|
Thứ trưởng Quốc phòng Philippines, Pio Lorenzo Batino. |
Thứ trưởng Quốc phòng Pio Lorenzo Batino, người đứng đầu phái đoàn Philippines đang đàm phán với Mỹ, cho biết một Hiệp định khung về gia tăng sự hiện diện (IRP) của quân đội Mỹ tại Philippines đang được thảo luận - trong đó, hợp tác chung với Mỹ để tăng cường an ninh và nhận thức chung về các lĩnh vực hàng hải được xem là “những vấn đề quan trọng” mà Manila muốn đàm phán.
Tuy nhiên, ông Batino phủ nhận bất cứ hoạt động tác chiến chung nào với quân đội Mỹ để đối phó với tình trạng nổi dậy trong nội địa và nhấn mạnh Tòa án Tối cao Philippines đã quy định rõ lực lượng quân sự Mỹ không được phép tham gia các hoạt động như vậy.
“Tòa án Tối cao đã đưa ra những hạn chế đối với các hoạt động của Mỹ ở Philippines và chúng tôi quán triệt phải chấp hành nghiêm chỉnh với quy tắc đã được đề ra”, ông Batino nhấn mạnh.
Theo ông Batino, cả hai vẫn chưa thống nhất lần cuối các loại hoạt động mà Mỹ sẽ được phép thực hiện ở Philippines. Bộ Quốc phòng Philippines muốn đạt được thỏa thuận có thể giúp xây dựng khả năng đảm bảo an ninh hàng hải, phòng chống thiên tai và cứu trợ nhân đạo cho quân đội.
Trong khi đó, Trung Quốc chỉ trích mạnh mẽ chính quyền Tổng thống Aquino vì tham gia tham gia đàm phán với Mỹ về IRP ở Philippines và cảnh báo, “những động thái như vậy có thể thách thức môi trường hòa bình trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương”.
Trong một bài báo phỏng vấn và trích dẫn lời nhiều ý kiến của các chuyên gia khác nhau, tờ China Daily, cơ quan ngôn luận của chính phủ Trung Quốc, nhấn mạnh sự phát triển mới trong quan hệ Mỹ-Philippines có khả năng “gây tổn hại cho lợi ích của Mỹ”.
"Philippines nên từ bỏ hy vọng hão huyền rằng Mỹ sẽ chấp thuận bất cứ điều gì họ muốn bảo vệ yêu sách của họ ở Biển Đông dù Washington luôn cố gắng duy trì căng thẳng trong khu vực ở một mức độ nào đó”, China Daily viết.
“Sự tăng cường hiện diện quân sự khác của Mỹ, một quyền lực bên ngoài, sẽ mang lại nhiều bất ổn hơn cho Biển Đông và gây tổn hại cho lợi ích kinh tế của Washington trong khu vực”, China Daily dẫn lời Wang Fan, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Ngoại giao Trung Quốc.
“Mỹ sẽ không cho phép Philippines làm bất cứ điều gì họ muốn liên quan đến các tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc khi cái giá phải trả là sự ổn định chung của khu vực Châu Á-Thái Bình Dương”, ông Wang tiếp tục bình luận.
Trong khi đó, Guoqiang, Phó Giám đốc Trung tâm Lịch sử và Địa lý Biên giới Trung Quốc thuộc Viện Khoa học Xã hội nước này cũng bình luận: “Căng thẳng mang lại cơ hội tốt cho Washington triển khai lực lượng quân sự nhiều hơn tới Châu Á-Thái Bình Dương, theo sau chiến lược tái cân bằng, vì một số nước trong khu vực muốn tìm kiếm sự hậu thuẫn của Mỹ trong tranh chấp lãnh thổ”,
Manila và Washington hôm 14/8 tuần trước bắt đầu thảo luận chi tiết về thỏa thuận sẽ giúp quân đội Mỹ và các phương tiện, thiết bị quốc phòng truy cập vào các cơ sở quân sự của Philippines. Manila kỳ vọng thỏa thuận này sẽ giúp họ đạt được khả năng quốc phòng tối thiểu đáng tin cậy trong bối cảnh Philippines đuổi hiện đại hóa các lực lượng vũ trang để đối phó với các mối đe dọa lãnh thổ.
Bạch Dương (theo tribune)