Phản ứng của thế giới đối với chính sách thuế mới của ông Trump

Google News

Thủ tướng Italy Giorgia Meloni cho rằng việc áp thuế 20% với Liên minh Châu Âu (EU) là hành động "sai lầm" trong khi Thủ tướng Australia Anthony Albanese chỉ trích mức thuế nhập khẩu 10% đối với hàng hóa nước này là "vô lý".

>>> Mời độc giả xem video: Tổng thống Trump ký sắc lệnh về chính sách thuế quan mới ngày 2/4

Nguồn video: BBC

Hai mức thuế quan mới mà Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố vào ngày 2/4 bao gồm: Mức thuế cơ bản 10% đối với tất cả hàng nhập khẩu vào nước này và mức thuế đối ứng được áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu từ 60 quốc gia.
Mức thuế chung 10% sẽ có hiệu lực từ 0h01 sáng ngày 5/4, trong khi đó, các mức thuế đối ứng sẽ có hiệu lực từ 0h01 ngày 9/4.
Trong đó, hàng hóa nhập khẩu từ EU vào Mỹ sẽ phải chịu mức thuế 20%. Theo trang Business Standard, Thủ tướng Italy Giorgia Meloni cho rằng việc áp mức thuế này là hành động "sai lầm" và "không phù hợp với bất kỳ bên nào". Tuy nhiên, bà khẳng định sẵn sàng hợp tác với Mỹ để ngăn chặn "cuộc chiến thương mại".
Phan ung cua the gioi doi voi chinh sach thue moi cua ong Trump
Tổng thống Trump ký sắc lệnh về chính sách thuế mới vào ngày 2/4. Ảnh: YN.  
Nhiều quốc gia khác cũng đã lên tiếng phản ứng trước mức thuế quan mà Tổng thống Trump mới công bố
Thủ tướng Australia Anthony Albanese lên án mức thuế quan này là "vô lý" và cảnh báo người Mỹ sẽ phải chịu chi phí cao nhất. Tuy nhiên, ông cũng khẳng định rằng Australia sẽ không áp dụng "thuế quan có đi có lại" đối với Mỹ.
"Chúng tôi sẽ không tham gia vào cuộc chạy đua xuống đáy dẫn đến giá cả tăng cao và tăng trưởng chậm lại", Thủ tướng Australia nói.
Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez tuyên bố rằng Tây Ban Nha sẽ bảo vệ các công ty và người lao động của mình, "tiếp tục cam kết xây dựng một thế giới cởi mở".
Thủ tướng Ireland Micheál Martin gọi chính sách thuế quan của ông Trump là "rất đáng tiếc" và lập luận rằng nó sẽ không mang lại lợi ích cho bất kỳ ai. Dù vậy, Bộ trưởng Thương mại Ireland Simon Harris cho biết đất nước ông sẵn sàng đàm phán với Mỹ, mô tả ngoại giao là "cách tốt nhất để tiến về phía trước".
Thủ tướng Anh Keir Starmer cảnh báo rằng "một cuộc chiến thương mại không có lợi cho bất kỳ ai". Phát biểu trước Quốc hội, ông tuyên bố rằng Anh đã chuẩn bị mọi kịch bản có thể xảy ra.
Phan ung cua the gioi doi voi chinh sach thue moi cua ong Trump-Hinh-2
Nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới đã phản ứng với mức thuế quan mới của ông Trump. Ảnh: Reuters.  
Trên mạng xã hội X, Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson cho hay nước này đã chuẩn bị cho tình hình hiện tại.
"Chúng tôi muốn tìm cách quay lại con đường thương mại và hợp tác với Mỹ để người dân có thể được hưởng cuộc sống tốt đẹp hơn", ông nói thêm.
Trong khi đó, Đức cảnh báo rằng một cuộc chiến thương mại có thể gây hại cho "cả hai bên".
Theo BBC, tại Mỹ Latinh, nền kinh tế lớn nhất là Brazil đã thông qua một đạo luật tại Quốc hội ngày 2/4 để chống lại mức thuế quan 10% do Tổng thống Trump áp đặt.
Bộ Ngoại giao Brazil cho biết họ sẽ xem xét "mọi hành động có thể để đảm bảo tính có đi có lại trong thương mại song phương, bao gồm cả việc nhờ đến Tổ chức Thương mại Thế giới".
Quyền Tổng thống Hàn Quốc Han Duck Soo cho biết cuộc chiến thương mại toàn cầu "đã trở thành hiện thực", đồng thời nói thêm rằng nước này sẽ tìm cách "vượt qua cuộc khủng hoảng thương mại".
Nhật Bản cho biết mức thuế 24% áp dụng với nước này là "cực kỳ đáng tiếc" và có thể vi phạm quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới cũng như các thỏa thuận giữa Mỹ và Nhật Bản.
Tổng thống Thụy Sĩ Karin Keller-Sutter tuyên bố: "(Hội đồng Liên bang) sẽ nhanh chóng xác định các bước tiếp theo. Lợi ích kinh tế lâu dài của đất nước là tối quan trọng. Việc tuân thủ luật pháp quốc tế và thương mại tự do vẫn là các giá trị cốt lõi".
Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent khuyên các nước không nên "trả đũa" mà hãy "bình tĩnh và chấp nhận".
"Bởi vì nếu các vị trả đũa, tình hình sẽ leo thang", ông nói với Fox News.
An An (Theo BS, BBC)