Theo nghiên cứu của các nhà khoa học tới từ Đại học Columbia ở New York, thử nghiệm lấy mấu đất từ 4 trong số 6 hòn đảo có mức độ phóng xạ cao hơn đáng kể so với các thảm họa ở Nhật Bản và Ukraine.
|
Hình ảnh một vụ thử hạt nhân của Mỹ ở khu vực đảo Bikini. Ảnh: Getty Images |
Một thông tin đáng lo ngại là sự hiện diện của chất phóng xạ plutonium-238 trên đảo Naen, một hòn đảo trong quần đảo Rongelap, cách khoảng 100 dặm từ các đảo được tiến hành thử nghiệm như ở quần đảo Bikini, Enjebi và Runit. Đồng vị này không phải là một sản phẩm của thử nghiệm phóng xạ mà liên quan tới chất thải hạt nhân. Điều này gia tăng các minh chứng cho giả thuyết Naen có thể được sử dụng làm bãi chứa chất thải hạt nhân.
Ivana Nikolic Hughes, Giáo sư hóa học tại Đại học Columbia, một trong những tác giả của nghiên cứu cho biết: "Chúng tôi không biết chắc chắn những gì đã xảy ra. Song chúng tôi cho rằng, con người không nên sống ở Rongelap cho đến khi điều này được giải quyết.
Một nghiên cứu khác cũng đã thử nghiệm trái cây từ một số đảo và phát hiện ra rằng mức độ ô nhiễm cao hơn mức an toàn được thiết lập ở các quốc gia bị ảnh hưởng bởi bụi hạt nhân - bao gồm Nga, Ukraine, Belarus và Nhật Bản.
|
Vụ nổ bom H có mật danh Bravo trên khu vực đảo san hô Bikini. Ảnh: Wikimedia Commons |
Chính phủ Mỹ đã thực hiện 67 vụ thử hạt nhân ở các đảo Nam Thái Bình Dương trong khoảng thời gian từ 1946 đến 1958, trong cuộc chạy đua vũ trang đầu tiên với Liên Xô.
Các cuộc thử nghiệm đã để lại dấu vết hạt nhân khắp 21 hòn đảo nằm giữa Hawaii và Australia. Mặc dù chỉ chiếm 6% trong tổng số hoạt động thử nghiệm bom hạt nhân của Mỹ, nhưng các hòn đảo này đã chịu trách nhiệm cho hơn một nửa tổng năng lượng đã sử dụng.
Đa số các hoạt động thử nghiệm đã được diễn ra trên Đảo San hô Bikini vào năm 1946 và 1954. Vụ nổ Chiến dịch Crossroads được mô tả là thảm họa hạt nhân đầu tiên trên thế giới. Sau đó, đảo Bikini hứng chịu vụ nổ Castle Bravo mạnh hơn 1.000 lần so với các vụ thả bom nhiệt hạch xuống 2 thành phố Hiroshima và Nagasaki trong Thế chiến II.
|
Đám mây bụi khổng lồ từ vụ nổ hạt nhân vào ngày 25/7/1946 trong Chiến dịch Crossroads trên đảo Bikini. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ |
Các bức ảnh chụp từ trên không xuống đảo Bikini đến nay còn cho thấy "vết sẹo" vật lý lớn nhất còn sót lại từ thời kỳ thử nghiệm hạt nhân: nơi từng có các đảo và rạn san hô giờ đây là một miệng núi lửa màu xanh rộng 1,6km và sâu 60 mét.
Mời quý vị xem video: Top 5 hòn đảo nhỏ đẹp nhất Phú Quốc
Cư dân của đảo san hô Bikini đã được yêu cầu sơ tán khỏi đây nhằm mở đường cho các cuộc thử nghiệm và tái định cư trên đảo san hô láng giềng và cằn cỗi ở quần đảo Rongerik. Đấu tranh để sinh tồn, những người địa phương đã phải hai lần di cư khỏi các hòn đảo. Chính phủ Mỹ đã hứa với họ rằng họ sẽ có thể quay lại đảo Bikini một khi đã an toàn.
Năm 1968, Tổng thống Mỹ Lyndon Johnson cho phép hàng trăm người trở về đảo Bikini. Ủy ban Năng lượng nguyên tử Mỹ trấn an người dân đảo rằng những nỗ lực làm sạch phóng xạ của họ đã thành công.
"Hầu như không còn bức xạ và chúng tôi không thể tìm thấy ảnh hưởng rõ rệt nào đối với đời sống thực vật hoặc động vật" - Ủy ban này đưa ra tuyên bố.
Ngay sau đó, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng ô nhiễm hạt nhân đã xâm nhập vào chuỗi thức ăn. Nguyên tố phóng xạ phổ biến nhất trên Bikini là Caesium 137 đã đi qua chuỗi thức ăn và vào cơ thể của người dân đảo.
Các quan chức Bộ Nội vụ Mỹ sau đó gọi mức tăng khổng lồ về nồng độ Caesium trong cơ thể người dân đảo là “không thể tin nổi”.
|
Một phần đảo san hô Bikini. Ảnh: Getty Images |
Do Caesium 137 đã làm ô nhiễm chuỗi thức ăn trên đất liền, nên kể từ cuộc di cư thứ hai vào năm 1978, không một người dân nào còn sinh sống trên đảo Bikini.
Mặc dù đảo Bikini không còn người bản địa sinh sống, nhưng nó không bị bỏ rơi. Đầu những năm 1990, khi các thợ lặn và doanh nhân du lịch bắt đầu quan tâm đến môi trường nguyên sơ và những cảnh quan tuyệt đẹp trên đảo, chính quyền địa phương bắt đầu xem xét mở một khu nghỉ dưỡng cho khách du lịch. Sau nhiều kế hoạch và hoạt động xây dựng, đảo san hô Bikini đã mở cửa đón du khách vào tháng 6/1996, nhằm mục đích tạo cơ sở kinh tế cho việc tái định cư trong tương lai.
Đảo Bikini thuộc Quần đảo Marshall - đảo quốc ở Châu Đại Dương, là nơi thử hạt nhân kinh hoàng của Mỹ.
|
Người dân đảo Bikini sơ tán để mở đường cho Chiến dịch Crossroads năm 1946. Ảnh: Getty Images |
Nhằm khắc phục hậu quả từ các chương trình thử nghiệm, năm 1986, một thỏa ước đã được ký giữa Mỹ và đảo quốc Marshall, trong đó Mỹ chi khoảng 150 triệu USD để tăng cường theo dõi sức khỏe và đền bù thiệt hại cho người dân. Song động thái này dường như vẫn không thể bù đắp được những thiệt hại mà dân đảo Bikini phải gánh chịu từ hàng chục năm nay.
Năm 2014, kỷ niệm 60 năm ngày Mỹ thử bom Castle Bravo, Tòa án Hạt nhân Quần đảo Marshall đã phán quyết số tiền hơn 2 tỷ USD yêu cầu chính phủ Mỹ bồi thường, kể cả thiệt hại con người lẫn môi trường phát sinh nhưng việc bồi thường này chỉ làm được một phần nhỏ, sau đó ngừng hẳn vì quỹ bồi thường cạn kiệt.