Trung Quốc: để các nước Biển Đông tự giải quyết tranh chấp
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra thông báo cho biết, nước này “hi vọng các nước ở ngoài khu vực duy trì thái độ trung lập, phân biệt rõ ràng sự đúng sai và nghiêm túc tôn trọng các nỗ lực của các nước trong khu vực để duy trì hòa bình cũng như sự ổn định trong khu vực”.
Tuyên bố này nhằm đáp trả phát biểu của Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề chiến lược và đa phương Michael Fuchs.
|
Tàu Kiểm Ngư 951 của Việt Nam bị Trung Quốc hung hăng đâm hỏng phần đuôi khi thực thi nhiệm vụ gần giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt trái phép trong vùng biển Việt Nam. Ảnh:Vnexpress. |
Ngày 11/7, Hội thảo quốc tế về Biển Đông do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tổ chức tại thủ đô Washington (Mỹ) đã thảo luận về triển vọng chính sách của Mỹ đối với vấn đề Biển Đông và việc hợp tác, xây dựng lòng tin trong giải quyết tranh chấp.
Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề chiến lược và đa phương Michael Fuchs đã nêu đề xuất của Mỹ về các bước đi cụ thể nhằm hạ nhiệt căng thẳng ở Biển Đông.
Ông Michael Fuchs bày tỏ lo ngại về tình hình căng thẳng ngày càng gia tăng trên Biển Đông, đồng thời chỉ trích cách hành xử "khiêu khích và đơn phương" của Trung Quốc làm dấy lên hoài nghi về sự sẵn sàng của nước này trong việc tuân thủ luật pháp quốc tế.
Trung Quốc có thiện chí giải quyết tranh chấp Biển Đông?
Trung Quốc trước đó đưa ra bản đồ mới thể hiện yêu sách “đường 9 đoạn”, chiếm gần trọn diện tích Biển Đông bao gồm cả 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Ngoài ra, Trung Quốc còn có hàng loạt các hành động khiêu khích đơn phương như hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam. Tàu Trung Quốc cũng chủ động đâm va, sử dụng vòi rồng tấn công tàu Việt Nam thực thi nhiệm vụ trong khu vực giàn khoan. Đặc biệt nghiêm trọng, tàu Trung Quốc còn đâm chìm tàu cá Việt Nam trong ngư trường truyền thống của ngư dân Việt Nam.
Việt Nam đã nhiều lần có các cuộc đối thoại với Trung Quốc nhằm tìm kiếm giải pháp giải quyết tranh chấp những phía Trung Quốc không có thiện chí đàm phán giải quyết. Không những thế, Trung Quốc còn tiếp tục tung thêm các giàn khoan ra Biển Đông làm phức tạp tình hình.
Căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines cũng tăng cao trong khu vực sau hàng loạt các tranh chấp tại các khu vực khác nhau. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao của Philippines cho biết Manila ủng hộ mạnh mẽ lời kêu gọi của Mỹ về việc các bên ngừng các hành động làm leo thang căng thẳng.
Mỹ muốn 10 nước ASEAN và Trung Quốc có cuộc “thảo luận thực tế và chiều sâu” để đi đến Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC), ông Fuchs cho hay. Trước đó, lãnh đạo nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á đã lên tiếng kêu gọi các bên
đẩy nhanh việc xây dựng COC.
“Vấn đề là DOC không mang tính pháp lý ràng buộc cao. Do vậy, chúng ta cần phải đẩy nhanh việc xây dựng COC để giải quyết các vụ tranh chấp và ngăn ngừa các cuộc xung đột tiềm tàng”, Tổng thống Philippines Benigno Aquino phát biểu trước báo chí.
Tuy nhiên, Trung Quốc liên tục trì hoãn ký kết Bộ quy tắc ứng xử trên biển (COC). Một mặt Trung Quốc vẫn cử các nhà ngoại giao thương lượng về COC để thể hiện rằng nước này theo đuổi giải pháp hòa bình; mặt khác, Bắc Kinh lại có một loạt hành động hung hăng trên Biển Đông nhằm mở rộng quyền kiểm soát với vùng biển này.
Ngô Trang