Muốn biến Canada thành "tiểu bang thứ 51" của Mỹ
Bloomberg đưa tin, trong cuộc họp báo tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ngày 7/1, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ hơn về khả năng đưa Canada trở thành một phần của Mỹ.
Khi được hỏi liệu có sử dụng vũ lực quân sự để sáp nhập Canada vào Mỹ hay không, ông Trump đáp "Không", nhưng thay vào đó, Tổng thống đắc cử Mỹ đưa ra phương án dùng sức mạnh kinh tế nhằm "loại bỏ ranh giới" giữa hai nước.
“Tôi sẽ dùng sức mạnh kinh tế. Chúng ta sẽ xóa bỏ ranh giới giả tạo. Điều này rất tốt cho an ninh quốc gia. Đừng quên rằng, về cơ bản chúng tôi đang bảo vệ Canada”, ông Trump nói.
|
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump (trái) và Thủ tướng Canada Justin Trudeau. Ảnh: NDTV. |
Trong thông báo đăng trên mạng xã hội Truth Social hôm 6/1, ông Trump viết: "Nếu Canada sáp nhập vào Mỹ thì sẽ không còn thuế quan, trong khi nhiều mức thuế sẽ giảm mạnh. Đồng thời, Canada sẽ hoàn toàn an toàn trước mối đe dọa đến từ các tàu của một số quốc gia liên tục bao vây họ. Mỹ và Canada cùng nhau, đây sẽ là một đất nước vĩ đại”.
Reuters đưa tin, ông Trump chỉ trích việc Mỹ chi tiêu cho hàng hóa của Canada và hỗ trợ quân sự cho Canada, nói rằng Mỹ không được hưởng lợi gì khi làm như vậy.
Tổng thống đắc cử Donald Trump nhấn mạnh, Mỹ đang trợ cấp cho Canada 200 tỷ USD mỗi năm, ám chỉ đến thâm hụt thương mại của Mỹ và các yếu tố tiềm năng khác. Theo số liệu của Cục Thống kê Dân số Mỹ, tổng thâm hụt thương mại của Mỹ về hàng hóa và dịch vụ với Canada là 40,6 tỷ USD vào năm 2023. Nguyên nhân là do Mỹ mua hơn 4 triệu thùng dầu thô của Canada mỗi ngày trong nhiều tháng.
Tổng thống đắc cử Mỹ cũng liệt kê hàng loạt mặt hàng nhập khẩu của Canada mà ông cho rằng nước Mỹ không cần, từ ô tô, gỗ xẻ đến các sản phẩm từ sữa. Ông Trump cho rằng Mỹ có thể tăng cường sản xuất và tạo ra nguồn cung nội địa.
Về phần mình, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã bác bỏ ý tưởng sáp nhập Canada vào Mỹ của ông Trump. "Không có chuyện Canada trở thành một phần của Mỹ", ông Trudeau viết trên mạng X.
Mua Greenland vì "an ninh quốc gia Mỹ"
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump gần đây cũng bày tỏ ý định muốn mua đảo Greenland, một vùng lãnh thổ tự trị của Đan Mạch.
CBC đưa tin, trong cuộc họp báo ngày 7/1, ông Trump cho biết ông không loại trừ sử dụng sức mạnh kinh tế hoặc quân sự để giành quyền kiểm soát Greenland - hòn đảo lớn nhất thế giới - và kênh đào Panama. Ông đe dọa sẽ "đánh thuế Đan Mạch ở mức rất cao".
Ông Trump đã nói rằng việc sở hữu hòn đảo này là "điều hoàn toàn cần thiết" vì an ninh quốc gia Mỹ. Kể từ Chiến tranh Lạnh, Greenland được coi là một địa điểm chiến lược quan trọng đối với quân đội Mỹ, với căn cứ không quân Pituffik được xây dựng vào năm 1943 tại vùng đất này.
|
Greenland là đảo lớn nhất thế giới. Ảnh: SA. |
Greenland ngày càng trở nên quan trọng trong quy mô địa chính trị khi băng tan ở Vòng Bắc Cực đã mở ra các tuyến đường vận chuyển mới ở Bắc Đại Tây Dương, thu hút sự quan tâm của các "đối thủ" của Mỹ là Nga và Trung Quốc.
Theo giới quan sát, ngoài an ninh quốc gia và vị trí chiến lược của hòn đảo trong hoạt động hàng hải, ông Trump nhắm đến Greenland còn có thể vì trữ lượng tài nguyên.
Theo Forbes, Greenland được cho là nơi có nguồn tài nguyên khoáng sản chưa được khai thác dồi dào, bao gồm than đá, kẽm, đồng, quặng sắt, kim cương và dầu mỏ, mặc dù mới chỉ có một phần nhỏ của hòn đảo này được khám phá, một phần là do điều kiện khắc nghiệt khi nơi đây chủ yếu bị băng và sông băng bao phủ.
Về phía Greenland, nhà lãnh đạo vùng lãnh thổ này, Múte B. Egede, tuyên bố "Greenland không phải để bán và sẽ không bao giờ bán".
Mức phí đối với tàu Mỹ qua kênh đào Panama là "vô lý"
Theo trang marlintravel, Pháp bắt đầu xây dựng kênh đào Panama vào năm 1881, nhưng tiến độ bị dừng lại do các vấn đề về kỹ thuật và tỷ lệ công nhân tử vong cao. Mỹ tiếp quản dự án vào năm 1904 và hoàn thành kênh đào Panama vào năm 1914 với chi phí 400 triệu USD.
Mỹ kiểm soát dòng kênh cho đến khi đạt thỏa thuận cùng vận hành với Panama năm 1977. Hai nước quản lý công trình trong nhiều thập kỷ. Năm 1999, Mỹ bàn giao toàn bộ quyền quản lý kênh đào cho Panama.
|
Ảnh: Reuters. |
Ngay sau khi Panama kiểm soát hoàn toàn, lượng tàu thuyền đi qua nhanh chóng vượt công suất của kênh đào. Dự án mở rộng lớn bắt đầu vào năm 2007 và hoàn tất sau gần 10 năm.
Mỗi tàu đi qua kênh đào đều phải trả phí dựa trên kích thước, loại và khối lượng hàng hóa. Phí do Cơ quan quản lý kênh đào Panama quy định. Phí cho các tàu chở hàng lớn nhất có thể lên tới khoảng 450.000 đô la.
Cuối tháng 12/2024, ông Trump phàn nàn rằng Washington đang bị đối xử bất công khi Panama áp các khoản phí vô lý với tàu hải quân và tàu hàng Mỹ đi qua kênh đào.
"Mức phí này là nực cười và bất công đối với sự hào phóng của Mỹ dành cho Panama", ông Trump nói.
Ông Trump cũng đề cập ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc đối với kênh đào, lo ngại sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của Mỹ.
"Nếu Panama không thể đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả, đáng tin cậy của kênh đào, Mỹ sẽ yêu cầu nước này trả lại kênh đào cho Washington, không cần thắc mắc", ông Trump tuyên bố.
Đáp lại ông Trump, Ngoại trưởng Panama Javier Martinez-Acha nhắc lại tuyên bố trước đây của Tổng thống Jose Raul Mulino rằng kênh đào thuộc về Panama và không chịu kiểm soát trực tiếp hay gián tiếp từ bất kỳ bên nào. Tổng thống Panama Jose Raul Mulino cũng nói rằng mức phí qua kênh không được ấn định tùy ý.
>>> Mời độc giả xem thêm video: Các nước chúc mừng ứng cử viên Donald Trump
An An (Tổng hợp)