ma Thuột vào tháng 3/1975.
Trước tình hình đó, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Hồ Chí Minh nhằm giải phóng Sài Gòn và toàn bộ miền Nam. Chiến dịch bắt đầu vào ngày 26/4/1975 và kết thúc vào ngày 30/4/1975, khi Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Sự kiện này đánh dấu kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam, đưa dân tộc ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập, thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Đại thắng mùa Xuân năm 1975 của Việt Nam đã trở thành sự kiện chấn động toàn cầu, khiến báo chí nước ngoài và bạn bè quốc tế đề cập đến với thái độ khâm phục, ngưỡng mộ.
The gioi ca ngoi dai thang mua xuan 1975 cua Viet Nam-Hinh-2
Ngay trong ngày 30/4/1975, Hãng tin UPI đưa tin: “Quân Giải phóng tươi cười vui vẻ cưỡi xe tăng vào Phủ Tổng thống và hô lớn “đồng chí’’ với những người bên đường và phóng viên các báo đang theo dõi. Họ thật sự không để ý đến sự có mặt của các nhà báo đang ghi lại sự đầu hàng lịch sử của Chính phủ Sài Gòn trước những người cộng sản. Ba lá cờ trắng được kéo lên Sở Chỉ huy cảnh sát, một lúc sau ông Minh nói trên đài. Nhiều cờ trắng cũng treo lên ở ngoại ô Bắc Sài Gòn. Dân chúng đi lại bình thường trên các phố. Cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam xuất hiện trên các khối nhà. Quân Giải phóng đi trên các phố chính. Nhân dân địa phương tươi cười vây quanh họ, bắt tay họ”...
Ngày 1/5/1975, ngay tại nước Mỹ, tờ Thời báo Los Angeles (LA Times) viết: “Người Mỹ ra đi, quân đội và chính quyền Sài Gòn đầu hàng, nước Việt Nam đã trả lại cho người Việt”.
Cùng ngày, Báo Asahi Shimbun (Nhật Bản) viết trong một bài xã luận: “Chiến tranh Việt Nam đã kết thúc với thắng lợi của lực lượng giải phóng, điều đó nói lên rằng, thời đại các nước lớn dùng sức mạnh bóp nghẹt chủ nghĩa dân tộc đã chấm dứt rồi”.
Báo Tin tức Ai Cập ngày 7/5/1975 viết: “Không một ai trên trái đất này, dù chính kiến hay màu da của họ thế nào đi nữa, lại không kính trọng và tự hào về dân tộc Việt Nam, một dân tộc đã giương cao ngọn cờ chiến thắng trên phần đất cuối cùng của Tổ quốc mình vào ngày 30/. Sau 30 năm chiến đấu liên tục, không một phút nghỉ ngơi, dân tộc ấy đã đánh bại 3 tên đế quốc lớn mạnh nhất thế giới là Nhật, Pháp, Mỹ, cuối cùng bằng máu và lửa, đã chứng minh cho cả loài người thấy rằng, những dân tộc đã chiến đấu thì không bao giờ chịu khuất phục và ý chí của họ là vô địch”.
Tiếp đó, hãng tin AFP ngày 15/12/1975 đánh giá: “Trong năm 1975, sự kiện nổi bật nhất Châu Á là sự kiện Việt Nam năm 1975, chứng kiến sự ra đời nước Việt Nam thống nhất. Không còn nghi ngờ gì nữa, sự kiện này sẽ có ảnh hưởng to lớn đến khu vực này của thế giới trong tương lai”.
Đánh giá về sự kiện này, Thượng tướng, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học quân sự Nga Anatoly Ivanovich Khiupenen, nguyên trưởng đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô tại Việt Nam đã khẳng định: “Lãnh thổ Việt Nam có thể bị xâm chiếm, nhưng nhân dân Việt Nam không bao giờ chịu khuất phục. Lịch sử hàng nghìn năm của Việt Nam cho thấy những kẻ xâm lược cuối cùng đều phải rút chạy khỏi Việt Nam. Đối với chúng tôi, Liên Xô đã hoàn thành nghĩa vụ quốc tế cao cả đối với nhân dân Việt Nam anh em. Chúng tôi thường nói với nhau, chúng tôi đã làm việc một cách trung thực. Các bạn là một dân tộc kiên cường. Chúng tôi luôn ở bên các bạn. Tình hữu nghị được sinh ra trong chiến đấu là tình cảm bền chặt nhất, không gì hơn được. Chiến thắng của các bạn là chiến thắng chung, chiến thắng của tình hữu nghị Việt Nam - Liên Xô. Chúng ta là những người anh em”.
Cùng quan điểm trên, bà Merle Ratner, Ủy viên Ban Chấp hành Chiến dịch cứu trợ và trách nhiệm đối với nạn nhân dioxin Việt Nam kể lại cảm xúc của mình khi nghe tin về chiến thắng 30/4/1975: Đại thắng mùa Xuân năm 1975 của nhân dân Việt Nam là một trong những khoảnh khắc hiếm hoi và vui sướng nhất cuộc đời. Chúng tôi đã nhiều lần ca vang bài “Việt Nam sẽ thắng”. Nhất là khi thấy các tỉnh và thành phố ở Việt Nam lần lượt được giải phóng trong tháng 3 và tháng 4 năm 1975, chúng tôi hiểu rằng ngày toàn thắng của các bạn đang đến rất gần. Ngày 30/4/1975, chúng tôi vô cùng hoan hỉ khi chứng kiến các lực lượng giải phóng tiến về Sài Gòn (nay là Thành phố Hồ Chí Minh).
The gioi ca ngoi dai thang mua xuan 1975 cua Viet Nam-Hinh-3
Đại thắng mùa Xuân 1975 của nhân dân Việt Nam là sự kiện khơi nguồn cảm hứng cho nhiều nhà báo quốc tế, viết bài ca ngợi hoặc thôi thúc họ trở lại Việt Nam một lần nữa kể từ mùa Xuân ấy. Bởi vì tiếng vang đó còn ngân mãi trong lòng bạn bè trên thế giới.
Báo Người Lao động, cơ quan Trung ương những người lao động Cuba sau này viết: “Ngày 30/4/1975, những hình ảnh chiến thắng đế quốc Mỹ của nhân dân Việt Nam anh hùng đã nhanh chóng lan tỏa khắp thế giới. Cảnh tượng những tên lính Mỹ hoảng loạn chen lấn, xô đẩy trên những chiếc trực thăng trong một cuộc tháo chạy trước sức tiến công thần tốc không gì ngăn cản nổi của Quân đội Nhân dân Việt Nam, cũng như hình ảnh các chiến sĩ giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập vẫn còn nguyên đó như những bằng chứng hùng hồn của ngày hai miền Nam Bắc Việt Nam hoàn toàn thống nhất”. Tờ báo nhấn mạnh: Ý chí kiên cường bảo vệ Tổ quốc của nhân dân Việt Nam là tấm gương sáng của lòng quả cảm và tinh thần chiến đấu để ngày hôm nay nhân dân Việt Nam đang được sống trong hòa bình và thịnh vượng, mười lần tươi đẹp hơn như ước nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đặc biệt, trong suốt thời điểm diễn ra chiến sự tại Sài gòn (từ ngày 26 đến ngày 30.4.1975), cơ quan đầu não của chính quyền Việt Nam cộng hòa trở thành nơi tác nghiệp của đông đảo đại diện phóng viên các hãng thông tấn, truyền hình, phát thanh và các tờ báo lớn của các nước Anh, Pháp, Cộng hòa Liên bang Đức… với gần 100 phóng viên thường trú tại Sài Gòn để tác nghiệp. Riêng Mỹ, nước gây ra cuộc chiến tranh xâm lược này cũng có đại diện của hai hãng thông tấn, ba hãng truyền hình, một đài phát thanh và một số tờ báo lớn: Washington Post, Los Angeles, Time… đặt trụ sở tại Sài Gòn - Gia Định để kịp thời đăng tải tin tức về chiến sự.
Bên cạnh đó, cũng có nhiều nội dung đăng tải trên các báo ca ngợi chiến thắng vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Tờ thời báo New York có số phát hành lớn đăng tải phanh phui tập tài liệu mật ghi chép của Bộ Quốc phòng Mỹ về chiến tranh Việt Nam với gần 70.000 trang (còn gọi là tài liệu mật Lầu Năm góc) do Daniel Ellsberg - nhà hoạt động chính trị, nhà kinh tế và nhà phân tích quân sự người Mỹ phát hiện. Điều này đã khiến dân chúng Mỹ hiểu rõ thực chất cuộc chiến tranh mà Mỹ tiến hành ở Việt Nam là tàn bạo, vô nghĩa.
The gioi ca ngoi dai thang mua xuan 1975 cua Viet Nam-Hinh-4
Ngay cả Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Robert McNamara, sau gần 30 năm im lặng đã phải tự dằn vặt: “Những người cộng sự của tôi trong chính quyền John F. Kennedy và Lyndon B. Johnson là một nhóm người đặc biệt… Tại sao nhóm người đó - những người giỏi nhất và thông minh nhất ấy lại mắc sai lầm về Việt Nam? Chúng tôi mắc nợ các thế hệ tương lai trong việc giải thích tại sao lại mắc sai lầm như vậy?”.
Nhà Sử học Nigl Cawthorne sau nhiều năm dày công nghiên cứu về chiến tranh Việt Nam đưa ra nhận xét: “Phía Mỹ không bị tổn thương về mặt thể xác thì sự hủy hoại về mặt tâm lý phải gánh chịu không thể tính toán hết. Việt Nam là một cuộc chiến tranh đầu tiên mà Mỹ thất bại trong việc giành chiến thắng và đã đẩy nước Mỹ đến những phân rẽ cay đắng”.
Cùng với đó, Đại thắng mùa Xuân 1975 còn có những ảnh hưởng sâu rộng đối với quốc tế: Với phong trào giải phóng dân tộc, “Chiến thắng của Việt Nam trở thành nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho các nước thuộc địa và phong trào đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân”. Đối với Chiến tranh Lạnh, “Chiến thắng của Việt Nam làm suy yếu ảnh hưởng của Mỹ ở Đông Nam Á và khẳng định vai trò quan trọng của các nước xã hội chủ nghĩa”. Đối với lý luận quân sự, “Các chiến lược quân sự của Việt Nam như chiến tranh nhân dân, kết hợp giữa đấu tranh chính trị và quân sự đã trở thành bài học quan trọng cho nhiều quốc gia khác”. Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đã qua đi năm thập kỷ, nhưng những “dư chấn” về thắng lợi này của dân tộc Việt Nam vẫn được báo chí các nước nhắc đến với sự khâm phục, kính nể.
Chiến tranh đã qua đi, song không ít người Mỹ và phương Tây, đặc biệt là các chính khách, các nhà chiến lược quân sự, chính trị của đất nước đã từng đem quân xâm lược nước ta thì “hội chứng Việt Nam” vẫn còn đang âm ỉ, nhức nhối với câu hỏi: “Vì sao nước Mỹ hùng mạnh nhất thế giới về quân sự và kinh tế lại thất bại ở Việt Nam?”. Một cuộc chiến tranh vô nghĩa đã cướp đi 58.195 sinh mạng quân Mỹ.
Trong cuốn hồi ký “Nhìn lại quá khứ: Tấn thảm kịch và những bài học về Việt Nam”, do Nhà xuất bản Random House (Mỹ) cho ra mắt tháng 4 năm 1995, Mc Namara đã công khai thừa nhận: “Chúng tôi (tức Chính phủ Mỹ) đã sai lầm, sai lầm khủng khiếp”. Đây là lời thú nhận thất bại cay đắng chưa từng có trong lịch sử nước Mỹ. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã ra nêu ra 11 nguyên nhân gây ra thảm bại nặng nề cho nước Mỹ trong cuộc chiến ở Việt Nam, trong đó có sai lầm “đánh giá thấp sức mạnh của chủ nghĩa dân tộc thúc đẩy một dân tộc đấu tranh và hy sinh cho lý tưởng và các giá trị của nó”. Cùng quan điểm đó, sau nhiều năm nghiên cứu, nhà sử học Mỹ George C.Herring đã khẳng định: “Người Mỹ phải hiểu rằng, họ sẽ không thể định đoạt những giải pháp cho các vấn đề thế giới và tất cả các mục tiêu mong muốn”.
Nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng Đại thắng mùa Xuân năm 1975 vẫn mãi mãi là mốc son chói lọi không thể phai mờ trong lòng nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế. Ngày nay, Việt Nam đã vượt qua những khó khăn thách thức, đang hướng tới tương lai, hội nhập và phát triển. Sự kiện lịch sử trọng đại đó vẫn mãi là niềm tự hào, là động lực để nhân Việt Nam tiếp tục tiến lên trên con đường vinh quang và hạnh phúc.
Các thế hệ người Việt Nam càng cảm nhận đầy đủ và sâu sắc giá trị của chiến công chói lọi mang tầm vóc thời đại của Đại thắng mùa Xuân năm 1975. Ngày nay, khi đất nước bước vào thời kỳ hội nhập và phát triển, tinh thần của Đại thắng Mùa Xuân 1975 vẫn còn nguyên giá trị. Nó nhắc nhở chúng ta về trách nhiệm bảo vệ nền độc lập mà cha ông đã đánh đổi bằng biết bao hy sinh, đồng thời thôi thúc mỗi người dân Việt Nam tiếp tục cống hiến vì một đất nước phồn vinh, hùng cường. Chiến thắng năm 1975 không chỉ là niềm tự hào mà còn là động lực để thế hệ hôm nay và mai sau tiếp tục vững bước trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
The gioi ca ngoi dai thang mua xuan 1975 cua Viet Nam-Hinh-5

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu