Hoàng Ngũ Phúc tuy xuất thân thái giám nhưng công danh, sự nghiệp của ông thì nhiều người đỗ đạt khoa bảng chưa chắc đã bằng. Suốt mấy chục năm chinh chiến đánh đông dẹp bắc ông đã góp phần giữ được cơ nghiệp cho chúa Trịnh.
Cái chết được báo trước
Đầu năm 1776, quân Trịnh bắt đầu rút về Bắc. Khi binh thuyền đến Vĩnh Dinh, trấn Nghệ An thì Hoàng Ngũ Phúc mất. Hôm đó là ngày 17 tháng Hai (tức 6/3/1776). Tin ông mất làm chúa Trịnh rất đỗi thương khóc. Sách Đại Việt sử ký tục biên, chép: “Tin về đến Kinh, chúa Trịnh thương khóc mãi không thôi. Nghỉ chầu 3 ngày; sai đem 5 thuyền đến hộ tang về Bắc an táng; cho tên thụy là Trung Chính; cấp cho tiền thuế 5 xã, mỗi năm 1.000 quan để thờ cúng. Gia phong là Ưu vọng tài trí thượng đẳng phúc thần, lại cho thờ phụng ở miếu đình.
Xung quanh cái chết của Hoàng Ngũ Phúc có một giai thoại ly kỳ. Sách Kể chuyện các quan thái giám trong lịch sử Việt Nam nói rằng: "Tương truyền, Hoàng Ngũ Phúc cùng đại binh kéo xuống phía Nam. Mới vào đất Phú Xuân, một gã quần áo bẩn thỉu tiến lại, túm lấy càng xe của Hoàng Ngũ Phúc mà rằng: Tướng quân, ngài đi vào ngày hôm nay sẽ gặp sự chẳng lành. Ngài nên dẫn đại binh quay về thì hơn. Hoàng Ngũ Phúc tức giận sai quân lôi gã này đi chỗ khác.
Binh lính xúm vào xốc nách lôi người kia đi. Nhưng dù bị lính kéo lôi đi, tên kia vẫn ngoái đầu lại nói thêm: Ngài quan thị, nếu ngài không nghe lời ta thì cứ chờ đến ngày 18 sẽ rõ. Sau này, khi Hoàng Ngũ Phúc ngã bệnh, trong quân liền truyền tai nhau câu chuyện này và tiên đoán ông sẽ chết vào ngày 18. Quả nhiên Hoàng Ngũ Phúc chết đúng ngày ấy, ai cũng lắc đầu lè lưỡi, vô cùng sợ hãi.
|
Đền thờ Hoàng Ngũ Phúc tại Yên Dũng, Bắc Giang. |
Vị tướng chưa hề biết bại
Hoàng Ngũ Phúc tuy xuất thân thái giám nhưng công danh, sự nghiệp của ông thì nhiều người đỗ đạt khoa bảng chưa chắc đã bằng. Suốt mấy chục năm chinh chiến đánh đông dẹp bắc ông đã góp phần giữ được cơ nghiệp cho chúa Trịnh khỏi bị diệt vong trong những làn sóng khởi nghĩa nông dân. Chỉ 10 năm sau ngày ông mất, cơ nghiệp chúa Trịnh không còn tướng tài chống giữ đã bị Tây Sơn dẹp tan. Trong thời đại nhiễu nhương như thời Vua Lê - chúa Trịnh, thật khó để nói ai là chính đạo ai là ngụy. Tuy nhiên, xét cái đạo trung thành với chủ thì công lao của Hoàng Ngũ Phúc với họ Trịnh thật là to lớn vậy.
Đánh giá về sự nghiệp của Hoàng Ngũ Phúc, nhà sử học Lê Văn Lan nhận định: "Trong hơn 30 năm binh nghiệp của danh tướng Hoàng Ngũ Phúc, chúng ta thấy gồm một chuỗi các hoạt động quân sự, đến 26 sự kiện. Trải qua hàng loạt sự kiện đó, chúng ta thấy rằng, trước hết ông là một vị tướng chưa hề biết bại là gì. Điều này thể hiện tài năng quân sự đã đành, nhưng điều quan trọng hơn, nó thể hiện tư chất đặc biệt của một vị võ tướng từ tư duy chiến thuật, chiến lược, cách thức đánh trận rất quyết liệt, thông minh của vị tướng vốn sinh ra là để đánh trận".
PGS.TS Lâm Bá Nam (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: "Xét về góc độ sử học, lại đặt trong bối cảnh lịch sử cụ thể thời Lê - Trịnh, chúng ta thấy ông là một vị quan đặc biệt. Xuất thân lập nghiệp từ một hoạn quan nhưng Hoàng Ngũ Phúc lại được xếp vào hạng danh sĩ văn võ toàn tài. Trong bối cảnh khủng hoảng của chế độ phong kiến Việt Nam, tôi gọi ông, cũng như Hồ Quý Ly là những con người không thuận chiều trong tiến trình phát triển".
Nguyễn Thành Trung