Đại dịch Covid-19 lắng dịu, mâu thuẫn nội bộ giảm bớt, tuy nhiên nước Mỹ bước vào năm 2022 với sự hoài nghi của người dân về cách thức điều hành đất nước của Tổng thống Joe Biden cũng như khả năng duy trì tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung chưa có dấu hiệu giảm nhiệt, chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy…
Sự kiện nổi bật nhất trong năm 2022 chính là cuộc bầu cử giữa kỳ vì đây không chỉ được xem là bài trắc nghiệm uy tín giành cho ông chủ Nhà Trắng mà quan trọng hơn, nó còn là cuộc chạy đua quyền lực tại Quốc hội, quyết định hướng đi của nước Mỹ trong hai năm tới, xa hơn là tác động quan trọng đến cuộc bầu cử Tổng thống cuối năm 2024.
Không có làn sóng đỏ cho đảng Cộng hòa
Không ngoài dự đoán, cuộc bầu cử giữa kỳ 2022 là cuộc chạy đua đầy gay cấn, cạnh tranh và bất ngờ đến phút chót. Bước vào chiến dịch tranh cử các cuộc thăm dò và mô hình dự báo đều đưa ra các kết quả bất lợi cho đảng Dân chủ, thậm chí còn cho thấy đảng Cộng hòa có khả năng giành được chiến thắng tại cả hai viện Quốc hội Mỹ. Nhiều nhà phân tích chính trị dự báo sẽ có một “làn sóng đỏ”, màu đại diện cho đảng Cộng hòa trong kỳ bầucử năm nay.
|
Các cử tri Mỹ bỏ phiếu trong cuộc bầu cử giữa kỳ. Ảnh: Getty |
Tuy nhiên, với việc thông qua được nhiều đạo luật quan trọng như Đạo luật kiểm soát an toàn súng đạn, Đạo luật khuyến khích sản xuất bán dẫn cho nước Mỹ, Đạo luật giảm lạm phát… đảng Dân chủ và Tổng thống đương nhiệm Joe Biden đã phần nào giành lại được uy tín và sự ủng hộ của cử tri. Bên cạnh đó, việc hàng loạt các bang Cộng hòa bảo thủ ban hành quyết định hạn chế hoặc cấm phá thai sau khi Tòa án Tối cao Mỹ lật ngược phán quyết Roe vs. Wade, trả lại quyết định về quyền phá thai cho các bang đã khiến nhiều cử tri, đặc biệt là cử tri nữ phản ứng dữ dội. Uy tín của cựu Tổng thống Donald Trump và mâu thuẫn trong nội bộ đảng Cộng hòa cũng gia tăng sau khi Quốc hội và giới chức Mỹ mở rộng các cuộc điều tra nhằm vào cựu Tổng thống Donald Trump. Các nhân tố này được cho là đã giúp đảng Dân chủ lật ngược thế cờ.
Tại Hạ viện, phe Cộng hòa đã không thể tạo được “làn sóng đỏ” khi chỉ giành được thêm 9 ghế từ đảng Dân chủ, qua đó chiếm đa số với tỷ lệ 222/213. Mặc dù đảng Cộng hòa giành thắng lợi nhưng việc mất đa số cũng không hẳn là một thất bại đối với phe Dân chủ khi đây là một trong những kết quả tốt nhất trong một cuộc bầu cử giữa kỳ với Tổng thống đương nhiệm.
Tại Thượng viện, không những giữ được đa số, đảng Dân chủ còn giành thêm được một ghế quan trọng sau cuộc bầu cử vòng 2 tại bang Georgia. Việc có thêm một ghế cũng giúp đảng Dân chủ chiếm đa số tại tất cả các ủy ban Thượng viện, thay vì tỷ lệ 50/50 như trước đây. Với đa số mới tại Thượng viện, đảng Dân chủ và Tổng thống Biden có thêm lợi thế trong việc thúc đẩy các dự luật, bổ nhiệm các vị trí nội các, đặc biệt là trong ngành tư pháp, mặc cả với đảng Cộng hòa về các vấn đề nội bộ, đẩy mạnh thực hiện các chính sách đối ngoại.
Lạm phát tăng cao nhất trong vòng 40 năm
Nếu được hỏi về vấn đề gì tác động đến người dân Mỹ nhiều nhất trong năm qua thì cuộc bầu cử giữa kỳ, cuộc khủng hoảng Uraine hay cạnh tranh với Trung Quốc không đứng hàng đầu tiên mà là lạm phát. Tháng 6/2022, nước Mỹ đã chứng kiến mức độ lạm phát tăng cao nhất trong vòng 4 thập kỷ qua khi chỉ số này tăng tới 9,1% so với cùng kỳ năm 2021. Hai yếu tố quan trọng nhất đẩy lạm phát của Mỹ tăng mạnh là giá năng lượng và lương thực thực phẩm với mức tăng tương đương hơn 30% và gần 20%.
Chính quyền Tổng thống Biden cho rằng, tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng Ukraine, việc Trung Quốc thực hiện chính sách phong tỏa cứng đối phó với dịch bệnh Covid-19 khiến sản xuất đình trệ, một số nhà máy lọc dầu tại Mỹ và một số nước khác đang đóng cửa và xu hướng lạm phát chung trên toàn cầu là nguyên nhân chính dẫn đến lạm phát tăng cao tại Mỹ.
Tuy nhiên, phe Cộng hòa lại khẳng định, chính sách tài khóa và tiền tệ nới lỏng cùng với các gói cứu trợ kinh tế hàng nghìn tỷ USD được ban hành hàng loạt dưới thời Tổng thống Biden mới là nguyên nhân chính, khi khiến lực cầu, hay là nhu cầu mua sắm của người dân Mỹ vốn đã rất cao trong thời kỳ dịch bệnh tiếp tục được duy trì trong khi nguồn cung thế giới bị gián đoạn.
Với các biện pháp như liên tục tăng lãi suất cơ bản, vận động các nước sản xuất dầu mỏ lớn trên thế giới tăng sản lượng, khuyến khích chuyển đổi năng lượng xanh thay thế năng lượng hóa thạch cũng như chuỗi cung ứng dần dần ổn định, giá năng lượng và các mặt hàng tiêu dùng đang có xu hướng giảm mạnh giúp hạ thấp tỷ lệ lạm phát. Mặc dù đây là điểm cộng cho Chính quyền Biden trong cuộc bầu cử giữa kỳ vừa qua nhưng việc tăng lãi suất cao đến mức kỷ lục cũng đẩy nền kinh tế Mỹ đứng trước nguy cơ suy thoái trong thời gian tới.
Chiến lược mới từ chống khủng bố sang chống Trung Quốc và Nga
Xác định thế giới đang trong giai đoạn chuyển đổi quan trọng và thập kỷ tới có thể là thập kỷ quyết định vai trò của nước Mỹ, chính quyền Tổng thống Biden liên tiếp công bố các văn bản quan trọng đặc biệt là Chiến lược an ninh quốc gia và Chiến lược quốc phòng 2022. Việc công bố các chiến lược này chậm hơn so với các chính quyền tiền nhiệm do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng Ukraina và cạnh tranh địa chính trị Mỹ-Trung ngày càng gay gắt. Điểm chung nhất của cả hai văn bản quan trọng này là công khai xác định Trung Quốc và Nga là hai đối thủ cạnh tranh, trong đó Trung Quốc là đối thủ chiến lược, lâu dài còn Nga là thách thức hiện tại và cấp bách.
Trong Chiến lược an ninh quốc gia 2022 công bố hồi tháng 10, chính quyền Biden vẫn kế thừa các mục tiêu cơ bản, xuyên suốt đó là đó tập trung củng cố và tăng cường sức mạnh, vị trí lãnh đạo toàn cầu của Mỹ, giải quyết hai thách thức cơ bản, thứ nhất là sự cạnh tranh giữa các cường quốc định hình tương lai trật tự quốc tế, đặc biệt là Trung Quốc và Nga. Thứ hai là các thách thức xuyên quốc gia đang diễn ra hàng ngày, từ biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, an ninh năng lượng, dịch bệnh cho đến khủng bố, lạm phát, nguy cơ khủng hoảng kinh tế…
Mục tiêu này của Chính quyền Biden cũng được làm rõ trong Chiến lược Quốc phòng 2022, công bố sau đó 2 tuần. Chiến lược này cũng thể hiện sự thay đổi rõ rệt trong ưu tiên an ninh quốc gia của Mỹ so với trước đó. Trong Chiến lược 2018, thay vì tập trung vào cuộc chiến chống khủng bố tại Trung Đông, Mỹ xác định cả Trung Quốc và Nga là các đối thủ cạnh tranh chiến lược, trong đó Nga được xem là ưu tiên hàng đầu.
Trong khi đó, Chiến lược 2022 có thay đổi ưu tiên khi coi Trung Quốc là đối thủ chiến lược hàng đầu, cần ưu tiên đối phó số một trong khi Nga bị đặt xuống hàng thấp hơn. Mặc dù cuối năm nay, Mỹ và Trung Quốc đã có một số động thái tìm kiếm giải pháp quản lý cạnh tranh chiến lược nhưng việc xác định các mục tiêu này cho thấy căng thẳng địa chính trị sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.
Màn tái xuất nhạt nhòa của cựu Tổng thống Donald Trump
|
Cựu Tổng thống Donald Trump. Ảnh: Bloomberg |
Một trong những sự kiện gây tranh cãi nhất trong năm 2022 chính là việc cựu Tổng thống Donald Trump, người đã thất bại trong cuộc bầu cử năm 2020 và đang bị điều tra trách nhiệm về vụ bạo loạn tại Quốc hội Mỹ hồi đầu năm 2021 chính thức tuyên bố ra tranh cử tổng thống lần thứ 3 hồi giữa tháng 11/2022.
Khác với “làn gió mới” khi ra tranh cử lần đầu tiên năm 2016, màn tái xuất của ông Trump diễn ra trong bối cảnh đảng Cộng hòa chỉ giành được thắng lợi khiêm tốn tại Hạ viện và tiếp tục thất thế trước đảng Dân chủ tại Thượng viện.
Ngay trong nội bộ đảng Cộng hòa, mâu thuẫn giữa phe ủng hộ và chống ông Trump cũng leo thang lên tới đỉnh điểm, không ít thành viên gạo cội của đảng này liên tục cáo buộc chính cựu Tổng thống là người phải chịu trách nhiệm phần nào đối với các thất bại của đảng Cộng hòa thời gian qua. Nhiều ứng cử viên được ông Trump ủng hộ cũng không thể vượt qua được các ứng cử viên của đảng Cộng hòa, tiêu biểu là Herschel Walker, thất bại trước Thượng nghị sỹ Dân chủ đương nhiệm Raphael Warnock trong cuộc bầu cử bổ sung tại bang Georgia đầu tháng 12 vừa qua.
Con đường trở thành người đại diện cho đảng Cộng hòa trở thành ứng cử viên tổng thống của ông Trump được dự báo sẽ khó khăn rất nhiều so với chiến dịch tranh cử năm 2016. Cho đến nay, ông Trump sẽ tiếp tục phải đối mặt với các phiên luận tội tại Quốc hội Mỹ về trách nhiệm của mình trong vụ bạo loạn ngày 6/01. Mặc dù vẫn được đa số cử tri Cộng hòa ủng hộ, nhưng thách thức thực sự đối với ông Trump có thể sẽ xuất hiện sau khi các ứng cử viên khác tuyên bố ra tranh cử cũng như trong các cuộc bầu cử sơ bộ hoặc họp kín được tổ chức theo từng bang dự kiến bắt đầu từ tháng 1 năm tới.
Hơn 40.000 người chết và bị thương do bạo lực súng đạn
|
Cảnh sát phong toả để điều tra vụ xả súng đẫm máu tại trường tiểu học Robb ở thị trấn Uvalde, bang Texas (Mỹ), ngày 24/5/2022 (Ảnh: AFP). |
Mặc dù có giảm bớt so với năm 2021, nhưng bạo lực súng đạn vẫn là một vấn nạn nhức nhối trong lòng nước Mỹ. Trong năm 2022, đã có ít nhất 607 vụ xả súng hàng loạt làm ít nhất 4 người thiệt mạng trở lên trên khắp nước Mỹ với hơn 3.100 người chết và bị thương, chỉ kém năm ngoái là 692 vụ. Trong khi đó, tổng số người thiệt mạng liên quan đến bạo lực súng đạn đã lên đến hơn 40.000 người, gần bằng con số 45.000 người của năm 2021.
Các vụ xả súng hàng loạt xảy ra tại khắp mọi nơi, từ trường học, cửa hàng tạp hóa, siêu thị cho đến các dịp lễ kỷ niệm… Vụ thảm sát dã man nhất diễn ra hồi tháng 5 tại trường tiểu học Robb ở Uvalde, bang Texas làm 19 học sinh và 2 người lớn thiệt mạng. Chỉ vài ngày trước vụ xả súng ở Uvalde, một thanh niên da trắng 18 tuổi, được xác định là Payton Gendron, đã bắn chết 10 người trong một siêu thị nhỏ ở Buffalo, bang New York. Từ năm 2019 đến năm 2020, tổng số vụ xả súng hàng loạt cả năm đã tăng từ 417 lên 610. Con số này đã tăng vọt vào năm 2021 lên 692.
Trong năm 2022, Chính quyền Tổng thống Biden cũng đã nỗ lực vận động và thông qua được một số đạo luật quan trọng nhằm đối phó với tình trạng bạo lực tại Mỹ. Trong tháng 6, Quốc hội Mỹ đã chính thức thông qua và Tổng thống Biden ký ban hành “Đạo luật lưỡng đảng vì Cộng đồng an toàn hơn”. Đạo luật này được đánh giá là bước đi quan trọng nhất trong việc thông qua các hạn chế liên bang về súng đạn sau nhiều thất bại trong hàng chục năm qua. Tuy nhiên, với văn hóa súng đạn đã ăn sâu vào đời sống của người dân Mỹ cũng như lợi ích khổng lồ của các tập đoàn sản xuất và buôn bán súng đạn, vấn nạn này khó có thể được giải quyết nhanh chóng.
Sẽ không có nhiều bất ngờ trong năm 2023
Bước sang năm 2023, cũng là năm nước Mỹ chuẩn bị cho kỳ tranh cử tổng thống diễn ra vào tháng 11/2024. Tuy nhiên, vấn đề được người dân nước này quan tâm nhất vẫn là kinh tế, liệu lạm phát có giảm, nước Mỹ có bước vào giai đoạn suy thoại hay không. Trong năm 2022, hầu hết các chuyên gia kinh tế và giới chức Mỹ mặc dù thấy rõ lạm phát có xu hướng gia tăng nhưng đều cho rằng không nghiêm trọng hoặc chỉ là tạm thời. Tuy nhiên, chỉ mới đến tháng 6 năm ngoái, tỷ lệ lạm phát tại Mỹ đã vọt lên mức cao nhất trong vòng 4 thập kỷ qua.
Cho đến nay, kinh tế Mỹ bắt đầu có một số dấu hiệu chuẩn bị bước vào một chu kỳ suy thoái mới. Theo giới chuyên gia, đợt suy thoái này mang tính chu kỳ khi nền kinh tế Mỹ bước vào giai đoạn điều chỉnh sau khi bùng nổ sau đại dịch. Tuy nhiên, các yếu tố tiềm ẩn như cuộc chiến Nga-Ukraine, khủng hoảng năng lượng châu Âu và đặc biệt là nguy cơ nền kinh tế Trung Quốc có thể rơi vào tình trạng hỗn loạn vì dịch Covid-19 đang có nguy cơ bùng phát trên diện rộng… có thể sẽ mang lại các tác động tiêu cực không lường trước.
Ở trong nước, chính quyền Biden sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện các chương trình nghị sự của mình khi đảng Cộng hòa chiếm đa số tại Hạ viện, nơi quyết định hầu hết các vấn đề đối nội của Mỹ. Trong năm 2023, đảng Cộng hòa có thể mở lại nhiều cuộc điều tra đối với Tổng thống Biden và gia đình, các thành viên Dân chủ và Nội các. Một số cá nhân có thể sẽ trở thành trọng tâm điều tra của Hạ viện ví dụ như con trai Biden về các mối quan hệ kinh doanh ở nước ngoài, Bộ trưởng An ninh Nội địa Alejandro Mayorkas về chính sách nhập cư…
Về đối ngoại, đảng Cộng hòa có thể sẽ đề nghị làm rõ vai trò của Chính quyền Tổng thống Biden trong thất bại của Mỹ tại Afghanistan, nguồn gốc của dịch bệnh Covid-19 và phản ứng xử lý của Chính quyền Biden đối với vấn đề này. Tuy nhiên, việc không kiểm soát được Thượng viện có thể khiến đảng Cộng hòa phải cân nhắc hơn, không đẩy tận cùng các cuộc điều tra mà chủ yếu sử dụng để gây sức ép lên Chính quyền Biden.
Về chiến dịch tranh cử tổng thống nhiệm kỳ tới, trong năm 2023 cũng chưa thể khẳng định cựu Tổng thống Donald Trump chính thức trở thành ứng cử viên đại diện cho đảng Cộng hòa, đương kim Tổng thống Biden hay Phó Tổng thống Harris sẽ là gương mặt đại diện cho đảng Dân chủ ra tranh cử. Cho đến thời điểm hiện nay, uy tín của cựu Tổng thống Trump và đương kim Tổng thống Biden lên xuống thất thường nhưng vẫn ở mức thấp kỷ lục. Tuy nhiên, trong năm 2023, cử tri Mỹ cũng hy vọng có thể thấy được những gương mặt mới, tươi trẻ hơn, mang lại hy vọng mới cho nước Mỹ không chỉ trong cuộc bầu cử năm 2024./.
Vũ Hợp, Phạm Huân/VOV-Washington