Đồng chủ trì cuộc đối thoại này là Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken và Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trương Nghiệp Toại.
|
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken đồng chủ trì Đối thoại An ninh chiến lược Mỹ-Trung. |
Nội dung chính của cuộc đối thoại SDD là trao đổi quan điểm về các vấn đề an ninh có tầm quan trong chiến lược đối với cả hai nước, trong đó có
vấn đề Biển Đông.
Phát biểu với báo giới sau cuộc đối thoại, các quan chức cấp cao của Mỹ cho biết cuộc đối thoại diễn ra trong không khí thẳng thắn, tại đó Thứ trưởng Ngoại giao Antony Blinken một lần nữa nhấn mạnh mối quan ngại của Mỹ xung quanh các hành động của Trung Quốc thực thi yêu sách chủ quyền tại Biển Đông.
Phía Mỹ cũng bày tỏ quan ngại về các vụ tấn công mạng có nguồn gốc từ Trung Quốc liên tục nhắm vào hệ thống máy tính của chính phủ Mỹ.
Vòng đối thoại Mỹ-Trung năm 2015 tại Washington bao gồm ba phần: Đối thoại chiến lược và kinh tế Mỹ-Trung (S&ED) lần thứ 7; Tham vấn về giao lưu nhân dân-nhân dân (CPE) lần thứ 6 và Đối thoại an ninh chiến lược (SDD) lần thứ 5.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Bộ trưởng Tài chính Jacob Lew cùng với Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì và Phó thủ tướng Uông Dương sẽ đồng chủ trì cuộc Đối thoại S&ED, trong khi Ngoại trưởng John Kerry và Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Diên Đông sẽ đồng chủ trì cuộc Tham vấn CPE lần thứ 6.
Cuộc Đối thoại chiến lược và kinh tế Mỹ-Trung sẽ tập trung thảo luận về các thách thức và cơ hội về chiến lược và kinh tế mà hai nước đang phải đối mặt, trước mắt và lâu dài, cả trong quan hệ song phương, khu vực và toàn cầu.
Vấn đề Biển Đông cũng được ưu tiên cao trong chương trình nghị sự của cuộc Đối thoại chiến lược và kinh tế Mỹ-Trung. Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 18/6, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á-Thái Bình Dương, ông Daniel Russell, cho biết ngoài các mối quan ngại chung như biến đổi khí hậu, các chương trình hạt nhân của Iran và Triều Tiên, cuộc Đối thoại chiến lược và kinh tế Mỹ-Trung lần thứ 7 cũng ưu tiên thảo luận về các bất đồng giữa hai nước xung quanh ba vấn đề nóng gồm an ninh mạng, nhân quyền và tình hình khu vực Biển Đông.
Ông Russel cho biết Washington quan ngại về các kế hoạch của Trung Quốc duy trì các hoạt động bồi lấp và xây dựng trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông, cho rằng viễn cảnh Trung Quốc quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông là trái ngược với mục tiêu hạ nhiệt căng thẳng trong khu vực. Hơn 400 quan chức Trung Quốc đã có mặt tại thủ đô Washington cho ba cuộc đối thoại hàng năm này.
Theo TTXVN/Tin tức