Nằm cách bờ biển Estonia khoảng 12 km, hòn đảo nhỏ Kihnu được xem là nơi có chế độ mẫu hệ cuối cùng ở châu Âu. Từ việc chế biến thực phẩm cho tới sửa chữa máy kéo, ban hành luật cho tới thực hiện các nghi lễ nhà thờ, tất cả đều do phụ nữ tiến hành.
Vào thế kỷ 19, nam giới trên hòn đảo phải đi tìm kiếm thức ăn và đánh bắt cá. Họ bắt đầu dành phần lớn thời gian trong năm để lênh đênh trên biển. Khi đàn ông vắng mặt, những phụ nữ lớn tuổi đã tiến lên để lãnh đạo cộng đồng, gìn giữ và bảo vệ các truyền thống cổ xưa của họ. Điều duy nhất mà phụ nữ Kihnu không được làm là đào huyệt. Tuy nhiên, nó cũng không phải là điều cấm kỵ.
Phụ nữ trên đảo Kihnu tự làm hết mọi việc.
Nghề thủ công có lẽ là truyền thống dễ thấy nhất của người Kihnu. Phụ nữ Kihnu mặc đồ len dệt hoàn toàn thủ công, màu sắc và hoa văn nổi bật hơn so với người dân ở đất liền. Với màu đỏ là màu chủ đạo, các màu sắc khác như hồng, xanh lá cây, vàng, trắng và xanh da trời che phủ lên chiếc váy sọc của họ. Khăn quàng cổ và trùm đầu được trang trí họa tiết hoa lá. Để tạo ra những bộ trang phục tuyệt đẹp ấy vô cùng tốn thời gian và công sức, vì vậy, phụ nữ theo truyền thống thường cùng nhau làm ra chúng.
Một gia đình người Kihnu.
Âm nhạc cũng là một cách để trải nghiệm văn hóa Kihnu. Ca hát, truyền thống âm nhạc có nguồn gốc từ thời tiền Kito giáo với nhiều bài hát trữ tình, hát theo lối kể chuyện và được hát trong cuộc sống hàng ngày. Vô số bài hát ru, những bài hát cho trẻ em vẫn tồn tại cho đến ngày nay. Mặc dù các bài hát đang bị mai một theo thời gian nhưng phụ nữ vẫn là những người gìn giữ truyền thống và lưu truyền một số lượng lớn các bài hát.
Truyền thống đám cưới của người Kihnu dựa trên các liên minh gia tộc, các truyền thống có từ thời tiền Kito giáo vẫn được lưu giữ. Một đám cưới Kihnu có các yếu tố của truyền thống Phần Lan cũ. Cả 2 gia đình cô dâu, chú rể đều sẽ nhận được quà cưới. Cô dâu sẽ được đưa từ nhà bố mẹ đẻ sang nhà chồng. Trong quá trình đưa dâu, cô dâu trùm khăn che đầu để không bị ảnh hưởng bởi ma thuật. Khi đến nhà chồng, một buổi lễ sẽ diễn ra với nhiều bài hát, điệu nhảy và các nghi thức như đổi khăn đội đầu cô dâu thành chiếc khăn của phụ nữ đã có chồng. Lễ cưới của người Kihnu thường diễn ra trong vài ngày.
Người Kihnu rất yêu âm nhạc.
Người Kihnu còn có một số lễ kỷ niệm với bạn bè, gia đình và dòng họ. Đó là dịp để họ tụ tập, chung vui với nhau. Ngày lễ Thánh Catherine diễn ra vào 25/11 hàng năm là dịp để người dân cùng tụ hội, nhảy múa, ca hát và chia sẻ thực phẩm với nhau.
Hoặc như ngày Thánh John diễn ra vào 23/6 cũng là một ngày lễ lớn khác. Đây là ngày lễ dài nhất trong năm. Người dân đảo Kihnu sẽ trang trí nhà cửa bằng cành cây bạch dương. Khi mặt trời lặn, cộng đồng sẽ tụ tập với nhau để đốt lửa, nhảy múa và ca hát cho tới khi bình minh ló rạng.
Người dân Kihnu yêu quê hương mình hơn bất cứ điều gì khác. Phụ nữ nghĩ rằng con cái của họ có tầm quan trọng hàng đầu bởi họ chính là những người phải lưu giữ văn hóa, nghi lễ và truyền thống. Nhưng đồng thời, họ cũng nhận thấy những mối nguy đang đặt ra cho cộng đồng. Hầu hết người dân ở đây đang thay đổi để tìm kiếm một cuộc sống tốt hơn khi mà ngành công nghiệp đánh bắt cá đang thay đổi.
Chế độ nữ quyền vẫn tồn tại trên đảo Kihnu đến ngày nay.
Họ cần có người đến thăm nơi này, do đó, nó có thể giúp họ có thêm thu nhập. Tuy nhiên, họ muốn khách du lịch đến đây chỉ vì mục đích văn hóa. "Chúng tôi muốn du lịch văn hóa, những người thực sự quan tâm đến văn hóa của chúng tôi, lối sống của chúng tôi, cách chúng tôi sống. Nếu họ quan tâm, họ được chào đón, nhưng họ phải chấp nhận nó", Aav, một cư dân Kihnu nói.
Hiện tại, chỉ có một đồn cảnh sát đang hoạt động ở Kihnu. Nơi đây không có ngân hàng hay khách sạn nào cả. Bất cứ ai đến thăm nơi này đều sẽ trở thành khách của cả cộng đồng.
Quan niệm của họ về nữ quyền cũng khác lạ so với phần còn lại của thế giới. Họ tin rằng đàn ông và phụ nữ không bình đẳng với nhau. Phụ nữ đã chứng minh họ có thể làm mọi thứ mà đàn ông có thể. Tuy nhiên, đàn ông không thể làm mọi thứ mà phụ nữ làm được.
Theo Bảo Linh/Khám Phá