Các nhà lập pháp Trung Quốc hôm 12/3 đã ngang nhiên đòi cấp quyền lập pháp địa phương cho cái gọi là thành phố Tam Sa được Bắc Kinh thành lập trái phép năm 2012 trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Hành động kể trên là bước đi nữa của Trung Quốc, xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.
Tờ Tân Hoa Xã đưa tin, vào ngày 12/3, đề xuất trên đã được trình lên Đoàn Chủ tịch khóa họp thường niên Đại hội nhân dân toàn quốc (NPC, tức Quốc hội Trung Quốc) để Ủy ban Pháp luật xem xét. Ủy ban trên chịu trách nhiệm thu thập các ý kiến của các đại biểu Quốc hội về dự luật sửa đổi Luật Lập pháp trong các buổi thảo luận.
|
Thành phố Tam Sa được Trung Quốc lập trái phép trên đảo Phú Lâm, Quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. |
Trong các buổi thảo luận nhóm, các đại biểu Quốc hội Trung Quốc (còn ngang nhiên) đề xuất xếp cái gọi là
Thành phố Tam Sa vào cùng đơn vị hành chính giống với 284 thành phố hiện nay và cấp quyền lập pháp. Và sau khi thảo luận kĩ càng, ủy ban này đã quyết định trình bày đề xuất trên lên Quốc hội.
Ngoài cái gọi là Thành phố Tam Sa được Bắc Kinh lập phi pháp hồi tháng 7/2012, văn kiện dự luật trên cũng đề xuất cấp quyền lập pháp cho ba thành phố khác của nước này, bao gồm Thành phố Dongguan và Zhongshan (tỉnh Guangdong) và Thành phố Jiayuguan (tỉnh Gansu).
Trước đó, vào tháng 1/2015, chính quyền tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) đã tuyên bố lập 4 ban vũ trang nhân dân ở cái gọi là Thành phố Tam Sa với mục đích hoàn thiện thể chế cho chính quyền ở thành phố được thành lập phi pháp này bất chấp hành vi đó vi phạm chủ quyền của quốc gia khác.
Trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 5/3, tại Hà Nội, trước câu hỏi về việc Trung Quốc xây, bồi đắp đảo ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, cho phép hoạt động đồn trú và sân bay quân sự, Phó Phát Ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng khẳng định quan điểm của Việt Nam về việc này là rõ ràng và nhất quán.
"Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa", Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Phạm Thu Hằng phát biểu.
Thanh Nga (theo THX)