Trung Quốc trơ trẽn đòi đăng ký di sản "Con đường tơ lụa" tại Hoàng Sa

Google News

(Kiến Thức) - Trung Quốc tìm cách đăng ký Con đường tơ lụa trên biển với UNESCO nhằm củng cố bằng chứng lịch sử cho yêu sách chủ quyền "đường 9 đoạn"

Theo ông Vương Nhất Bình, quan chức đứng đầu về di tích văn hóa tỉnh Hải Nam, xác các tàu đắm xung quanh đảo Shanhu và Jinyin ở quần đảo Xisha (theo cách Trung Quốc gọi đảo Hoàng Sa và đảo Quang Ảnh trong quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam) sẽ được khai quật khảo cổ trong 2 năm tới.
Ông Vương Nhất Bình cho biết các vật liệu xây dựng bằng đá và chạm khắc niên đại nhà Thanh được phát hiện ở khu vực mà Trung Quốc gọi là Tam Sa - do Bắc Kinh đơn phương thiết lập trái phép năm 2012.
Ông Vương Nhất Bình còn khoe rằng từ đầu năm 2014, giới chức của cái gọi là thành phố Tam Sa đã tiến hành các chương trình bảo tồn đối với đảo Hữu Nhật và Đá Bắc, đều thuộc Hoàng Sa.
Một nhà khảo cố được cho là đang thăm dò một chiếc tàu bị chìm ở biển Đông.
Trước đó, Trung Quốc đã ngang nhiên tiến hành các cuộc khảo cổ trái phép ở quần đảo Hoàng Sa và hiện mở rộng việc này xuống phía Nam tới quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
"Một cơ sở khảo cổ học dưới nước, một trạm làm việc và bảo tàng liên quan tới biển Đông đều được lên kế hoạch nhằm bảo vệ Con đường tơ lụa hàng hải và giành được vị trí trong danh sách Di sản thế giới của Ủy ban Di sản Thế giới -UNESCO”, ông Vương Nhất Bình ngang ngược phát biểu.
Theo Tân Hoa xã, con đường tơ lụa trên biển xuất hiện từ nhà Tần đến nhà Hán (221 trước Công nguyên-220 sau Công nguyên), bắt đầu từ bở biển phía đông của Trung Quốc đi qua biển Đông và Ấn Độ Dương đến Địa Trung Hải. 
Cũng theo Tân Hoa xã, kể từ năm 1990, giới chức Trung Quốc đã xác định vị trí của 136 địa điểm khảo cổ dưới nước ở biển Đông, trong đó có nhiều nơi được Bắc Kinh liệt vào “danh sách địa điểm bảo vệ quốc gia”.
Tháng 6/2014, 9 thành phố ở Trung Quốc đã ra tuyên bố chung ủng hộ biển Đông là một phần của con đường tơ lụa trên biển.
Giới quan sát cho rằng việc đẩy mạnh khảo cổ tới các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam là hành động mới nhất nhằm củng cố bằng chứng lịch sử cho yêu sách chủ quyền "đường 9 đoạn" phi lý của Trung Quốc đối với gần toàn bộ khu vực biển Đông và thực hiện mưu đồ kiểm soát hiệu quả vùng biển này.
Ngô Trang