Trong số các đời chúa Trịnh, Uy Nam vương Trịnh Giang là người tàn ngược, hiếu sắc, làm nhiều điều vô đạo, trong đó không thể không nhắc đến hành vi trái luân thường đạo lý, khi quân phạm thượng.
Trịnh Giang còn có tên là Trịnh Khương, con trai cả của chúa An vương Trịnh Cương, sinh năm Canh Thìn (1700), mẹ là Vũ Thị (không rõ tên). Tháng 5 năm Canh Tý (1720), chúa Trịnh Cương lập Trịnh Giang làm Thế tử. Để bồi dưỡng đạo đức, tri thức cho vị chúa tương lai, Trịnh Cương cho nhiều đại quan là các bậc danh nho có tiếng làm thầy giáo của Trịnh Giang như Nguyễn Công Hãng được cử giữ chức Bảo phó...
|
Đoàn rước vua Lê – thế kỷ 17 qua tranh vẽ của người phương Tây. |
Gặp may mắn, vẫn được làm Chúa
Tuy được học hành, nhưng tư cách Trịnh Giang có nhiều thiếu sót, đạo đức không hay nên thầy học là Bảo phó Nguyễn Công Hãng mật tâu với chúa Trịnh Cương, cho là không nên truyền ngôi chúa cho một người như vậy.
Trịnh Cương nghe theo nhưng chần chừ chưa quyết thì đã mất vào tháng 10 năm Kỷ Dậu (1729). Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục viết: “Trịnh Cương mất, con là Giang nối ngôi. Sau khi ở Phật Tích trở về, Trịnh Cương lại đi Như Kinh, khi đi giữa đường, mắc bệnh rồi chết ngay, phải bí mật đưa về phủ, mới phát tang... Trước kia, Giang làm thế tử, viên bảo phó của Giang là Nguyễn Công Hãng mật khải với Cương rằng: Giang là người ngu tối ươn hèn, không thể gánh vác được công việc. Cương chần chừ chưa quyết định. Gặp lúc Cương mất, Giang bèn nối ngôi. Sau Công Hãng cũng vì việc ấy mà bị tai vạ”.
Không lâu sau, Trịnh Giang thể hiện uy quyền bằng cách ra lệnh đình chỉ xây dựng cung điện vua Lê, tự phong là Nguyên soái, thống quốc chính, Uy nam vương; cho thay đổi, luân chuyển hàng loạt các quan trấn thủ vì sợ “các viên trấn thủ trị nhậm ở trấn lâu ngày, được lòng quân và dân, e sẽ sinh ra việc biến động”.
Giang lệnh tăng một số loại thuế như thuế dung, thuế điệu… một phần để chi dùng cho sự tiêu pha của mình, phần để dựng các công trình to lớn như chùa Quỳnh Lâm ở Đông Triều (nay thuộc Quảng Ninh), chùa Sùng Nghiêm ở Chí Linh (nay thuộc Hải Dương).
Sử chép: “Sửa chữa xây dựng hai ngôi chùa này, công việc phiền phức nặng nề, phải dỡ lấy gỗ ở phủ Cổ Bi thả xuống sông chở xuôi để cung cấp vào việc xây dựng. Lại hạ lệnh cho dân ba huyện Đông Triều, Thủy Đường và Chí Linh phải gánh vác công việc này, sẽ miễn cho một năm số tiền góp về đê đường và bưu đình. Về sau, lại bắt dân khơi đường sông để việc vận tải được lưu thông, dân phải kéo gỗ, xe đá, thường có hàng vạn người làm, ngày đêm không được nghỉ ngơi” (Khâm định Việt sử thông giám cương mục).
Những việc làm bạo ngược
Không chăm lo đến việc quốc gia đại sự, Trịnh Giang sa đà vào việc vui chơi, hưởng lạc, giết người bừa bãi không kể đó là họ tộc, đến thầy giáo của mình là Nguyễn Công Hãng cũng không tha… Việc nước phó mặc cho đám quyền thần, lũ hoạn quan xu nịnh. Các chính sách tích cực thời Trịnh Cương đều bị Trịnh Giang thay đổi hết, chính sự Đàng Ngoài ngày một rối ren và đen tối, khởi nghĩa nổ ra khắp nơi, quyền lực của vua Lê ngày càng thu hẹp, chỉ còn là hư vị… Những người lên tiếng can ngăn đều bị trừng phạt, như Thái thường tự khanh Bùi Sĩ Tiêm bị bãi chức đuổi về quê.
Lại là người thích phô trương, Trịnh Giang đặt lệ khi chúa ra coi chầu, đi tuần du hoặc xuất phát đều phải có phường nhạc tấu nhạc inh ỏi, có cờ lệnh đi trước dẫn đường; thậm chí khi chúa đi ngủ, khi thức dậy đều phải bắn ba tiếng súng báo hiệu…
Sự lộng hành, bạo ngược của Trịnh Giang thể hiện rõ nhất qua việc tạo dựng lên một vụ án cung đình chưa từng có trong lịch sử bằng cách vu cho vua Lê Duy Phường tội gian dâm với vợ của Trịnh Cương rồi phế truất làm Hôn Đức Công và sau đó giam cầm rồi cho người giết chết.
Sách Cố Lê thế hệ chép: “Vĩnh Khánh đế (tức Duy Phường) ở ngôi được ba năm, chúa Trịnh Giang vu cho là tư thông với vợ Trịnh Nhân vương [tức Trịnh Cương], bèn truất ngôi vua mà giáng phong làm Hôn Đức công”.
Lê Duy Phường là con thứ của Lê Dụ Tông, thân mẫu là Trịnh Thị Ngọc Trang, con gái của chúa Trịnh Cương. Về vai vế, vua Lê Duy Phường là cháu gọi Trịnh Giang bằng bác, gọi Trịnh Cương là ông ngoại.
Thời kỳ chúa Trịnh chuyên quyền, vua Lê chỉ là hư vị nên Lê Duy Phường không có quyền hành gì, cũng chẳng thể đe dọa đến ngôi chúa, nhưng để tỏ cái oai của mình nhằm đe dọa thiên hạ nên Trịnh Giang quyết phế ngôi vua. Ban đầu thực hiện loại bỏ các bề tôi thân tín của vua như quan Tả thị lang bộ Lễ là Tô Thế Huy, tiếp đó truất ngôi Thái hậu của em gái, giáng xuống làm Quận quân rồi phế ngôi vua của Lê Duy Phường, lập anh trai của Duy Phường là Duy Tường lên thay (tức vua Lê Thuần Tông).
Chúa hoang dâm vu cáo vua dâm loạn
Sự kiện Trịnh Giang phế truất Lê Duy Phường ngày 15/8 năm Nhâm Tí (1732) ghi trong sách Đại Việt sử ký tục biên: “Chúa Trịnh Khương (Giang) phế bỏ vua Vĩnh Khánh làm Hôn Đức công, lập con trưởng Dụ Tông là Duy Tường làm vua.
Lúc trước Vĩnh Khánh đế đã được lập làm vua, hoang dâm càn rỡ không kiêng kị gì. Đại thần là bọn Trịnh Quán bàn làm việc quyền biến để yên xã tắc. Chúa còn ẩn nhẫn chưa nghe, sai quan bày tỏ ý muốn cứu giúp, bảo vua phải tạm tránh chính điện, ra ở cung bên cạnh. Số cung đốn cho vua dùng trong nội điện đều xén bớt đi. Thái hậu vì không biết răn bảo, giúp đỡ vua nên giáng xuống làm Quận quân. Vĩnh Khánh đế cuối cùng cũng không hối hận tỉnh ngộ. Đến nay bèn phế đi, rước ra một ngôi nhà ở ngoài (ngoại để), chẳng bao lâu bị hại”.
Trong sách “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” thời Nguyễn thì viết: “Trước đây, Giang muốn thi hành việc bỏ vua này lập vua khác, để ra oai với thần hạ, bèn mượn việc khác vu cho nhà vua, rồi bắt ép nhà vua ra ở cung riêng. Những thứ cung đốn cho vua dùng thảy đều xén bớt đi; lại truất thái hậu là quận quân”.
Cái cớ mà Trịnh Giang đưa ra để phế lập ngôi vua đó là cho bề tôi tung tin Lê Duy Phường không phải là con đẻ của Lê Dụ Tông; các sử gia triều Nguyễn trong sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục đã kịch liệt bác bỏ: “Có người nói: "Đế Duy Phường là con của người khác". Câu nói ấy chẳng qua kẻ bè đảng với họ Trịnh bịa ra để gỡ tội cho Giang mà thôi”.
Ngoài cái cớ trên, sách Cố Lê thế hệ có viết: “Giang vu cho vua thông gian với vợ Trịnh Cương mà phế truất đi”. Giả định nếu Lê Duy Phường có muốn làm chuyện ái tình với vợ chúa cũng không thể bởi từ khi họ Trịnh chuyên quyền, các đời chúa kế nhau trị vì thì thiên hạ thực ra đã là của dòng họ này, vua Lê chỉ còn “làm vì”, hoàng cung cũng chỉ là nơi giam lỏng, bề tôi tai mắt chúa Trịnh ở khắp nơi thì thì làm sao có chuyện gian dâm giữa vua cùng vợ chúa được?.
Trong sách Relation nouvelle et singulière du Royaume de Tunquin (Tập du ký mới và kỳ thú về vương quốc Đàng Ngoài) của một người Pháp tên là Jean Baptiste Tavernier cũng viết rằng: “Có thể nói rằng có hai vua ở Đàng Ngoài, vua thực sự chỉ làm vì, còn chúa nắm hết quyền hành, giải quyết hết mọi việc. Nhà vua ở trong hoàng cung như một nô lệ, chỉ ra ngoài ít ngày thôi. Những ngày đó người ta rước vua qua các phố như rước một pho tượng, nghi trượng rất lộng lẫy”.
Còn cuốn du ký The Voyage to Tonquin (Một chuyến du hành đến Đàng Ngoài) của một người Anh tên là W. Dampier cũng mô tả về chế độ vua Lê chúa Trịnh mà ở đó vua Lê là “người sống trong nhà tù hơn là một cung điện”, quyền lực thì “chẳng bao giờ có thể vượt ra khỏi bên ngoài bức tường thành”.
Vu cho vua tội dâm loạn nhưng người làm việc đồi bại này lại chính là Trịnh Giang, một kẻ không chỉ tàn bạo mà còn rất háo sắc, ham mê nhục dục. Ngoài vợ chính là Vũ Thái phi (mẹ đẻ của Trịnh Giang), chúa Trịnh Cương còn có nhiều vợ lẽ, trong đó có bà Kỳ Viên phi họ Đặng, quê ở xã Trà Đổng, huyện Tiên Du, xứ Kinh Bắc (nay là huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) là người có nhan sắc rất xinh đẹp, diễm lệ nên được chúa đặc biệt sủng ái. Xét theo tôn ti lễ giáo thì Kỳ Viên Phi là mẹ kế của Trịnh Giang nhưng bất chấp luân thường đạo lý, chúa vẫn... thông dâm với bà. Việc này sau bị bà Vũ Thái phi biết được, thay vì răn dạy con mình, bà lại dồn sự tức giận lên Kỳ Viên phi Đặng Thị, ép phải tự tử.
Do sắc dục bừa bãi nên đến tháng 1 năm Canh Thân (1740) Trịnh Giang mắc bệnh tâm thần hốt hoảng, sử gọi là bệnh Kinh quý: “Từ ngày làm việc bạo nghịch giết vua, Trịnh Giang lấn quyền càn giỡ mỗi ngày một quá, dâm dục chơi bời không còn có mức độ nào cả, sau mắc chứng bệnh kinh quý, sợ sấm sét. Bọn hoạn quan Hoàng Công Phụ đánh lừa, chúng đào đất làm cung Thưởng Trì dưới hầm cho Giang ở, từ đấy Giang không bước chân ra ngoài” (Khâm định Việt sử thông giám cương mục).
Trước nguy cơ ấy, mẹ Trịnh Giang là Vũ Thái phi họp các đại thần lại, lập em Trịnh Giang là Trịnh Doanh lên thay, tôn Trịnh Giang làm Thái thượng vương. Kể từ đó Trịnh Giang sống trong cung Thưởng Trì dưới lòng đất trong suốt 20 năm, đến tháng 12 năm Tân Tị (1761) thì chết, 51 tuổi, được truy tôn là Thuận Vương, hiệu là Dụ Tổ...
Mời quý độc giả xem video Chuyện ấy của các Hoàng đế xưa (nguồn Youtube):
Theo Báo Pháp Luật