Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ ký kết nhiều giao dịch về cơ sở hạ tầng và năng lượng ước tính lên tới 45 tỷ USD để thực hiện “mắt xích Pakistan” trong dự án “Con đường tơ lụa trên biển” của Trung Quốc.
|
Chủ tịch Tập Cận Bình thăm Pakistan với cam kết đầu tư 45 tỷ USD.
|
Pakistan sẽ cung cấp cho Trung Quốc cửa ngõ thâm nhập Ấn Độ Dương, thông qua cảng biển nước sâu Gwadar của nước này trên Vịnh Ả-rập.
Báo The Financial Times đưa tin trong tổng số 45 tỷ USD mà Trung Quốc cam kết đầu tư vào Pakistan có 34 tỷ USD đầu tư vào các dự án năng lượng mới. Khoảng 11 tỷ USD sẽ được bơm vào các dự án cơ sở hạ tầng mới liên quan đến các hành lang kinh tế Pakistan-Trung Quốc. Các tuyến đường sắt và đường bộ Karachi-Gwadar-Kashgar là trọng tâm của dự án này.
Trong chuyến thăm Pakistan của Chủ tịch Tập Cận Bình, hai bên dự kiến sẽ ký kết thỏa thuận Pakistan mua 8 tàu ngầm điện diesel của Trung Quốc. Đây là một thỏa thuận khiến cho Ấn Độ cảm thấy bất an.
Trả lời một cuộc phỏng vấn, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar nói rằng New Delhi có khả năng ứng phó với vụ mua bán tàu ngầm nói trên. Ông Parrikar nói: “Tôi không cho rằng đây là một vấn đề lớn bởi vì chúng tôi sẽ có đủ tàu ngầm vào thời điểm Pakistan được chuyển giao 8 chiếc tàu ngầm mua của Trung Quốc. Đến khi họ (Pakistan) được giao hàng, chúng tôi có thể sản xuất khoảng 15-20 tàu ngầm”.
Thế nhưng, các nhà phân tích cho rằng lợi ích an ninh của Ấn Độ có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nếu Trung Quốc hợp tác với Pakistan để sử dụng các tàu ngầm nói trên vào việc nâng cao khả năng tấn công hạt nhân.
Hãng tin Bloomberg dẫn lời nhà phân tích Iskander Rehman của Hội đồng Đại Tây Dương (có trụ sở tại Washington) nói rằng Hải quân Pakistan có thể muốn noi gương Israel trang bị tên lửa hạt nhân cho các tàu ngầm thông thường. Pakistan đã thành lập Bộ Tư lệnh Hải quân chiến lược trong năm 2012, chịu trách nhiệm về các "khả năng đánh trả” ở cấp độ quốc gia.
Minh Châu (Theo The Hindu)