Jenan Moussa, một phóng viên của kênh truyền hình Al Aan (Lebanon), mới đây tiết lộ cuộc sống kín tiếng nhưng không hề đơn giản của một góa phụ IS tại Đức.
Theo DW, Moussa đang giữ một chiếc điện thoại được cho là của Omaima, trong đó có những tài liệu cho thấy người phụ nữ này dường như sẵn sàng ủng hộ hệ tư tưởng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS tự xưng và có thể đang gây quỹ cho nhóm khủng bố này.
Omaima sinh năm 1984 tại thành phố Hamburg, Đức. Cô ta đem lòng yêu một người đàn ông đã kết hôn, Nader Hadra. Nader quen biết với nhiều phần tử Hồi giáo cực đoan nhất nước Đức. Sau đó, Omaima và 3 đứa con của cô đã theo Nader tới Syria.
|
Omaima A. và tên Denis Cuspert. Ảnh: DW. |
Sau khi Nader bị tiêu diệt trong cuộc giao tranh tại Kobane, Omaima được nhận "bồi thường" và tái hôn. Những bức ảnh trong điện thoại của Omaima mà phóng viên Moussa có được cho thấy người phụ nữ này đã đi theo một trong những kẻ Hồi giáo cực đoan khét tiếng nhất nước Đức - Denis Cuspert - từng là một rapper trước khi trở thành thành viên của tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS tự xưng.
Đầu năm 2015, Cuspert bị Mỹ liệt vào danh sách khủng bố. Y được cho là đã thiệt mạng tại Syria vào đầu năm 2018.
Omaima dường như đang có một cuộc sống kín tiếng tại Đức sau khi hai người chồng của cô ta bị tiêu diệt. Tuy nhiên, một người Hồi giáo từng hoạt động trong phong trào Hồi giáo Salafi ở Đức cùng với hai người chồng của Omaima nói với DW rằng: "Cô ta (Omaima) không phải là không 'nổi tiếng'. Mặc dù tôi chưa gặp cô ta nhưng tôi biết cô ta hoạt động tích cực trên mạng xã hội ở Đức và cả Syria. Tôi đã nghe thấy cái tên này rất nhiều lần".
Moussa cũng chỉ ra bằng chứng cho thấy Omaima A. quản lý các tài khoản truyền thông xã hội cho nhóm khủng bố IS tại Syria. Bằng chứng này trong một chiếc điện thoại (của Omaima) được tìm thấy tại Syria. Hiện không rõ Omaima để mất điện thoại ở Syria vào cuối năm 2015 hay đã cố tình để lại chiếc điện thoại này khi quyết định quay trở lại Đức.
Thời điểm chính xác Omaima quay trở lại Hamburg cùng những đứa con của cô ta cũng không rõ ràng. Moussa cho rằng khi đó có thể là cuối năm 2016.
Mời độc giả xem thêm video: Phiến quân IS tấn công nhà hàng ở Bangladesh (Nguồn: RT)
Moussa cảm thấy ngạc nhiên khi cho đến nay, Omaima vẫn chưa bị "sờ gáy". Trên thực tế, nhiều người trở về Đức từ Syria và Iraq, bao gồm cả phụ nữ, đều bị giám sát.
Phóng viên Moussa đã tới Hamburg để gặp trực tiếp Omaima, nhưng chỉ có thể gặp con gái của góa phụ IS này. Gọi điện cho Omaima thì cô ta nhiều lần cúp máy.
Một tài khoản Linkedln đã bị xóa mà Moussa nói thuộc về Omaima cho thấy một người phụ nữ hiện đại được trang điểm kỹ, buộc tóc, tự nhận mình là dịch giả và điều phối viên sự kiện.
"Cô ta (Omaima) chọn một cuộc sống bình thường, chưa từng bị chính quyền buộc tội hay bắt giữ", Moussa nói.
Theo DW, sở dĩ Omaima chưa từng bị chính quyền Đức bắt giữ là bởi vì gần đây, tòa án Đức cho rằng việc ai đó sống trong lãnh thổ do phiến quân IS kiểm soát thì chưa đủ bằng chứng để khởi tố. Thay vào đó, các công tố viên cần phải chứng minh được rằng người đó (chẳng hạn như Omaima) đã tích cực hỗ trợ nhóm khủng bố IS.
Và nếu tài liệu trong chiếc điện thoại mà Moussa đang giữ được xác thực, văn phòng công tố liên bang Đức có thể sẽ "quan tâm" hơn đến trường hợp của Omaima.
Thiên An