Theo các nhân chứng, vụ đụng độ xảy ra bên ngoài Bangkok hôm qua có tiếng súng nổ. Ngoài ra, các loại chất gây nổ cũng được sử dụng. Vụ đụng độ xảy ra trong bối cảnh người biểu tình chống chính phủ đang gấp rút triển khai kế hoạch “đóng cửa Bangkok” đầu tuần tới.
Lên kế hoạch đối phó, phe Áo đỏ ủng hộ chính phủ Thái Lan cũng chuẩn bị tổ chức các cuộc biểu tình tại nhiều địa điểm khác nhau trong cuối tuần này để phản đối kế hoạch đóng cửa Bangkok vào ngày 13/1 của phe đối lập.
|
Thái Lan đang đứng trước nguy cơ các cuộc biểu tình hòa bình bùng phát thành bạo lực trong tuần tới.
|
Vorachai Hema, cựu thành viên Quốc hội của đảng cầm quyền Pheu Thái, cho biết ông sẽ dẫn đầu một nhóm người ủng hộ biểu tình ở tỉnh Samut Prakan vào ngày mai (12/1). Trong khi đó, các nhóm biểu tình Áo đỏ khác cũng sẽ tiến hành hoạt động tương tự Nonthaburi, tỉnh Pathum Thani, ngoại ô Bangkok.
Riêng trong ngày 13/1), phe "áo đỏ" dự kiến sẽ tổ chức một cuộc biểu tình trên quy mô toàn quốc chống lại kế hoạch trên của phe biểu tình chống chính phủ, ngoại trừ ở thủ đô Bangkok để giảm khả năng xảy ra đụng độ.
Trong khi đó, về phía chính phủ Thái Lan, hôm qua (10/1), nữ Thủ tướng Yingluck công khai bày tỏ nỗi lo sợ về một cuộc đảo chính quân sự nếu các cuộc biểu tình của phe đối lập sắp tới bùng phát thành bạo lực. Bà nhấn mạnh quan ngại về sự xuất hiện của “một số tay súng bí ẩn” có thể kích động bạo lực ở thủ đô Bangkok.
Nỗi lo sợ của bà Yingluck bắt nguồn từ việc Tư lệnh Lục quân Thái Lan, Tướng Chan- ocha Prayudh tuyên bố, quân đội cam kết bảo vệ thường dân bất chấp họ thuộc các đảng phái chính trị khác nhau và nhấn mạnh sẽ không để bất cứ ai bị tổn hại hay gặp nguy hiểm trên đường phố.
Phát ngôn viên của chính phủ Sunisa Lertpakavat thậm chí quan ngại, cuộc đảo chính có thể xảy ra vào ngày 14/1, một ngày sau chiến dịch “đóng cửa Bangkok” (ngày 13/1) của phe biểu tình chống chính phủ.
Các nhà quan sát cũng cảnh báo, dù không ít lần bác bỏ suy đoán, quân đội sẽ tiến hành đảo chính lật đổ chính phủ, phá vỡ cuộc bầu cử vào ngày 2/2 sắp tới, Tướng Chan- ocha Prayudh cũng chưa từng khẳng định, khả năng đảo chính sẽ không xảy ra.
Phong trào biểu tình chống chính phủ hòng lật đổ chính quyền của nữ Thủ tướng Yingluck Shinawatra bắt đầu bùng nổ kể từ cuối tháng 11 năm ngoái. Người biểu tình chống chính phủ đã phong tỏa các tuyến phố quan trọng ở Bangkok, chiếm các trụ sở chính quyền cũng như tòa nhà văn phòng của bà Yingluck.
Tuy nhiên, phong trào biểu tình vẫn diễn ra tương đối hòa bình vì phe ủng hộ chính phủ được khuyến cáo bình tĩnh, tránh xa và không đụng độ với phe phản chính phủ.
Bạch Dương (theo BBC)