Hé lộ những "công chúa" của giới tỷ phú Trung Quốc sau vụ Huawei

Google News

Vụ bắt giữ CFO của Huawei Mạnh Vãn Chu đã thu hút sự chú ý tới nhóm các “công chúa” quyền lực đang nổi lên trong thế giới kinh doanh tại Trung Quốc.
 

Vụ bắt giữ Giám đốc Tài chính (CFO) kiêm Phó Chủ tịch Huawei Mạnh Vãn Chu tại Canada đã đưa người con gái kín tiếng của nhà sáng lập tập đoàn công nghệ viễn thông hàng đầu Trung Quốc trở thành gương mặt được biết đến trên toàn thế giới, qua đó thu hút sự chú ý tới nhóm các “công chúa” quyền lực thuộc "thế hệ thứ hai" tại Trung Quốc, những người đang tiếp nối thành quả kinh doanh rực rỡ của cha mẹ.
Trước khi bị nhà chức trách Canada bắt giữ tại Vancouver hôm 1/12 theo đề nghị của Bộ Tư pháp Mỹ, người con gái 46 tuổi của nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi luôn giữ hồ sơ cực kỳ kín đáo. Mang họ mẹ, mặc dù được cho là sống chủ yếu tại Thâm Quyến, “thủ phủ” của Huawei, nhưng bà Mạnh Vãn Chu (tên tiếng Anh là Sabrina Meng) từng có thời gian là cư dân thường trú tại Canada. Giới chức Mỹ cho rằng, trong 11 năm qua, bà Mạnh Vãn Chu đã được cấp ít nhất 7 quyển hộ chiếu bởi chính quyền Hong Kong và Trung Quốc.
He lo nhung
 Nhân viên an ninh Canada kèm sát bà Mạnh Vãn Chu sau khi bà được bảo lãnh tại ngoại. Ảnh: AP
Bà Mạnh Vãn Chu đã làm việc cho tập đoàn kinh doanh gia đình suốt 25 năm qua, hỗ trợ đắc lực trong công tác quản lý tài chính, góp phần đưa Huawei phát triển ấn tượng. Tuy nhiên có rất ít thông tin về bà, ngoại trừ một hồ sơ chính thức rất vắn tắt và vài tấm ảnh.
Sau vụ bắt giữ, giới truyền thông đã “xới tung” các thông tin về Mạnh Vãn Chu, về cuộc hôn nhân, con cái, hộ chiếu, bệnh tật, các tài sản của bà…, qua đó hé lộ phong cách sống của những “công chúa” thừa kế những đế chế kinh doanh gia đình khổng lồ tại Trung Quốc.
Cái tên Mạnh Vãn Chu không xuất hiện trong danh sách Top 50 phụ nữ giàu có nhất Trung Quốc trong Báo cáo Hurun năm nay, chủ yếu là vì thông tin về giá trị và các quyền sở hữu tại Huawei vẫn được giữ kín, do đó cũng có rất ít thông tin về tài sản ròng của bà..
He lo nhung
 Bà Mạnh Vãn Chu phải đeo vòng định vị GPS, chịu sự giám sát an ninh 24/24 tại Vancouver. Ảnh: AP
Tuy nhiên, Báo cáo Hurun 2018 đã ghi danh của ít nhất 7 phụ nữ “thế hệ thứ hai”, những người sở hữu tài sản lớn từ thành quả của cha mẹ.
Nhìn chung, họ đều từng học tập hoặc sinh sống ở nước ngoài, chứng kiến cha mẹ đi lên gần như từ tay trắng, trở thành những tỉ phú đôla của Trung Quốc. Những “công chúa” của giới tỉ phú Trung Quốc cũng hầu như không phải đối mặt với sự canh tranh nào từ các anh chị em ruột nhờ chính sách một con của Trung Quốc trong suốt 4 thập niên qua.
Theo các nhà phân tích, trong quá trình leo lên những nấc thang cao hơn, họ cũng đối mặt với không ít thách thức trong các mối quan hệ với hệ thống quản lý hành chính mà nam giới thống trị tại Trung Quốc. “Nhìn từ góc độ kinh doanh thuần túy, 'những người khổng lồ' trong giới nữ doanh nhân có thể đối mặt với ít sự phân biệt đối xử giới tính”, ông Brock Silvers, Giám đốc điều hành Công ty tư vấn đầu tư Kaiyuan Capital, có trụ sở tại Thượng Hải, nhận xét. “Tuy vậy, nhìn từ quan điểm quan hệ chính quyền, đây có thể là một diễn biến phức tạp, vì phần lớn hệ thống hành chính cấp cao của Trung Quốc vẫn do nam giới thống trị, và những mối quan hệ xã hội đó có thể là một yêu cầu tồn tại đối với nhiều mô hình kinh doanh”.
Ông Silvers cũng cho biết, áp lực của việc vươn ra khỏi cái bóng quá lớn của người cha” có thể sẽ đè nặng lên các “công chúa”.
He lo nhung
 Yang Huiyan, người sẽ thừa kế tập đoàn đầu tư bất động sản số 1 Trung Quốc, Country Garden Holdings.
Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, một cái tên nữ giới đáng chú ý trong “thế hệ thứ hai” là Yang Huiyan, con gái thứ của nhà sáng lập tập đoàn kinh doanh bất động sản số 1 Trung Quốc Country Garden, ông Yeung Kwok-keung (Dương Quốc Cường)
Bà Yang, 37 tuổi, có tài sản cá nhân ước tính 150 tỉ nhân dân tệ (21,8 tỉ USD) nhờ sở hữu 57% cổ phần công ty của cha. Ngoài ra, bà được trả lương 15 triệu tệ (2,18 triệu USD) mỗi năm.
Theo Báo cáo Hurun, Yang Huiyan là người phụ nữ giàu nhất Trung Quốc. Trong tháng 12 này, bà Yang đã được thăng chức lên vị trí đồng chủ tịch Country Garden, ngang hàng với cha. Người phụ nữ giàu có nhất Trung Quốc đang tiếp quản dần vai trò lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản lớn nhất cả nước.
Bà Yang tốt nghiệp Đại học bang Ohio (Mỹ) với bằng cử nhân về marketing và logistics trước khi tham gia Country Garden vào năm 2005. Giống như Mạnh Vãn Chu trước khi bị bắt, bà Yang chưa bao giờ nhận lời phỏng vấn giới truyền thông, và cuộc sống đời tư của bà gần như được giữ bí mật.
Một gương mặt nữ nổi bật khác trong thế giới doanh nghiệp Trung Quốc là Liu Chang. Từ năm 2013, khi mới 33 tuổi "công chúa" họ Liu đã sớm thay cha nắm quyền lãnh đạo New Hope Liuhe, một trong những nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn nhất Trung Quốc, thuộc tập đoàn New Hope Group.
He lo nhung
 Ái nữ của tỉ phú Liu Yonghao, bà Liu Chang. Ảnh: Bloomberg
Liu Chang sở hữu 36% cổ phẩn tập đoàn, tài sản của cô chung với mẹ là 14,5 tỉ nhân dân tệ, theo Báo cáo Hurun.
Liu Chang theo học trung học tại Mỹ năm 1994 khi 14 tuổi, nhưng đã quay trở lại quê hương làm việc cho cha một thập kỷ sau đó. Trước khi nhận trọng trách tại New Hope Liuhe, cô từng có thời gian ngắn điều hành các quán cafe và cửa hiệu phụ kiện, trang sức tại Thành Đô. Sau đó cô vào làm việc cho chi nhánh New Hope Group tại Singapore.
Báo cáo thường niên của New Hope Liuhe cho biết Liu Chang có thu nhập 3,85 triệu nhân dân tệ (gần 600.000 USD) trong năm ngoái.
Một gương mặt nữ nổi bật khác thuộc "thế hệ thứ hai" đang dần nắm quyền lãnh đạo các doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Trung Quốc là Kelly Zong Fuli.
Kelly được cho là đang trên đà tiếp quản quyền lãnh đạo của người cha Zong Qinghou (Tông Khánh Hậu), người giàu nhất Trung Quốc năm 2010 (theo Báo cáo Hurun).
He lo nhung
 Kelly Zong Fuli và cha, tỉ phú Zong Qinghou. Ảnh: china.org.cn
Zong Qinghou là người sáng lập Wahaha Group, tập đoàn nước giải khát lớn nhất Trung Quốc và con gái ông hiện đang điều hành công ty con chủ chốt là Hongsheng Beverage.
Công chúa họ Zong 36 tuổi từng theo học trường trung học San Marino ở Mỹ và tốt nghiệp Đại học Pepperdine năm 2004. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn tờ The Guardian (Anh) năm 2013, cô được dẫn lời cho biết, sự phát triển kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc đi kèm với một cái giá đắt. "Tôi nghĩ chúng tôi đã mất đi tâm hồn của mình. Ở Mỹ họ theo Cơ đốc giáo. Người Trung Quốc có Phật giáo, nhưng tôi không nghĩ mọi người thực sự tin trong sâu thẳm trái tim họ", cô Zong được dẫn lời nói.
Từ đó đến nay, giống như nhiều doanh nhân cùng thế hệ, Zong Qinghou rất kín tiếng với giới truyền thông.
Theo Thu Hằng/Báo Tin tức