Mặc dù Việt Nam liên tiếp bác bỏ toàn bộ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa, phía Trung Quốc vẫn ngang nhiên lập "Ban Vũ trang Nhân dân" trái phép ở Hoàng Sa của Việt Nam.
Sau khi cho ra đời cái gọi là “Khu Cảnh bị Tam Sa” ở “thành phố Tam Sa” được thành lập phi pháp vào tháng 7/2012, Trung Quốc ngày 6/1 đã tiếp tục thiết lập đồng thời 4 “Ban Vũ trang Nhân dân” ở Hoàng Sa của Việt Nam.
|
Trụ sở hành chính mà Trung Quốc lập trái phép trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
|
Hãng thông tấn Trung Tân (CNS) có trụ sở chính ở Bắc Kinh ngày 6/1 đưa tin Trung Quốc đã thành lập đồng thời 4 “Ban Vũ trang Nhân dân,” trong đó có “Ban Vũ trang Nhân dân” đảo/thị trấn Vĩnh Hưng (thực tế là đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam), “Ban Vũ trang Nhân dân” Thất Liên (7 hòn đảo gần nhau, đều thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và “Ban Vũ trang Nhân dân” quần đảo Vĩnh Lạc (thực tế là nhóm đảo Lưỡi Liềm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam).
Đây là một trong những tổ chức cơ sở của chính quyền ở Trung Quốc, thông thường được thiết lập ở cấp xã, phường, thị trấn, phụ trách công tác nghĩa vụ quân sự, quản lý quân nhân dự bị và động viên chiến tranh.
Theo CNS, việc thành lập các “Ban Vũ trang Nhân dân” này là biện pháp quan trọng nhằm thúc đẩy sự phát triển của công tác vũ trang tại cơ sở, nhằm hoàn thiện nhu cầu của hệ thống chính quyền ở Tam Sa.
Bốn “Ban Vũ trang Nhân dân” này sẽ chịu sự lãnh đạo của Thị ủy
Tam Sa, chính quyền thành phố Tam Sa và Khu Cảnh bị Tam Sa.
Quyết định kể trên là bước đi mới nhất của Trung Quốc, xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.
Trước đó, ngày 11/12, trả lời câu hỏi của phóng viên TTXVN và một số hãng thông tấn báo chí khác đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước Văn kiện lập trường ngày 7/12 của Chính phủ Trung Quốc về Vụ kiện Trọng tài Biển Đông, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ: "Một lần nữa, Việt Nam tuyên bố có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như các quyền và lợi ích pháp lý khác của Việt Nam ở Biển Đông."
Ông Lê Hải Bình nhấn mạnh: "Lập trường nhất quán của Việt Nam là kiên quyết bác bỏ yêu sách của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và vùng nước phụ cận cũng như yêu sách 'các quyền lịch sử' của Trung Quốc đối với vùng nước, đáy biển, lòng đất dưới đáy biển bên trong 'đường đứt đoạn' do Trung Quốc đơn phương đưa ra".
Theo Vietnam Plus