Tuy vậy, trong cuộc đời của người phụ
nữ huyền thoại này không phải là không có những vết nhơ. Đó chính là vụ
bức tử Hoàng hậu Thượng Dương cùng 72 cung nữ vào năm 1073.
Theo các sử liệu, cho đến năm 40 tuổi, vua Lý Thánh Tông vẫn không có
con. Ước nguyện có người nối dõi của vua chỉ trở thành hiện thực sau khi
ông lấy Ỷ Lan và được nàng sinh cho hai đứa con trai, người con trai
đầu là Thái tử Càn Đức và người con thứ hai là Minh Nhân Vương.
Năm 1072, vua Lý Thánh Tông qua đời, thái tử Càn Đức bấy giờ mới 6 tuổi
lên nối ngôi, niên hiệu là Lý Nhân Tông. Hoàng hậu Thượng Dương là vợ cả
nên được tôn phong là Dương thái hậu, trong khi Ỷ Lan là vợ thứ nên chỉ
được tôn là Linh Nhân thái phi.
Theo luật xưa, khi hoàng đế lên ngôi lúc còn nhỏ tuổi thì thái hậu sẽ
được quyền nhiếp chính. Như vậy, chỉ vì các quy định của triều đình mà Ỷ
Lan, vừa là mẹ vua, vừa là một người có tài chính trị nhưng lại mất
quyền nhiếp chính vào tay Dương thái hậu – người không thể sinh nổi cho
vua một mụn con. Điều này khiến bà tức tối và tìm cách chiếm quyền nhiếp
chính.
Một thời gian sau khi vua mất, Ỷ Lan đã bàn mưu tính kế cùng Lý Thường
Kiệt và giả ốm để chờ hoàng thượng nhỏ tuổi tới thăm, nhằm tận dụng hoàn
cảnh cũng như mối quan hệ mẹ con để đánh vào tình cảm của Lý Nhân Tông.
Đúng như tính toán của bà, khi nghe tin mẹ ốm, hoàng thượng đã vội vã
vào cung thăm hỏi ngay sau buổi lên triều. Ỷ Lan không bỏ lỡ cơ hội khóc
lóc, than vãn về sự bất công trong triều đình và khéo léo truyền đạt ý
muốn được nhiếp chính của mình đến với nhà vua. Màn kịch hoàn hảo của Ỷ
Lan đã khiến Lý Nhân Tông hoàn toàn bị bà chi phối.
Dưới sự dẫn dắt của Ỷ Lan, vị vua trẻ đã quyết định đày Dương thái hậu
cùng 72 cung nữ thân cận vào lãnh cung. Với đầu óc mưu lược của mình, Ỷ
Lan đã giành lại được địa vị tối cao trong triều đình nhà Lý.
Số phận của Dương thái hậu và các cung nữ đã kết thúc một cách bi thảm.
Thái hậu đã phải tự sát bằng dải lụa trắng mà vua ban cho. 72 cung nữ
phải từ giã cõi đời một cách khốn khổ hơn: bị bỏ đói đến chết…
|
Từ thân phận của một cô gái hái dâu, Ỷ Lan đã trở thành một trong những người phụ nữ quyền lực nhất trong lịch sử Việt Nam. |
Quanh vụ thảm án này, còn có một lời kể khác được ghi lại. Theo đó,
Thượng Dương hoàng hậu do không có con nên đã sai thuộc hạ bắt trộm Thái
tử Càn Đức về làm con mình, đồng thời vu cho Ỷ Lan sinh ra cầm thú. Càn
Đức lớn lên trong vòng tay của hoàng hậu và luôn nghĩ rằng bà là mẹ đẻ
của mình.
Phải đến sau khi Càn Đức lên ngôi, nhà vua mới biết Nguyên phi Ỷ Lan là
mẹ ruột của mình. Vì oán hận mưu gian của hoàng hậu, vua cùng mẹ mình đã
ra lệnh giết 72 cung nữ trong Thượng Dương cung. Dương thái hậu vì biết
trước điều này nên đã kịp thời bỏ trốn.
Dù nguyên nhân thực sự của vụ việc này là gì thì hành vi của Nguyên phi Ỷ
Lan vẫn là điều đáng bị lên án. Ỷ Lan hiểu rõ điều này nên về cuối đời
đã vô cùng hối hận. Bà đã cho xây 72 ngôi chùa để tỏ lòng sám hối và độ
sinh cho hoàng hậu Thượng Dương cùng 72 cung nữ.
Cũng vì thảm án kể trên mà các nhà chép sử khi xưa tỏ ra khá dè dặt khi
đề cập đến Ỷ Lan, dù ghi nhận công lao của bà trong việc tạo dựng nên
một nền văn hóa rực rỡ thời Lý.
Cho đến tận thời hiện đại, các sử gia vẫn tranh cãi về tính chất của tội lỗi mà Ỷ Lan đã mắc phải.
TS sử học Đinh Công Vỹ cho rằng, Nguyên phi Ỷ Lan không thể được dung
thứ vì đã phạm tội giết người hàng loạt chỉ vì sự tham lam quyền lực, sự
ích kỉ cá nhân đã giết chết mọi nhân tính.
Một số nhà sử học khác thì biện hộ cho Ỷ Lan với lý lẽ rằng, trong nền
chính trị cung đình thời xưa, những hành động thanh trừng như vậy là
điều thường gặp.
Trong khi đó, PGS-TS Nguyễn Minh Tường (Viện Sử học Việt Nam) lưu ý rằng
dưới triều Lý có tục “tuẫn táng”, tức là khi vua, hoàng hậu hay thái
hậu mất thì triều đình có thể chôn theo cung phi để hầu hạ ở thế giới
bên kia. 72 cung phi của Dương thái hậu có thể đã phải chết vì nguyên cớ
này.
Hoàng Phương