Tử Cấm thành Việt Nam
Tử Cấm thành Việt Nam được xây dựng năm Gia Long thứ 3 (1804). Ban đầu gọi là Cung thành. Các vua đời sau tiếp tục xây dựng thêm. Đến năm Minh Mạng thứ 3 (1822) mới đổi tên là Tử Cấm thành nghĩa là Thành cấm màu tía.
Tử Cấm thành về đại thể là một hình chữ nhật có chu vi khoảng 1.229m. Mặt trước và sau mỗi mặt dài 324m, hai mặt bên dài 290m. Bức tường Tử Cấm thành cao hơn 3 mét, dày gần 1 mét xây hoàn toàn bằng gạch vồ để ngăn cách hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Bên trong Tử Cấm thành có tất cả hơn 50 công trình kiến trúc với các chức năng khác nhau.
|
Một góc Tử cấm thành Huế. Ảnh: Tuổi Trẻ.
|
Tử Cấm thành thông ra bên ngoài ở 7 cửa. Hướng Nam là Đại Cung, đông là Hưng Khánh , Đông An, Tây là Tây An, Gia Tường, Bắc là Tường Loan, Nghi Phụng. Cửa Đại Cung là cửa chính được xây dựng năm Minh Mạng thứ 14.Cửa này rộng 5 gian, có 3 cửa tiếp nhau.
Với vị trí là nơi ở của vua và gia quyến nên Tử Cấm thành được bảo vệ nghiêm ngặt. Không chỉ thường dân, ngay cả đến các quan lại, nếu không phải phận sự hoặc không được vua gọi vào cũng ít khi được lai vãng. Bởi đặc điểm đó, sinh hoạt bên trong Tử Cấm thành từ trước đến nay vẫn còn là những điều ít được biết tới.
Đưa con vô nội
Nói tới sinh hoạt trong Tử Cấm thành, đối tượng đầu tiên phải nhắc đến là các cung nữ, phi tần. Tất nhiên ở trong hoàng cung có rất nhiều nhóm đối tượng khác như: đầu bếp, thị vệ, thái giám… Nhưng chỉ có cung nữ phi tần là nhóm bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Bức tường Tử Cấm thành cao hơn 3 mét vốn đã làm cho nó cách ly hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Tuy vậy, các thái giám, thị vệ, đầu bếp khi có công việc vẫn thường được ra bên ngoài. Chỉ có phi tần, cung nữ là từ khi được tuyển vào cung cho đến hết đời phải “chôn chân” ở bên trong thành Nội.
|
Một cảnh sinh hoạt trong cung với vua trẻ Duy Tân trên kiệu. Ảnh: Internet.
|
Bên cạnh đó, người ta còn đặt ra nhiều quy định khắc nghiệt đối với những cô gái được tuyển vào cung. Chính những quy định ấy mới tạo nên bức màn sắt chôn vùi tuổi xuân của các cô. Trong cuốn Đời sống trong Tử cấm thành, Tôn Thất Bình viết: “ Từ khi được tuyển hay tiến cung, các phi tần không được phép gặp gỡ người thân dù là cha mẹ. Cũng có trường hợp ngoại lệ vua cho phép gặp mặt, nhưng chỉ mẹ mới được nói chuyện cùng con qua một bức mà sáo che, chỉ nghe thấy tiếng mà không nhìn thấy mặt nhau. Còn cha thì đứng ở ngoài sân nhìn vào. Cho nên ở Huế có câu “đưa con vô nội” là có ý nghĩa như mất con rồi”.
Ngoài những nỗi khổ về nội tâm trong cuộc sống “cá chậu chim lồng”, người cung phi trong Tử Cấm thành phải kiêng cữ đủ thứ, như không được nói một chữ gì xấu, gở hoặc thô tục như đui, què, phong hủi, máu me… mà phải thay bằng chữ khác. Tất cả những chữ dùng cho sinh hoạt của vua cũng phải khác người thường, như vua đau thì nói ngài “se”, “siết"... lại có vô số chữ húy phải kiêng như các tên Hoàng tộc.
Có trọng húy và khinh húy. Hễ trọng húy mà vi phạm thì sẽ bị tội nặng. Nhất là phải kiêng tên vua, hoàng hậu và gia đình hoàng tộc. Cung nhân phải học thuộc lòng để tránh tai họa. Như trường hợp bà Hồ Thị Hoa vợ của vua Minh Mạng. Để tránh tên Hoa, những từ gì có chữ này đều đổi thành chữ Hoa. Từ trong cung cấm truyền ra ngoài dân gian nên chợ Đông Ba vốn trước là chợ Đông Hoa phải đổi thành Đông Ba.
Cung phi không chỉ phục vụ vua trong việc chăn gối mà còn đảm trách một số việc khác. Theo tài liệu của Ch. Gosselin trong L’Empire d’Annam, lúc vua Tự Đức còn tại thế, hàng ngày có 43 bà phục dịch trong nội dinh, 30 bà lo việc canh gác, 13 bà lo việc chải tóc, mặc áo, trau chuốt móng tay, vấn và thắp thuốc, nhất là mài son, thấm bút cho vua châu phê vào tấu sớ. Buổi tối vua ngủ, các bà phải nằm quanh long sàng để làm vệ sĩ.
Trong bài Les Annamites của F.Baille thì cung phi phục dịch vua Đồng Khánh như sau: “Hàng ngày một toán cung nữ được chọn trong tất cả đẳng cấp phục dịch đức vua. Ba mươi người chia nhau canh gác xung quanh hậu cung của ngài. Năm nàng luôn ở bên cạnh ngài, luân phiên săn sóc trang điểm cho ngài. Các nàng thay quần áo cho ngài, chải chuốt bộ móng tay dài hơn ngón tay, thoa dầu thơm, vấn khăn lụa vòng quanh đầu ngài. Sau cùng chú ý đến từng chi tiết nhỏ nhặt quanh ngài sao cho thật hoàn hảo. Năm cung nữ này cũng kiêm lo hầu cơm nước đức vua”.
Người phụ nữ nào cũng mong muốn hạnh phúc gia đình. Tuy nhiên, trong hàng chục hàng trăm cung tần đó, chỉ một vài người được vua biết đến. Số lớn còn lại phải chịu bỏ phí tuổi xuân. Tôn Thất Bình viết: “Bi kịch cuối cùng của đời sống cung phi trong Tử Cấm thành là khi sống họ chỉ biết phục vụ 1 người đàn ông duy nhất là vua, ngoài ra không được đụng chạm bất kỳ một người đàn ông nào khác, cho đến cả khi bị bệnh nặng, lương y đến thăm mạch để bốc thuốc cũng không được tiếp xúc với làn da của người bệnh. Một thái giám và một bà quản sự đứng hai bên lương y để theo dõi cách thăm mạch bằng hai ngón tay ấn vào cườm tay của người bệnh có vấn một mảnh lụa mỏng để tránh đụng vào làn da; ngoài ra lương y ko được nhìn, hỏi bệnh nhân. Thế nên khó biết đích xác bệnh trạng mà bốc thuốc, làm sao các bà lại không mất sớm được!”.
Vũ Tiến Đức