|
Vũ khí hóa học Syria.
|
Mới tuần trước, Tổng thống Bashar al-Assad phát biểu cho rằng "cần tới khoảng thời gian 1 năm, hoặc hơn một chút" cùng với khoản chi phí 1 tỷ USD để Syria từ bỏ toàn bộ vũ khí hóa học. Tuy nhiên, bài học Libya cho thấy khoảng thời gian "hơn một chút này" có thể sẽ là hàng năm trời.
Chín năm sau khi Libya ký kết Hiệp ước giải trừ vũ khí hóa học, chính quyền mới của nước này hiện vẫn đang cố gắng phá hủy kho vũ khí còn tồn đọng.
Năm 2004, Libya có tới 13 tấn vũ khí hóa học và chính quyền Gaddafi tuyên bố toàn bộ các đầu đạn chứa vũ khí hóa học đã được phá hủy trước đó. Những năm tiếp theo, chính quyền Gadhafi đã phá hủy khoảng 54% lượng khí độc và khoảng 40% số nguyên liệu hóa học để sản xuất ra chúng, cùng 3.500 quả bom có thể chứa chất độc hóa học.
Tiến trình được các chuyên gia Tổ chức cấm vũ khí hóa học (OPCW) giám sát này đã bị gián đoạn năm 2011 bởi cuộc nổi dậy do phương Tây hậu thuẫn lật đổ ông Gadhafi. Đến năm 2012, công việc giải trừ vũ khí hóa học Libya của các chuyên gia OPCW mới được nối lại.
Khi đó, Đại tá Ali Chikhi - phát ngôn viên của quân đội Libya - cho biết "tiến trình tiêu hủy vũ khí hiện đang được tiến hành từng bước, dự kiến sẽ hoàn thành các bước cuối cùng trong khoảng thời gian từ tháng 12/2012 tới tháng 5/2013". Hết thời hạn trên, ông này trả lời hãng tin AFP: “Libya đã tiêu hủy 95% số lượng khí độc và tiếp tục tiêu hủy số còn lại chậm nhất vào năm… 2016”.
Mới đây, Ngoại trưởng Libya Mohamed Abdelaziz cho biết nước này vừa đạt được thỏa thuận hỗ trợ kỹ thuật với Mỹ trong việc tiêu hủy số vũ khí hóa học còn lại hồi đầu tháng 9 này. Theo đó, sẽ có một đoàn chuyên gia Mỹ sang trợ giúp trong vài ngày tới.
|
Các địa điểm sản xuất và tàng trữ vũ khí hóa học Syria.
|
Về phần mình, tới thời điểm này, Syria đã cung cấp thống kê đầy đủ số lượng vũ khí hóa học mà nước này sở hữu cho OPCW, theo thỏa thuận Mỹ-Nga ở Geneva nhằm tránh xảy ra một cuộc can thiệp quân sự.
Thỏa thuận này yêu cầu Syria phải hủy toàn bộ vũ khí hóa học vào giữa năm 2014, đồng thời cũng mở ra hy vọng thúc đẩy đàm phán hòa bình nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 30 tháng tại quốc gia này, khiến hơn 110.000 người chết và hơn 2 triệu người Syria phải rời bỏ đất nước.
Theo Báo Tin tức