Bất đồng giữa Canada và Trung Quốc tiếp tục leo thang sau khi Bắc Kinh bắt giữ 2 công dân Canada trong tuần vừa qua và cảnh báo sẽ tiếp tục “đáp trả” nếu Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu không được thả.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau nói rằng, Canada chỉ tuân thủ “quy tắc pháp luật” khi bà Mạnh Vãn Chu bị bắt giữ ở sân bay quốc tế Vancouver ngày 1/12 theo yêu cầu của Mỹ - nước cáo buộc bà này vi phạm các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran. Tuy nhiên Trung Quốc đáp trả nhằm vào Canada chứ không phải nhằm vào Mỹ.
Vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu khiến nhiều quan chức Trung Quốc nổi giận, họ nhanh chóng lên tiếng chỉ trích Canada và dọa sẽ có “những hậu quả thảm khốc” nếu bà Mạnh không được thả. Và thực sự Trung Quốc đã đáp trả.
|
Bà Mạnh Vãn Chu sau khi được bảo lãnh tại ngoại. Ảnh: New York Times |
Doanh nhân Canada Michael Spavor và cựu nhà ngoại giao Canada Michael Kovrig bị bắt giam ở Trung Quốc ngày 10/12 với cáo buộc “gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia”.
Peter Navarro, cố vấn chính sách thương mại Nhà Trắng, phát biểu trên Fox Busines Network ngày 13/12 rằng, vụ Huawei là lý do khiến công dân Canada bị bắt. Khi được hỏi liệu các vụ bắt giữ có liên quan với nhau hay không, ông Navarro đáp: “Tất nhiên là có. Đó là chiêu bài của Trung Quốc”.
Nelson Wiseman, một giáo sư chính trị tại Đại học Toronto cũng nói rằng, thực tế Trung Quốc sẽ đáp trả Canada chứ không phải Mỹ, dù Mỹ mới là nước yêu cầu bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu. Điều này cho thấy đây là một động cơ chính trị. “Trung Quốc có thể dễ dàng bắt giữ lãnh đạo doanh nghiệp hay nhà ngoại giao Mỹ, họ có thể làm cả 2 điều đó. Nhưng họ không làm như vậy”.
Vì sao Trung Quốc bắt bí Canada?
Giáo sư Charles Burton thuộc đại học Brock, đồng thời là cựu nhà ngoại giao Canada ở Trung Quốc tin rằng Trung Quốc bắt giữ công dân Canada để gửi tới Canada một lời cảnh báo về vụ bà Mạnh Vãn Chu.
Ông nói rằng “thời điểm” vụ bắt giữ các công dân Canada dường như là hành động thực tế cho tuyên bố “hậu quả thảm khốc” mà chính quyền Trung Quốc đã cảnh báo trước đó. Lý do là bởi bà Mạnh không đơn thuần chủ là một Giám đốc tài chính của Huawei, mà bà còn được nhắc đến như “công chúa công nghệ” của Trung Quốc và cũng là thành viên cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc cùng với cha bà (ông Nhậm Chính Phi).
Theo Giáo sư Burton, bà Mạnh là người có nhiều mối liên hệ và Trung Quốc sẽ “gây áp lực hết sức” để đảm bảo bà được thả.
Một trong những cựu đại sứ Canada tại Trung Quốc cũng cho biết, ông không nghi ngờ vụ bắt giữ công dân Canada Spavor và Kovrig là nhằm đáp trả vụ Huawei. “Tôi có thể nói rằng, dựa vào 13 năm kinh nghiệm ở Trung Quốc, đó không phải là sự trùng hợp. Trung Quốc muốn gửi tới Canada một thông điệp”.
Vì sao là Canada mà không phải Mỹ?
Trung Quốc dường như “nhẹ tay” hơn nhiều đối với Mỹ. Ngày 9/12, Trung Quốc đã triệu Đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh tới để “phản đối mạnh mẽ” vụ bắt bà Mạnh Vãn Chu. Trung Quốc cũng yêu cầu Mỹ rút lại lệnh bắt bà Mạnh, nhưng lại không hề dọa về “hậu quả thảm khốc” như đã làm đối với Canada.
Theo Giáo sư Đại học Toronto, ông Wiseman, cách hành động nhằm vào Canada thay vì Mỹ của Trung Quốc tóm gọn trong vấn đề kinh tế. “Trọng tâm là nhằm vào Canada chứ không phải Mỹ, vì Trung Quốc muốn cải thiện quan hệ với Mỹ - điều có lợi hơn đối với Trung Quốc”, ông nói.
Trung Quốc và Mỹ đã đồng ý 90 ngày đình chiến thương mại. Vụ bắt giữ Giám đốc Mạnh Vãn Chu dấy lên lo ngại đàm phán thương mại Mỹ-Trung có thể sẽ bị chệch hướng. Tuy nhiên, ngày 11/12, Trung Quốc tuyên bố, các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ vẫn đang diễn ra.
Thương mại với Canada chỉ là “số lẻ” đối với Trung Quốc so với những gì mà nước này xuất khẩu sang Mỹ. Và chính Mỹ mới là nước đang áp thuế bổ sung với Trung Quốc.
Năm 2016, Trung Quốc xuất khẩu hơn 48 tỷ USD sang Canada, và nhập khẩu 15 tỷ USD từ Canada. Trong khi đó, cũng năm 2016, Trung Quốc xuất khẩu 481 tỷ USD sang Mỹ và nhập khẩu 115 tỷ USD từ Mỹ.
Do sự phụ thuộc của Trung Quốc là vào Mỹ, Canada dường như bị biến thành “con tốt thí mạng”.
Liệu Canada có chao đảo vì áp lực của Trung Quốc?
Stephanie Carvin, chuyên gia về an ninh quốc gia và giáo sư đại học Carleton nói rằng, Trung Quốc đã từng bắt giữ công dân Canada trước đây và đó lại là một động cơ chính trị khác.
“Người ta cho rằng gia đình Garrett, người bị bắt giữ vài năm trước, là nhằm đáp trả cho vụ một cá nhân Trung Quốc ở British Columbia bị dẫn độ sang Mỹ vì hoạt động gián điệp”, bà Carvin nói.
Năm 2014, vợ chồng Kevin và Julia Garratt, chủ một cửa hàng cafe ở Trung Quốc, bị bắt với cáo buộc liên quan đến hoạt động gián điệp. Julia được thả năm 2015 trong khi Kevin bị giam 2 năm.
Theo bà Carvin, Trung Quốc tin rằn vụ bắt giữ cựu nhà ngoại giao Canada Michael Kovrig sẽ giúp ích trong trường hợp vụ Huawei.
Canada nhiều lần nói rằng, vụ bắt giữ Giám đốc tài chính kiêm Phó chủ tịch Huawei Mạnh Vãn Chu không phải là động thái chính trị và đơn thuần là tuân thủ luật pháp quốc tế về dẫn độ - một yêu cầu từ giới hành pháp Mỹ.
Roland Paris, một cựu cố vấn chính sách ngoại giao cho Thủ tướng Canada Justin Trudeau, nói rằng những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm buộc Canada phải nhượng bộ có thể sẽ không có tác dụng. “Họ sẽ không thuyết phục được chính phủ Canada. Các thẩm phán mới là người quyết định”.
Theo Thùy Linh/VOV.VN