Nguyên nhân biểu tình
Cuộc biểu tình nổ ra hồi tháng 11 sau khi Hạ viện Thái Lan thông qua dự luật ân xá gây tranh cãi. Những người phản đối cho hay, dự luật này mở đường cho cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra hồi hương, mà không phải chịu án tù nào.
|
Hàng ngàn người biểu tình tụ tập bên ngoài các tòa nhà chính phủ và trụ sở của Đảng Pheu Thai.
|
Ông Thaksin, anh trai của Thủ tướng đương nhiệm Yingluck Shinawatra và là nhân vật chính trị gây chia rẽ sâu sắc nhất trong chính trường Thái, đã bị lật đổ trong cuộc đảo chính quân sự hồi năm 2006. Tuy sống lưu vong ở nước ngoài sau, Thaksin vẫn có sức ảnh hưởng khá lớn đối với cử tri ở vùng nông thôn. Trong khi, những người chống đối ông là các cử tri trung lưu và thành phố.
Ngoài ra, Thượng viện Thái Lan cũng đã phản đối dự luật do đảng Pheu Thai của bà Yinguck đề xuất, nhưng làn sóng biểu tình trong dân chúng vẫn không giảm.
Lãnh đạo biểu tình là ai?
|
Lãnh đạo phe biểu tình - ông Suthep Thaugsuban
|
Suthep Thaugsuban, cựu phó Thủ tướng Thái Lan dưới thời ông Abhisit Vejjajiva từ 2008 đến 2011,
là người đứng đầu nhóm biểu tình chống đối chính phủ. Ông đã tập hợp các nhân vật phản đối ông Thaksin và những cử tri thuộc tầng lớp trung lưu để tham gia. Tuần đầu tiên, biểu tình diễn ra hòa bình với sự góp mặt của khoảng 100.000 người. Sang tới cuối tuần này, căng thẳng đã leo thang thành bạo lực sau cuộc đụng độ với cảnh sát, khiến 4 người thiệt mạng.
Mục đích của phe biểu tình?
Nhóm biểu tình đã vây quanh và sau đó chiếm giữ trụ sở các cơ quan và bộ ngành với mục tiêu buộc nữ Thủ tướng Thái Lan từ chức và giải tán đảng Pheu Thai. Trong một diễn biến mới nhất, lãnh đạo phe biểu tình là ông Suthep đưa ra tối hậu thư yêu cầu bà Yingluck trao trả quyền lực cho nhân dân trong vòng 2 ngày.
|
Phe biểu tình đòi bà Yingluck phải từ chức.
|
Ông Suthep và những người ủng hộ ông cho hay, họ muốn quét sách “bộ máy Thaksin” và lập ra một “hội đồng nhân dân không qua bầu cử” để chọn ra nhà lãnh đạo đất nước. Ngoài ra, họ cũng cáo buộc rằng, chính phủ đã “mua lá phiểu” ở cuộc bầu cử gần đây thông qua các cam kết chi tiêu vô trách nhiệm.
Sau biểu tình, điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?
|
Nhiều cử tri ủng hộ đảng Pheu Thai của bà Yingluck.
|
Phe chống đối khẳng định, họ sẽ tiếp tục biểu tình đường phố, nhưng không rõ tới khi nào. Trong khi đó, các cử tri nông thôn vẫn hết sức ủng hộ đảng Pheu Thai của đương kim Thủ tướng. Nếu cuộc bầu cử toàn quốc diễn ra ở thời điểm hiện tại, đảng của bà có thể giành chiến thắng với số phiểu ủng hộ từ nhóm cử tri này. Tuy nhiên, trả lời BBC, bà Yingluck cho biết, bà không có ý định kêu gọi một cuộc bầu cử sớm để giải quyết cuộc khủng hoảng. Bà cam kết, chính phủ tuyệt đối không dùng bạo lực để dập tắt cuộc biểu tình.
Các cuộc biểu tình sẽ ảnh hưởng tới Thái Lan ra sao?
|
Các cuộc biểu tình sẽ khiến nền kinh tế Thái Lan bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhất là lĩnh vực kinh doanh và du lịch.
|
Nữ thủ tướng Thái cảnh báo, nếu biểu tình diễn ra càng lâu, nó càng khiến kinh tế Thái Lan xấu đi. Đơn cử, cuộc biểu tình năm 2008 và 2010 đã làm cho kinh tế nước này lâm vào cảnh khó khăn, nhất là trong lĩnh vực kinh doanh và du lịch.
Tuy nhiên, hiện nay ngành du lịch xứ Chùa vàng cũng đã bị ảnh hưởng ít nhiều khi chính phủ các nước cảnh báo công dân của họ khi đến du lịch và làm việc tại Thái Lan.
Thanh Nga (theo BBC News)