Hơn 2 triệu người Thái Lan hưởng ứng lời kêu gọi của chính phủ của nữ Thủ tướng Yingluck đã đăng ký đi bỏ phiếu sớm tại 50 điểm bỏ phiếu ở Bangkok trong ngày hôm nay (26/1). Kết quả cuộc bầu cử ngày hôm nay sẽ là tiền đề cho cuộc bầu cử chính thức dự kiến diễn ra ngày 2/2 tới.
Tuy nhiên, người biểu tình đã đổ về hơn 34 điểm trong tổng số 50 điểm bỏ phiếu ở Bangkok ngăn chặn quan chức bầu cử cũng như cử tri bỏ phiếu. Theo ước tính tạm thời của giới chức Thái Lan, có khoảng 34 điểm bỏ phiếu đã bị phá rối, không thể tổ chức bầu cử sớm như kế hoạch và phải đóng cửa. Tình trạng cũng diễn ra ở một số tỉnh phía nam của Thái Lan, được xem là thành trì của người biểu tình chống chính phủ .
“Ít nhất 34 điểm trong tổng số 50 điểm bỏ phiếu ở Bangkok đã phải đóng cửa, không thể tổ chức bỏ phiếu. Các quan chức bầu cử cũng như cử tri không thể tiến vào bên trong các điểm bầu cử do bị người biểu tình bao vây, quấy rối”, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử Quốc gia của Thái Lan Puchong Nutrawong cho biết.
|
Người biểu tình chống chính phủ Thái Lan khoác chặt tay nhau tạo thành một vòng vây tại một điểm bỏ phiếu ở Bangkok ngày 26/1.
|
Song hiện tại vẫn chưa có thông báo về tình trạng bạo lực hoặc đụng độ giữa người biểu tình và các cử tri tại các điểm bỏ phiếu. Một cảnh sát Thái cao cấp cho biết, khoảng 2.5000 người biểu tình đã vây hàng chục điểm bỏ phiếu ở Bangkok nhưng lực lượng an ninh đành làm ngơ để không làm phương hại và kích động người biểu tình.
Trong khi đó, những người biểu tình chống chính phủ cũng khẳng định, họ không cản trở hay đe dọa cử tri đi bỏ phiếu sớm mà chỉ bao vây các điểm bỏ phiếu. Nhưng nhiều nhà quan sát cho rằng, điều này cũng đồng nghĩa với việc ngăn chặn cử tri đi bỏ phiếu.
|
Cảnh sát Thái Lan tại một điểm bỏ phiếu ở thủ đô Bangkok.
|
Việc bỏ phiếu sớm hôm nay bị gián đoạn sẽ đặt chính phủ cầm quyền Thái Lan vào tình thế khó khăn khi họ đang kỳ vọng cuộc bầu cử diễn ra suôn sẻ có thể chấm dứt khủng hoảng chính trị trong nước kéo dài suốt hơn 2 tháng qua, khiến 9 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương. Sự gián đoạn của cuộc bỏ phiếu sớm hôm nay cũng khiến quan ngại về cuộc bầu cử chính thức ngày 2/2 liệu có diễn ra được hay không ngày càng tăng cao.
"Tôi không tin rằng cuộc bầu cử chính thức ngày 2/2 có thể diễn ra theo dự kiến. Nó sẽ khó được tổ chức bởi nếu nó diễn ra rất có thể người đi bỏ phiếu sẽ bị tấn công. Uỷ ban Bầu cử không muốn tính mạng của người dân bị đe doạ”, Uỷ viên Uỷ ban Bầu cử Thái Lan Theerawat Theerarojwit nhận định.
Trước đó, Đảng Pheu Thái cầm quyền tuyên bố rằng, họ vẫn muốn cuộc bầu cử chính thức diễn ra đúng ngày 2/2, nhưng họ cũng sẵn sàng lùi ngày bẩu cử lại nếu các phe phái chính trị đối lập chấm dứt cuộc biểu tình kéo dài nhiều tháng qua và chấp nhận kết quả cuộc bầu cử mới. Tuy nhiên cả Đảng Dân chủ và người biểu tình đều từ chối đề nghị này.
Lãnh đạo người biểu tình Suthep Thaugsuban tuyên bố: “Không có nhượng bộ gì hết, người biểu tình sẽ không bao giờ chấp nhận trở về nhà bởi điều họ mong muốn là cải cách nền chính trị và cải cách đất nước”. Dự kiến, ngày 28/1 tới, bà Yingluck và Uỷ ban Bầu cử Thái Lan sẽ gặp gỡ để bàn thảo về kế hoạch bầu cử.
Bạch Dương (tổng hợp)