Chuỗi ngày nghỉ lễ dài theo quy định của Nhà nước là dịp mà bất cứ nhân viên nào cũng mong chờ. Nhưng tại Nhật Bản, viễn cảnh về một kỳ nghỉ lễ suôn sẻ để đánh dấu sự thoái vị của Hoàng đế sẽ diễn ra vào cuối tháng 4 này đang gặp phải khá nhiều tình huống dở khóc dở cười.
|
Ảnh The Guardian |
Nhật Bản sẽ bắt đầu kỳ nghỉ chưa từng có vào ngày 27 tháng 4, vài ngày trước khi Hoàng đế Akihito thoái vị để nhường ngôi cho con trai cả của ông, Naruhito, người trị vì Reiwa (niên hiệu triều đại mới của Nhật Bản), sẽ bắt đầu vào ngày 1 tháng 5 và kỳ nghỉ này sẽ kết thúc vào ngày 6 tháng 5.
Tháng 12 vừa qua, Quốc hội Nhật Bản đã thông qua dự luật phê chuẩn việc công nhân viên chức được nghỉ để ăn mừng sự chuyển giao của người chiếm giữ ngai vàng và cũng là kỳ nghỉ trùng với ngày lễ truyền thống mang tên “Tuần lễ Vàng” vào đầu tháng 5.
Do đó, ngành công nghiệp du lịch Nhật đang trải nghiệm quãng thời gian lợi nhuận lên như diều gặp gió với việc rất nhiều gia đình, cá nhân tiến hành đặt vé máy bay cho các chuyến đi nước ngoài - đặc biệt là các chuyến bay đường dài đến châu Âu - vì kỳ nghỉ kéo dài quá lâu. Ước tính số chuyến bay sẽ cất cánh trong khoảng thời gian này vượt qua cả số những chuyến bay trung bình trong một năm.
“Hầu hết các tour du lịch dành cho kỳ nghỉ này của chúng tôi đã được bán hết từ năm ngoái”, phát ngôn viên của Cơ quan Du lịch Nippon, ông Hideki Wakamatsu cho biết thêm rằng nhiều hành khách nằm trong danh sách chờ.
Nhưng không phải tất cả mọi người đều vui vẻ vì được nghỉ lễ. Nhân viên làm bán thời gian được trả lương theo giờ hoặc ngày đang vô cùng lo lắng về việc mất thu nhập, trong khi một số cha mẹ đang băn khoăn về cách giữ những đứa con của họ ở nhà trong thời gian nghỉ dài.
“Đối với các bậc cha mẹ không thể xoay sở nếu thiếu đi những người làm dịch vụ, 10 ngày nghỉ lễ là một vấn đề gây đau đầu. Dịch vụ gia sư sau giờ học, dịch vụ chăm sóc cây cảnh - mọi thứ đều đóng cửa”, một phụ huynh lo lắng đã chia sẻ trên mạng xã hội.
Nhiều người chỉ đơn giản là không biết phải làm gì với từng ấy ngày nghỉ.
“Nói thật, tôi không biết làm cách nào tiêu hết chừng ấy thời gian khi chúng tôi đột nhiên được nghỉ 10 ngày”, anh Seishu Sato, một nhân viên ngành tài chính 31 tuổi cho biết.
“Nếu bạn muốn dành khoảng thời gian đó để đi du lịch thì hãy bỏ ý nghĩ đó đi, khắp mọi nơi đều đông đúc người du lịch và giá tour thì vô cùng đắt đỏ…Tôi nghĩ là tôi sẽ ở yên trong nhà của bố mẹ tôi thôi”.
Sự hoài nghi của anh ấy đã được phản ánh trong một cuộc thăm dò của tờ báo Asahi, trong đó, 45% số người được hỏi nói rằng họ cảm thấy không hề vui khi được nghỉ dài như vậy, 35% còn lại nói rằng họ cảm thấy hạnh phúc.
Kỳ nghỉ dài ít nhất sẽ buộc hầu hết những người tham công tiếc việc tránh xa công sở và dành vài ngày để nghỉ ngơi thư giãn mà không cần dùng đến ngày nghỉ phép. Theo một cuộc khảo sát được thực hiện vào cuối năm ngoái, công nhân Nhật Bản mất ít ngày nghỉ hơn so với các đối tác của họ ở các nước tương đương.
Theo tạp chí kinh doanh Nikkei, cuộc khảo sát của công ty du lịch trực tuyến Expedia Nhật Bản cho thấy người Nhật là công dân có những ngày nghỉ ngắn nhất hàng năm trong số các công dân ở 19 quốc gia và khu vực khác, với một nhân viên bình thường thì họ chỉ nghỉ 10 ngày - một nửa số ngày được phép nghỉ hàng năm. Gần 60% người tham gia khảo sát cho biết họ cảm thấy có lỗi khi sử dụng quyền nghỉ phép nhưng vẫn có lương, với nhiều trích dẫn từ chối các ông chủ.
Hôm 1/4, Nhật Bản đã thông qua luật mới về việc thiết lập giới hạn thời gian làm việc sau khi các vụ việc đáng tiếc đã xảy ra - hoặc tử vong do làm việc quá sức. Điều luật mới cũng sửa đổi luật nhập cư để mở cửa cho 340.000 công nhân từ nước ngoài trong 5 năm tới, trong một nỗ lực để giải quyết tình trạng thiếu lao động nghiêm trọng.
Theo Thiên Ngân/Saostar