Xung quanh việc Syria kê khai vũ khí hóa học

Google News

Theo Reuters, chính phủ Syria đã gửi danh sách kê khai vũ khí hóa học đến Hague, nơi đặt trụ sở của Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW).

Vũ khí hóa học của Syria.
Hiện chưa có thông tin về nội dung chính xác của những tài liệu này. Tuy nhiên, theo phát biểu của một đại diện OPCW, danh sách này là chưa đầy đủ. Trong một cuộc phỏng vấn dành cho VOA ngày 20/9, người phát ngôn OPCW Michael Luhan nói ông dự kiến sẽ nhận được thêm thông tin trước cuối tuần này.
Theo ước tính của các cơ quan tình báo nước ngoài, Damascus đang sở hữu khoảng gần 1.000 tấn chất độc quân sự.
Trong khi đó, hãng tin AFP cho biết gần như cùng lúc với việc Hague tiếp nhận bản kê khai của từ Syria, các cuộc tham vấn theo kế hoạch về vấn đề Syria của OPCW, dự kiến thực hiện vào Chủ Nhật (22/9) cũng bị hoãn lại vô thời hạn. Theo kế hoạch, trong những cuộc tham vấn này sẽ thảo luận chi tiết kế hoạch Nga-Mỹ về việc giải trừ vũ khí hóa học Syria.
Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) cho rằng việc phá hủy vũ khí hóa học ở Syria là nhiệm vụ chưa từng có và đòi hỏi những biện pháp đặc biệt.
Việc thực hiện Hiệp định khung Nga-Mỹ về loại bỏ vũ khí hóa học Syria là một thách thức đặc biệt đối với OPCW, xét cả về thời gian lẫn theo các khía cạnh khác.
Trong một cuộc phỏng vấn với Interfax hôm Thứ Sáu (20/9), phát ngôn viên OPCW Michael Luhen cho biết “đây là một tình huống chưa từng có”, chủ yếu là liên quan đến thời hạn quá ngắn cũng như tình hình bất ổn trong khu vực. Ông nói thêm rằng “tình huống bất thường đòi hỏi phải có những biện pháp đặc biệt”. Ông nhắc lại rằng OPCW bây giờ là một cơ quan giám sát ở Syria vì nước này đã tham gia Công ước cấm vũ khí hoá học.
Tuần qua, Syria đã tuyên bố gia nhập Công ước cấm vũ khí hoá học và công ước này sẽ có hiệu lực tại Syria từ ngày 14/10/2013.
Trước đó, Damascus cho biết sẽ kêu gọi đình chiến tại một hội nghị hòa bình được Liên Hợp Quốc hậu thuẫn nhằm chấm dứt cuộc nội chiến tại Syria. Phó Thủ tướng Syria Qadri Jamil nói với báo The Guardian (Anh) rằng cuộc xung đột “đã đi vào bế tắc”, trong khi cả lực lượng chính phủ lẫn phe nổi dậy đều không đủ mạnh để có thể đánh bại đối phương. Ông Jamil nói thêm rằng chính quyền Syria sẽ đề nghị “chấm dứt hành động can thiệp từ nước ngoài” và khởi sự “một tiến trình chính trị hòa bình” tại hội nghị Geneva vốn bị trì hoãn lâu nay.
Vòng đàm phán năm ngoái đã kết thúc trong thất bại, giữa lúc không có bên nào được đại diện tại hội nghị. Vốn bị chia rẽ nội bộ sâu sắc, phe đối lập Syria đã tẩy chay cuộc đàm phán cho tới khi nào Tổng Thống Bashar al-Assad từ chức.
Lê Chân (tổng hợp)