Các lực lượng Mỹ đã tấn công Quân đội Syria được Iran hậu thuẫn 3 lần trong tháng vừa qua. Tất cả các vụ tấn công nói trên đều gần thị trấn al-Tanf, một tiền đồn hẻo lánh gần biên giới với Iraq và Jordan, nơi các lực lượng đặc nhiệm Mỹ và Anh huấn luyện quân nổi dậy Syria.
Hồi đầu tháng Năm, các máy bay chiến đấu của Mỹ đã tấn công một đoàn xe của Quân đội Syria di chuyển về hướng thị trấn al-Tanf, khiến 2 binh sĩ thiệt mạng và 15 người khác bị thương. Một sự cố tương tự đã xảy ra vào ngày 18/5, giết chết 6 binh sĩ Syria.
Hàng loạt các cuộc đụng độ đã khiến cho khu vực sa mạc ở miền đông Syria trở thành địa điểm đối đầu Mỹ-Iran, một điểm nóng tiềm ẩn bên cạnh Yemen. Sau các cuộc tấn công vào vị trí của Quân đội Syria, Sở chỉ huy của các lực lượng đồng minh với Damascus đã đe dọa tấn công trả đũa liên minh do Mỹ cầm đầu.
|
Tình hình trở nên nguy hiểm, khi Mỹ và Iran ngày càng to tiếng cáo buộc lẫn nhau. Ảnh ghép: AP |
Các nhà quan sát chỉ ra rằng chính sách đối với Iran của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang lặp lại chính sách cứng rắn dưới thời Tổng thống George W. Bush. Hiện thời, Washington sẵn sàng tăng cường các hoạt động chống lại ảnh hưởng của Iran ở Trung Đông.
Trong suốt chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016, ứng viên Donald Trump đã chỉ trích đương kim Tổng thống Barack Obama "quá mềm yếu" đối với Iran và cho phép Tehran tích tụ sức mạnh trong khu vực. Kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Donald Trump vẫn chống Iran và tiến hành chuyến công du nước ngoài đầu tiên đến Ả-rập Xê-út, nơi ông cáo buộc Tehran tài trợ chủ nghĩa khủng bố toàn cầu và kêu gọi khu vực cô lập Iran.
Sau các vụ tấn công khủng bố ở Tehran giết chết 17 người và làm bị thương 40 người khác, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói một cách độc địa: "Chúng tôi nhấn mạnh rằng các quốc gia ủng hộ khủng bố có nguy cơ trở thành nạn nhân của cái ác mà họ khuyến khích”.
Tuy không hiện thực hóa lời đe dọa hủy bỏ Thỏa thuận hạt nhân với Iran trong chiến dịch tranh cử, nhưng Tổng thống Donald Trump sẵn sàng áp dụng cách tiếp cận hung hăng và đối đầu với Cộng hòa Hồi giáo Iran, trong khi phe Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ kêu gọi áp đặt các biện pháp trừng phạt mới có thể đẩy thỏa thuận này vào tình trạng đổ vỡ.
Ông Robert Malley, một quan chức cao cấp của Nhà Trắng dưới thời Tổng thống tiền nhiệm của Nhà Trắng, người đã giúp đàm phán thỏa thuận hạt nhân cho biết: "Ba trong số những nơi nguy hiểm nhất trên trái đất hiện nay là Yemen, khu vực nằm giữa Đông Syria và Tây Iraq và trong phòng họp của Quốc hội Mỹ".
Các đồng minh Châu Âu của Mỹ ngày càng lo ngại rằng chính quyền của Tổng thống Donald Trump ác cảm với Iran trước khi quyết định chiến lược để giải quyết ảnh hưởng của Tehran trong khu vực. Các nước trên cũng e ngại về những lời lẽ lăng mạ Iran của Tổng thống Donald Trump trở nên to tiếng hơn và độc địa hơn, khi ông bị ức chế bởi cuộc điều tra về cái gọi là các mối liên kết giữa ban vận động tranh cử của ông với Nga.
Ông Ilan Goldenberg, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ đồng thời là một quan chức quốc phòng, cảnh báo rằng xung đột dữ dội giữa Iran và Mỹ có thể xảy ra ngay khi "sự khoan hòa giữa các nhóm Shia được Iran hỗ trợ và các nhóm được Mỹ hậu thuẫn biến mất” sau khi xóa sổ được nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria.
Tán đồng những lời tiên đoán của nhà phân tích Ilan Goldenberg, bà Jennifer Cafarella - một chuyên gia nghiên cứu xung đột tại Viện nghiên cứu chiến tranh (Mỹ) - nói rằng "bức tranh lớn hơn ... là cuộc chiến thời kỳ ‘hậu IS’, một cuộc chiến chi phối lĩnh vực an ninh sau khi Mosul được giải phóng”.
Minh Châu (Theo Sputnik News)