Khi thái tử Naruhito, tức Đức Nhân thân vương, lên ngôi vào ngày 1/5, ông sẽ là vị hoàng đế thứ 126 của một vương triều đã được duy trì liên tục từ năm 660 trước Công nguyên (TCN) tại Nhật Bản, vương triều tồn tại lâu nhất thế giới.
Nếu so sánh, vương triều tồn tại lâu nhất trong lịch sử Trung Quốc là nhà Chu - 777 hoặc 873 năm tùy cách tính, trong lịch sử Việt Nam là nhà Hậu Lê - 355 năm, còn nền quân chủ Anh hình thành từ năm 1066 nhưng vương miện lần lượt rơi vào tay những dòng họ khác nhau.
Kỷ lục đó, dù gây tranh cãi, phần nào phản ánh ý chí của người Nhật, nhưng cũng là nguồn cơn cho những thách thức mà hoàng gia Nhật Bản đang phải đối mặt, bao gồm yêu cầu thoát ra khỏi những lề thói đã định hình mọi mặt vương triều trong hơn 2.600 năm.
|
Thái tử Naruhito (trái) sẽ trở thành Nhật hoàng mới vào ngày 1/5. Ông đứng cạnh vợ, thái tử phi Masako, và con gái, công chúa Aiko. Ảnh: Reuters. |
Huyền sử một triều đại
Theo truyền thuyết, dân tộc Nhật Bản là con cháu của nữ thần Mặt Trời Amaterasu. Những ghi chép vào thế kỷ thứ 8 nói rằng nữ thần đã để lại cho cháu trai bà một chiếc gương, một thanh kiếm và châu báu, theo New York Times. Người cháu sau đó đã trao những món đồ này cho vị hoàng đế đầu tiên của Nhật Bản - Jimmu (Thần Vũ).
Những "nhà cải cách" dưới thời Minh Trị, giữa thế kỷ 19, tuyên bố vua Jimmu lên ngôi vào năm 660 TCN, chính thức hóa sự ra đời của nền quân chủ Nhật Bản. Họ cũng tuyên bố Nhật hoàng là "thiêng liêng và bất khả xâm phạm" và đặt ra quy định chỉ truyền ngôi cho nam giới.
Trong tiếng Nhật, hoàng đế được gọi là "tenno", có nghĩa là "thiên hoàng", hàm ý rằng hoàng gia là hậu duệ của các vị thần. Tính từ thời vua Jimmu đến nay, hoàng gia đã trải qua 125 đời "thiên hoàng", trong đó phần đầu lịch sử với 25 vị vua vẫn còn nhiều bí ẩn và hầu như là huyền sử.
Chính điều đó đã làm dấy lên những cuộc tranh luận về nguồn gốc của các hoàng đế Nhật Bản. Một trong những giả thiết cho rằng hoàng tộc Nhật Bản là hậu duệ của nhà Paekche, thế lực cai trị vùng phía tây nam bán đảo Triều Tiên từ thế kỷ 1 TCN đến năm 660.
Điều đó nghe có vẻ báng bổ, nhất là trong bối cảnh kình địch giữa hai người hàng xóm châu Á, song các chứng cứ khảo cổ và lịch sử củng cố cho giả thuyết này. Một số nhà nghiên cứu chỉ ra rằng vị hoàng đế đầu tiên của thời kỳ Yamato thực tế lại là một hoàng tử nhà Paekche vào thế kỷ 4, tên là Homuda-wake hay Onjin, theo Los Angeles Times.
Trung thành với gia tộc ở bán đảo Triều Tiên là động cơ thúc đẩy nữ hoàng Saimei, hậu duệ của Onjin, phái 10.000 binh lính và 100 tàu chiến đến giúp quân đội Paekche chống lại vương quốc đối địch Shilla trên cùng bán đảo, cũng như lực lượng nhà Đường ở Trung Quốc vào thế kỷ 7.
"Nhật Bản giờ là siêu cường kinh tế và bạn không cách nào không xem nó là trung tâm quyền lực châu Á. Nhưng 2.000 năm trước, mọi thứ đều xuất phát từ lục địa và Nhật Bản là điểm cuối cùng", Hong Won Tack, giáo sư tại Đại học Quốc gia Seoul, nhận định về nguồn gốc của nền quân chủ Nhật.
Quan điểm của ông Hong giống với một số học giả phương Tây nghiên cứu lịch sử châu Á, song các học giả Nhật Bản nhìn chung không muốn đào sâu vấn đề này. Trong khi đó, chính phủ Nhật Bản lại muốn để nguồn gốc của Ngai Hoa Cúc, một biểu tượng của hoàng gia nước này, tiếp tục bị bao phủ trong bí ẩn, cũng như phản đối việc khám phá những di chỉ khảo cổ lớn có thể cung cấp những bằng chứng quyết định.
Hoàng đế là người đứng đầu đất nước và có quyền lực tối cao trong Thần đạo (Shinto), tôn giáo bản địa của người Nhật. Trong lịch sử Nhật Bản, chế độ quân chủ luôn duy trì thần quyền để cai trị. Tuy nhiên, sau khi kết thúc Thế chiến 2, theo thỏa thuận đầu hàng của Nhật Bản, hoàng đế trở thành "biểu tượng của quốc gia và sự hòa hợp dân tộc" và không có quyền lực chính trị.
Và giờ đây, hoàng gia Nhật Bản đang đứng trước những thách thức không nhỏ để duy trì sự tồn tại của mình.
|
Đương kim Nhật hoàng Akihito, hoàng hậu Michiko (ngồi giữa) cùng các con, cháu. Ảnh: Reuters. |
Khủng hoảng kế vị và vai trò nữ giới
Sau 30 năm ngồi trên Ngai Hoa Cúc, nhà vua Akihito, 84 tuổi, sẽ thoái vị vào ngày 30/4 để nhường ngôi cho con trai trưởng, thái tử Naruhito. Đây là lần đầu tiên trong 200 năm, một Nhật hoàng chủ động nhường ngôi và các quan chức hoàng cung đang làm mọi cách để cuộc chuyển giao triều đại diễn ra suôn sẻ.
Tuy nhiên, Cung Nội Sảnh - cơ quan gồm 1.200 viên chức phụ trách mọi việc của hoàng gia - không thể ngăn cản sự phát triển của những gì những gì đang dần trở thành cuộc khủng hoảng lớn nhất trong lịch sử 2.600 năm của hoàng gia Nhật Bản.
Về cơ bản, hoàng gia Nhật Bản đang ngày càng neo người và số phận của Ngai vàng Hoa cúc đang phụ thuộc vào hoàng tử Hisahito, cháu trai duy nhất của Nhật hoàng Akihito. Thái tử Naruhito, người sắp trở thành tân hoàng đế, chỉ có một người con gái duy nhất, nhưng theo luật hoàng gia từ năm 1947, phụ nữ không được phép kế thừa ngai vàng. Hoàng tử Hisahito, 12 tuổi, con của em trai thái tử Naruhito, là người đứng thứ hai trong danh sách kế vị sau khi thái tử Naruhito đăng cơ, sau cha của cậu, hoàng thân Fumihito, 53 tuổi, và trước hoàng thân Hitachi, 83 tuổi, em trai nhà vua Akihito.
Tình cảnh này làm dấy lên những lo ngại đồng làm dấy lên những lời kêu gọi thay đổi luật để phụ nữ hoàng tộc có thể kế thừa hoàng vị. Thực tế, lịch sử nền quân chủ Nhật Bản đã chứng kiến 8 phụ nữ lên ngôi, với người cuối cùng là nữ hoàng Gosakuramachi khoảng 250 năm trước.
Dù vậy, điều đó có vẻ là viễn tưởng khó có thể chạm tới trong tương lai gần.
Khi công chúa Ayako thực hiện nghi lễ trao nhẫn truyền thống trong đám cưới với doanh nhân Kei Moriya tại đền Meiji vào tháng 10/2018, cô cũng tự tay hoán đổi địa vị của mình từ thành viên hoàng tộc thành dân thường. Từ đây, cô sẽ được gọi là "bà Moriya" theo họ chồng và sống cùng "của hồi môn" là khoản tiền 1,25 triệu USD được chi trả một lần từ ngân khố hoàng gia.
Công chúa Ayako, con gái của hoàng thân quá cố Norihito, em trai nhà vua Akihito, là người có học vấn cao, đi lại nhiều, xinh đẹp và được công chúng yêu mến. Song đám cưới của cô dường như không có những cảnh tượng mà người ta thường nghĩ về hôn lễ hoàng gia: không cỗ xe, không dàn nhạc, không đám đông reo hò.
Chỉ có khoảng 30 khách được mời và khoảng 800 người tập trung tại đền Meiji để chúc phúc. Công chúa Ayako mặc một bộ kimono màu vàng, làm tóc kiểu truyền thống và bước đi chậm rãi bên cạnh chú rể mặc âu phục, thỉnh thoảng ngẩng đầu mỉm cười.
|
Công chúa Ayako và phu quân trong đám cưới vào tháng 10/2018. Ảnh: Reuters. |
Ba bước sau chồng và những lễ nghi nghiêm ngặt
Hôn nhân của công chúa Ayako gợi lên nhiều vấn đề hơn là câu chuyện một phụ nữ hy sinh tất cả vì tình yêu.
Trong khi nhiều gia đình hoàng tộc khác trên thế giới đã rũ bỏ những quy tắc rườm rà, "làm mới" dòng máu của họ và thay đổi để thích nghi với sự thay đổi của xã hội, hoàng gia Nhật Bản vẫn giữ lấy những cách làm xưa cũ, mà kín đáo, truyền thống và phục tùng là ba từ khóa chính. Trong hệ thống đó, vai trò của phụ nữ hoàn toàn không được đề cao.
Ngai vàng, cùng với tất cả vị trí quyền lực quan trọng, đều chỉ dành cho đàn ông và vai trò chính của phụ nữ vẫn là sinh con nối dõi và thỉnh thoảng xuất hiện trong các dịp quan trọng để nhắc nhớ về sự tồn tại của họ. Thông tin về những người phụ nữ trong hoàng cung ít ỏi đến nỗi khi hoàng thái hậu Nagako, vợ của nhà vua quá cố Hirohito, qua đời ở tuổi 97 vào năm 2000, hàng triệu người Nhật trước đó thậm chí không biết là bà vẫn còn sống.
Việc cấm đoán kết hôn với dân thường chỉ áp dụng với phụ nữ trong khi nam giới hoàng tộc vẫn có thể cưới người họ muốn với một số điều kiện nhất định. Cả nhà vua Akihito và thái tử Naruhito đều kết hôn với những phụ nữ ngoài hoàng cung.
Thái tử phi Masako, vợ của thái tử Naruhito và là hoàng hậu tương lai, là con gái của một nhà ngoại giao. Theo nhà báo Ben Hill, người viết tiểu sử về thái tử phi Masako, bà từng bước vào hoàng cung với khát khao mang lại sự thay đổi nhưng cuối cùng lại ngã gục trước những luật lệ. Trong suốt nhiều năm, bà được cho là phải chống chọi với chứng trầm cảm vì sự gò bò và những áp lực bên trong cung cấm, bao gồm việc sinh con nối dõi. Bà và thái tử Naruhito chỉ có một người con gái duy nhất, công chúa Aiko.
Theo lễ nghi triều đình, bà phải bước ba bước sau chồng, mắt nhìn xuống. Sống tại cung Togu ở ngoại thành, nếu muốn đi vào Tokyo, bà phải xin phép trước 14 ngày. Bà không được giữ tiền riêng, thậm chí không có điện thoại riêng. Hồi mới cưới, trong một cuộc họp báo chung với thái tử Naruhito, bà thậm chí bị khiển trách vì nói nhiều hơn chồng chín giây.
"Đây là hoàn cảnh kỳ lạ và không thực sự có thể duy trì. Mọi người thừa nhận điều đó nhưng cái khó nhất là thống nhất cách để thay đổi", giáo sư Jeffrey Kingston tại Đại học Temple ở Tokyo nhận xét về sự bảo thủ của hoàng gia Nhật Bản.
|
Hoàng gia Nhật Bản xuất hiện trước các quan khách trong một bữa tiệc tại hoàng cung hồi tháng 4. Ảnh: Reuters |
Cuộc "nổi dậy" của các công chúa
Ayako không phải là công chúa đầu tiên dám vượt ra khỏi bức tường cấm cung.
Cách đây bốn năm, chị gái của cô là công chúa Noriko, khi đó 26 tuổi, đã kết hôn với Kunimaro Senge, giám tuyển của một đền thờ Thần đạo. Dù chú rể xuất thân từ gia đình có dòng dõi quý tộc, và là em họ thứ hai của đương kim Nhật hoàng Akihito, anh vẫn bị xem là không đủ "hoàng gia" và Noriko buộc phải từ bỏ tước vị cũng như các đặc quyền.
Người thứ ba, công chúa Mako, 27 tuổi, cháu gái lớn nhất của nhà vua Akihito, cũng sắp cưới một luật sư xuất thân từ gia đình thường dân ở Tokyo, bất chấp sự phản đối của hoàng gia vì gia cảnh của nhà chú rể.
Sự "nổi dậy" của các công chúa diễn ra vào một thời điểm đặc biệt khó xử cho hoàng gia. Phe kêu gọi hiện đại hóa, trong và ngoài hoàng cung, xem sự lên ngôi của Nhật hoàng mới là cơ hội hiếm có để thay đổi những luật lệ và quy tắc cứng nhắc định hình mọi mặt của vương triều.
"Tất cả những việc này đều được giải quyết một cách mà nhìn bên ngoài có vẻ lịch thiệp và văn minh, nhưng đó thực sự là một cuộc nổi dậy. Phụ nữ hoàng tộc đang nói rằng họ đã chịu đựng đủ rồi", Hinota Matsuda, biên tập viên của một trang tin tại London, nói.
|
Vợ chồng hoàng thân Fumihito có 3 con: công chúa Mako (góc trái), công chúa Kako (góc phải) và hoàng tử Hisahito (giữa). Ảnh: Reuters. |
Việc duy trì truyền thống có vai trò đặc biệt quan trọng đối với hoàng gia Nhật Bản. Dù hoàng gia giảm duy mô và bị tước bỏ một số đặc quyền sau sự thất bại của Nhật trong Thế chiến 2, thái tử Naruhito sẽ kế thừa một thiết chế mà về cơ bản không có gì thay đổi kể từ thời Shogun, hay còn gọi là Mạc phủ Tokugawa (1603-1868).
Những người theo chủ nghĩa bảo thủ muốn duy trì hình ảnh và vị thế gần như thánh thần của Nhật hoàng trong đời sống công chúng và cực lực chống lại bất cứ sự thay đổi nào.
Năm 2005, chính phủ Nhật Bản từng điều chỉnh luật để cho phép phụ nữ trở thành nữ hoàng. Tuy nhiên, kế hoạch đó không còn được xem xét nữa sau khi hoàng tử Hisahito ra đời.
"Các chính trị gia đang né tránh vấn đề trong quy định chỉ để nam giới kế vị vì họ không muốn gánh vác trách nhiệm", Yuji Otabe, giáo sư lịch sử Nhật Bản tại Đại học Phúc lợi Nhật Bản, nói với AFP.
Song công chúng dường như ủng hộ ý tưởng để phụ nữ thừa kế Ngai vàng Hoa cúc. Theo cuộc thăm dò của nhật báo Yomiuri Shimbun từ tháng 10 đến tháng 11/2018, gần 2/3 số người được hỏi muốn sửa đổi luật để cho phép phụ nữ trở thành người thừa kế hợp pháp.
Sau 2.600 năm, đồng hồ hoàng gia đang điểm những tiếng chuông to hơn khi thái tử Naruhito lên ngôi vào ngày 1/5, mở ra thời đại mới được đặt tên là "Lệnh Hòa". Trong khi chữ "hòa" (trong "hòa bình", "hài hòa") tương đối rõ ràng về ý nghĩa thì chữ "lệnh" gây ra tranh luận. Chữ này có thể chỉ sự tốt đẹp, cao quý nhưng cũng có thể được hiểu là tôn ti, trật tự.
Song rốt cuộc, hoàng gia Nhật Bản muốn gìn giữ "tôn ti, trật tự" đến mức nào khi những hậu duệ của nữ thần mặt trời lại không muốn để một phụ nữ kế vị?
Theo Đông Phong/Zing.vn