|
Tiêu hủy vũ khí hóa học Syria sẽ làm nảy sinh một loạt vấn đề ở cấp độ quốc tế, liên quốc gia và quốc gia.
|
Thông tin được cung cấp đầy đủ và chi tiết buộc OPCW cần thêm thời gian nghiên cứu. Cơ quan quốc tế về kiểm soát vũ khí hóa học đã thông báo hoãn cuộc họp Ban chấp hành về vấn đề Syria, được dự kiến vào ngày 22/9. Các chuyên gia OPCW đòi hỏi thời gian để đề ra quy trình cụ thể về thống kê, vận chuyển, bảo quản và tiêu hủy vũ khí hóa học Syria.
Theo ước tính sơ bộ, Syria sở hữu kho vũ khí hóa học với khối lượng từ 1.000 đến 1.300 tấn. Các thanh tra viên sẽ đến Syria so sánh dữ liệu được cung cấp và tình hình thực tế. Tiếp đến, họ đề ra phương hướng xử lý vũ khí hóa học. Mỹ và các nước đối tác muốn Nga thực hiện công việc này. Chuyên gia cho biết Nga có thể hủy sarin và các chất độc khác tại cơ sở chuyên trách ở Shuchio, tỉnh Kurgan (Ural).
Ông Vladimir Evseyev, giám đốc Trung tâm nghiên cứu xã hội-chính trị Nga, cho biết sẽ nảy sinh loạt vấn đề phức tạp ở cấp độ quốc tế, liên quốc gia và quốc gia. Trở ngại đầu tiên là xuất khẩu vũ khí hóa học từ lãnh thổ Syria. Cần lực lượng đến 10.000 quân nhân của các nước để đảm bảo an toàn cho hoạt động vận chuyển. Chuyên gia Vladimir Evseyev nói: “Nhiệm vụ phải làm không chỉ là hình thành phái bộ các thanh tra viên Liên Hợp Quốc, bổ sung đội ngũ sĩ quan thuộc quân chủng bảo vệ hóa học từ các nước mà còn đảm bảo an toàn của phái bộ. Nga có khả năng đưa các đội đặc nhiệm tham gia vào hoạt động này”.
Nhưng đó mới là sự khởi đầu của vấn đề, ông Vladimir Evseyev nói. Cần kiểm tra và đảm bảo rằng đạn pháo hóa học sẽ không tự ý kích nổ trong quá trình vận chuyển. Đây là khả năng không thể loại trừ. Một vấn đề khác là việc vận chuyển lô hàng nguy hiểm này vào Nga. Ông Evseyev cho biết: “Thổ Nhĩ Kỳ có thể cấm tàu chở hàng nguy hiểm đi qua eo biển. Không phải nước nào cũng đồng ý cho phương tiện mang chất hóa học nguy hiểm quá cảnh”.
Ngoài ra, liệu Moscow có giải thích được với dư luận trong nước về lý do thủ tiêu vũ khí hóa học Syria trên lãnh thổ Nga. Trong quá trình xây dựng cơ sở ở Shuchie (đi vào hoạt động năm 2009), nhà chức trách Nga đã chứng kiến nhiều cuộc biểu tình của người dân và giới bảo vệ môi trường sinh thái.
Theo bà Natalia Kalinina, chuyên gia về các vấn đề vũ khí Viện Kinh tế thế giới và các quan hệ quốc tế (IMEMO), thực tế và tính toán cho thấy cần khoản tiền lớn để vận chuyển vũ khí hóa học. Điều này đòi hỏi các container đặc biệt, tàu, lực lượng yểm hộ, các biện pháp an ninh trên đường đi. Chí phí có thể vượt con số 1 tỷ USD mà Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã đề cập trong một cuộc phỏng vấn gần đây.
Văn Bình (theo VOR)