Cục diện cuộc đua bầu cử Mỹ trước ngày “Siêu thứ Ba”

Google News

Một trong những dấu mốc quan trọng trong năm bầu cử ở Mỹ là ngày “Siêu thứ Ba”.

Sự kiện “Siêu thứ Ba” - thời điểm hơn 10 bang tại Mỹ đồng loạt tiến hành các cuộc bầu cử sơ bộ để chọn ra các đại biểu có vai trò quyết định ứng cử viên nào của mỗi đảng sẽ đại diện trong cuộc đua vào Nhà Trắng - năm nay diễn ra vào hôm nay (theo giờ Mỹ) với các cuộc bầu cử Mỹ sơ bộ ở hơn 10 bang.

Trong bối cảnh Tổng thống Joe Biden ở đảng Dân chủ và người tiền nhiệm Donald Trump của Đảng Cộng hòa đang tăng tốc hướng về ngày bầu cử vào cuối năm nay, ngày “Siêu thứ Ba” có ý nghĩa rất quan trọng định hình cuộc đua vào tháng 11. Ngoài ra, đây cũng là thời điểm quan trọng đối với các cuộc chạy đua vào Hạ viện và Thượng viện - cũng như các cuộc tranh cử cấp địa phương khác.

Cuc dien cuoc dua bau cu My truoc ngay “Sieu thu Ba”

Bầu cử Mỹ với 2 ứng viên chủ chốt là ông Biden (trái) và ông Trump. Ảnh: BBC.
Tầm quan trọng của bầu cử Siêu thứ Ba tại Mỹ năm nay

Trong ngày Siêu thứ Ba, 15 tiểu bang và vùng lãnh thổ Samoa của Mỹ sẽ tiến hành bầu cử sơ bộ và họp kín của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa. Trong lịch trình bầu cử sơ bộ ở Mỹ, đây là ngày có nhiều bang đi bỏ phiếu nhất và thông thường 1/3 trong tổng số đại biểu tham dự đại hội Đảng Cộng hòa hoặc Đảng Dân chủ sẽ được bầu vào ngày "siêu thứ ba". Tại cuộc đua của Đảng Cộng hòa, cuộc bỏ phiếu sẽ chọn ra 874 đại biểu, tương đương 36% tổng số 2.429 đại biểu, trong khi khoảng 1/3 số đại biểu của Đảng Dân chủ cũng sẽ được quyết định vào ngày Siêu thứ Ba. Để giành được suất đề cử của đảng Cộng hòa, ứng cử viên phải có được sự ủng hộ của 1.215 trên tổng số 2.429 đại biểu trong khi ứng cử viên đảng Dân chủ phải giành được 1.968 trên tổng số 3.934 đại biểu.

Các đại biểu này sẽ đại diện cho bang của họ tham dự đại hội đảng vào giữa năm nay để chọn ra ứng viên tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng. Những cuộc đua cấp tiểu bang này giúp các ứng cử viên của hai đảng tập hợp những đại biểu cần thiết cho họ để giành được sự đề cử của đảng mình.

Đối với các ứng viên, kết quả tích cực trong ngày "siêu thứ ba" có thể tạo đà cũng như thu hút quyên góp tài chính cho cuộc đua, nhưng ngược lại cũng có thể rơi vào bế tắc. Trong các cuộc bầu cử ở Mỹ trước đây thì nếu có một ứng cử viên dẫn đầu rõ ràng vào "siêu thứ ba", thường sau ngày này, ứng cử viên đó sẽ tiếp tục là người dẫn đầu và nhiều ứng viên khác sẽ từ bỏ cuộc đua.

Ngoài các cuộc bầu cử sơ bộ và họp kín của đảng, đây cũng là thời điểm quan trọng đối với các cuộc chạy đua vào cả hai viện của Quốc hội Mỹ - Hạ viện và Thượng viện - cũng như các cuộc tranh cử cấp địa phương khác. Việc có đại diện ở lưỡng viện Quốc hội cũng rất quan trọng đối với mỗi đảng vì điều này sẽ ảnh hưởng tới chương trình nghị sự lập pháp của bất kỳ Tổng thống nào dù thuộc đảng Dân chủ hay Cộng hòa. Đảng Dân chủ hiện đang nắm quyền kiểm soát Thượng viện còn đảng Cộng hòa đang có lợi thế đa số tại Hạ viện. Trong Hiến pháp Mỹ quy định mọi quyết sách lớn đều phải được thông qua tại Quốc hội trước khi đưa lên Tổng thống ký duyệt.   

Liệu còn cơ hội cho ứng viên khác ngoài ông Biden và Trump?

Tính từ đầu năm tới nay, cả đương kim Tổng thống Joe Biden và cựu Tổng thống Donald Trump đều đang dẫn đầu cuộc chạy đua giành suất đề cử của đảng với các chiến thắng tuyệt đối của ông Biden và gần như tuyệt đối của ông Trump trong các cuộc bầu cử sơ bộ và họp kín của mỗi đảng. Ông Trump tới nay chỉ bị đánh bại duy nhất một lần trong cuộc bầu cử sơ bộ ở Đặc khu Colombia diễn ra vào cuối tuần vừa qua. Trong cuộc đua giành đề cử tổng thống của Đảng Cộng hòa, ngày Siêu thứ ba có thể đánh dấu sự kết thúc con đường của cựu Đại sứ Liên Hợp Quốc Nikki Haley. Bà là ứng cử viên đáng chú ý cuối cùng vẫn thách thức người dẫn đầu, cựu Tổng thống Donald Trump, nhưng chiến dịch tranh cử của bà đã không thể tạo được ảnh hưởng trước sự áp đảo của ông Trump.

Đối với giới phân tích, kết quả cuộc đua sơ bộ trong ngày Siêu thứ Ba dường như không còn nhiều bất ngờ và không có nhiều ý nghĩa như những đợt bầu cử trước đây khi các thăm dò cho thấy ông Trump rất có khả năng giành chiến thắng trong hầu hết, nếu không muốn nói là tất cả, các cuộc bỏ phiếu của Đảng Cộng hòa. Trong khi đó, cuộc đua bên Đảng Dân chủ còn im ắng hơn khi ông Biden có thể yên tâm với sự ủng hộ của đa số, ngoại trừ một vài phản đối không đáng kể. Chính vì vậy, gần như có thể khẳng định cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm nay sẽ là màn tái đấu giữa ông Biden và ông Trump. 

Xu hướng ứng viên tổng thống Mỹ ngày càng cao tuổi

Chiến dịch bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024 đang bước vào chặng tăng tốc với ngày bỏ phiếu sơ bộ “Siêu thứ Ba” và dư luận và báo giới tiếp tục có những tranh luận sôi nổi về chủ đề nóng, đó là độ tuổi của các ứng cử viên tổng thống. Về mặt pháp lý, Hiến pháp Mỹ chỉ quy định tuổi tối thiểu để có thể đăng ký tranh cử tổng thống là 35 tuổi, song không hề quy định tuổi tối đa. Tuy nhiên, lo ngại về tuổi tác của các ứng cử viên vẫn là một vấn đề được dư luận quan tâm sát sao. Kết quả thăm dò do ABC News/Ipsos thực hiện cho thấy 59% số người được hỏi nói rằng ông Trump (77 tuổi) và ông Biden (81 tuổi) đã quá già để gánh vác thêm một nhiệm kỳ tổng thống nữa. Nếu được đảng Cộng hòa và Dân chủ bầu làm gương mặt đại diện tham gia tổng tuyển cử, dù ai giành thắng lợi vào tháng 11 tới, thì cả ông Trump và ông Biden đều sẽ thiết lập lịch sử với tư cách ứng cử viên cao tuổi nhất trở thành chủ nhân Nhà Trắng.

Ông Trump và ông Biden hiện đang là các ứng cử viên cao tuổi nhất tham gia một cuộc bầu cử tổng thống. Truyền thông Mỹ phản ánh rằng trên thực tế người dân Mỹ ngày càng có xu hướng thích các ứng cử viên lớn tuổi và điều này diễn ra qua hàng chục cuộc bầu cử tổng thống. Giai đoạn từ năm 1880-1976, hai đảng Dân chủ và Cộng hòa chỉ có 4 ứng cử viên hơn 60 tuổi, tuy nhiên, từ sau năm 1976, hai đảng đã đề cử 9 ứng cử viên trên 60 tuổi, 5 ứng cử viên trên 70 tuổi hoặc già hơn. Kể từ năm 1960 tới nay, nước Mỹ mới chỉ chứng kiến 4 ứng cử viên tổng thống ở độ tuổi 40, gồm John F. Kennedy, Richard Nixon, Bill Clinton và Barack Obama.

Năm nay, trong tổng số 14 ứng cử viên tuyên bố tranh cử của cả hai đảng, chỉ có duy nhất ông Vivek Ramaswamy dưới 40 tuổi (38 tuổi), trong khi 4 ứng viên ngoài 60 tuổi và 6 ứng cử viên hơn 70 tuổi.

Việc cử tri Mỹ đặt niềm tin nhiều hơn vào các ứng cử viên cao tuổi càng rõ nét kể từ khi Mỹ áp dụng các phương thức bầu cử sơ bộ mới. Khác với cơ cấu đại hội trước đây, nơi ban lãnh đạo đảng nắm quyền rất lớn trong việc lựa chọn ứng cử viên tổng thống của đảng, hệ thống bầu cử sơ bộ kiểu bỏ phiếu kín hiện nay giúp cử tri có nhiều quyền hơn trong việc lựa chọn ứng cử viên yêu thích.

Dù báo giới Mỹ có hoài nghi như thế nào về tuổi tác của các ứng cử viên, song các kết quả đều chứng minh một điều đó là lựa chọn của cử tri Mỹ. Chính trường Mỹ vẫn rộng mở cơ hội với các chính khách trẻ tuổi, song ứng cử viên lớn tuổi vẫn chiếm ưu thế trong cuộc đua vào Nhà Trắng.

Theo Phạm Huân/VOV