Nghe mẹ giục thay quần áo để cả nhà đi thăm cha đang ở trại giam, thằng con lớn của chị Suốt giẫy lên: “Mẹ muốn bị hành hạ đến chết hay sao mà còn đi thăm bố?”. Người mẹ không hề muốn con mình nghĩ như thế về bố, nhưng có lẽ ký ức kinh hoàng của những trận đòn đã in vào đầu bọn trẻ...
Ác mộng
Anh Sơn là một người hàng xóm cũng như bao người hàng xóm khác ở thôn Vĩnh Hạ, xã Khai Thái (Phú Xuyên - Hà Nội) của vợ chồng Nguyễn Văn Trận và Nguyễn Thị Suốt. Một buổi sáng mùa hè, anh Sơn tình cờ ngồi chung trong quán ăn sáng ở đầu làng cùng với Trận. Họ không cãi nhau, cũng chẳng ai nhìn ai. Chỉ có bà chủ quán là hốt hoảng khi thấy đôi mắt Trận long sòng sọc, đỏ ngầu khi nhìn anh Sơn.
Trận nhìn người hàng xóm chằm chằm rồi buông một câu: “Dạo này, có mấy “con chó” hay nhìn trộm vợ tao lắm đấy nhé!”. Anh Sơn ngẩng lên nhìn Trận, không nghĩ là hắn nói mình, nên lại cúi xuống ăn để kịp ra đồng. Mọi người trong quán cũng chẳng ngạc nhiên trước những câu nói bâng quơ hâm hấp của Trận, nên chẳng ai thèm đáp lại.
|
Vợ và con trai út của Nguyễn Văn Trận |
Ở làng Vĩnh Hạ ai cũng biết, thằng Trận ngày càng giống kẻ điên tình. Suốt ngày hắn thoắt ẩn thoắt hiện sau lưng vợ. Thậm chí, hắn theo vợ vào cả nhà xí để kiểm tra xem có gã “tình địch” nào trốn trong ấy hay không. Người lớn tuổi trong họ chất vấn, đòi Trận phải cung cấp “bằng chứng ngoại tình” của chị Suốt để họ “phân xử” giúp, nhưng Trận thản nhiên trả lời: “Tôi chỉ bằng linh cảm thôi! Sểnh tôi ra một tí là nó ngủ với giai ngay. Tôi phải canh con này từng bước mới yên tâm được”.
Có người bác họ ở tận Hà Đông, nghe thấy thế cũng xót cho hắn. Một ngày giáp Tết, ông bác thu xếp về làm mâm cơm cúng tổ tiên, mời vợ chồng Trận ngồi xuống ăn cùng, luôn thể khuyên nhủ các cháu. Thế mà, khi chị Suốt vừa bưng mâm bát ra ngoài giếng rửa, Trận theo sát, đay nghiến: “Ăn của ông ấy rồi thì há miệng mắc quai. Nợ miếng ăn rồi, lại phải trả bằng cái khác thôi”.
Chị Suốt nghe những lời bệnh hoạn ấy đã quen, nhưng chân tay vẫn cứ rụng rời, đánh rơi cả mâm bát vì người mời vợ chồng chị ăn cơm là bác ruột của hắn mà hắn cũng không tha. Thấy vợ ngồi thẫn thờ trước đống mâm bát đổ vỡ, Trận chửi: “Mày ngủ với giai nên có tật giật mình à? Tao mới nói thế thôi mà đã sợ quá rơi vỡ hết cả mâm bát à?”. Người bác từ trong nhà đi ra, quát vào mặt Trận: “Mày cứ ghen tuông vô cớ thế chả vợ nào sống nổi với mày, Trận ạ!”. Nói xong, ông giận dữ đi khỏi ngôi nhà thờ của dòng họ.
Có lần, chị Suốt nói với mẹ chồng: “Hay để nhà con đi khám bệnh tâm thần xem, nhỡ anh ấy bị điên...?”. Bà mẹ chồng gạt ngay ý nghĩ đó của con dâu. Trong con mắt của bà mẹ góa ấy, thằng Trận ghen tuông đơn giản chỉ vì quá yêu vợ: “Nó đi xem bói, người ta bảo vợ nó lắm giai mê, nên ghen tuông chút thôi. Lâu nay, vợ chồng nó lục đục cũng chỉ vì nó yêu vợ quá”. Bà không muốn nghĩ con trai mình cũng bị điên như cha nó, người đã chết vì bệnh thần kinh ở trại tâm thần hơn 10 năm về trước. Nỗi ám ảnh đó khiến bà nhất định không để con dâu đưa chồng đi khám bệnh tâm thần.
Chị Suốt kể: “Có lần, Trận nhìn thấy ngoài cổng nhà tôi có năm viên gạch bèn chạy như điên ra đồng chất vấn tôi: “Chúng bay định hẹn nhau 5g sáng đi hú hí đấy à?”. Tôi mặc xác, coi như không nghe thấy cho đỡ đau lòng. Cũng chẳng rõ Trận nói tôi “hú hí” với ai. Lúc thì nghi cho bác ruột, khi thì là người hàng xóm, thậm chí anh ta nghi ngờ bất cứ người đàn ông nào nói chuyện với tôi, dù chỉ dăm câu.
Có bận tôi đi làm đồng về mệt quá, vứt tấm phên ngoài ngõ, vào nhà nằm nghỉ. Vừa đặt lưng xuống giường, đã thấy Trận lao vào nhà cùng tấm phên đã bị bẻ đi ba cái nan. Anh ta “vu” cho tôi cố tình để tấm phên ngoài ngõ hẹn đàn ông đúng 3g gặp nhau. Tàu lá chuối ai đi ngang vứt còng queo trước cổng, Trận cũng suy ra là người đàn ông nào đó nhớ tôi nên vứt lá chuối để làm “ám hiệu”.
Đêm nào tôi cũng bị Trận đánh thức để “chiều” hắn vài lần. Có những lần ban ngày Trận đánh, chửi tôi, ban đêm lại đòi “chuyện ấy”. Thỏa mãn xong, Trận còn chửi xéo tôi, bảo tôi lẳng lơ, chồng khỏe thế mà vẫn đi với giai, khiến cho tôi muốn chết quách đi vì nhục nhã, ê chề. Thương cho hai đứa con, những lúc chứng kiến bố đánh mẹ, chúng chỉ biết ôm chân mẹ khóc thét. Thằng lớn đã hiểu chuyện, cứ xúi tôi dẫn anh em nó trốn đi nơi khác để không phải khổ như thế nữa”.
|
Mẹ ruột của Nguyễn Văn Trận đau khổ khi nhắc đến con trai |
Cái chết oan nghiệt
Nói về người hàng xóm tên Sơn, chị Suốt đau đớn: “Mấy ngày trước khi gặp anh Sơn ở quán ăn sáng trong làng, tôi thấy Trận có rất nhiều biểu hiện lạ. Có hôm, hắn bóp cổ tôi suýt chết, đánh mấy thằng con trai khiến chúng phải trốn sang nhà hàng xóm chẳng dám về. Nửa đêm, Trận bật dậy cầm gạch ném sang nhà hàng xóm, chó sủa váng cả làng. Ném xong, anh ta lặng lẽ vào giường như không có chuyện gì xảy ra. Tôi sợ quá, không biết mình sẽ chết lúc nào. Người nằm cạnh tôi đang dần hóa thú chứ không còn là người bình thường nữa. Tôi luôn phải vờ ngủ say, nếu thức, Trận sẽ đay nghiến là: “Lại nhớ thằng nào mà không ngủ được?”.
Lắm khi, Trận tự ném gạch lên nóc nhà mình, sáng ra, tỉnh bơ kể với hàng xóm: “Tối qua nhà cháu bị trộm rình rập hay sao ấy, chó sủa kinh quá. Mấy thằng hay rình rập vợ cháu, thế nào cũng có ngày cháu bắt được quả tang”. Chị Suốt nói: “Nghĩ mãi tôi mới hiểu, hóa ra Trận nghi ngờ cho anh Sơn có ý thích tôi. Trận ném gạch như thế để nói cho hàng xóm rằng, đêm nào anh Sơn cũng ném gạch lên mái nhà tôi để đánh thức tôi dậy. Trận còn thản nhiên “có lời” nhờ vả hàng xóm bắt quả tang kẻ đã quấy rối hạnh phúc gia đình của tôi. Thần kinh tôi căng thẳng đến nỗi muốn điên lên vì sợ hãi, khủng hoảng. Tôi quyết tâm cấy xong mùa này sẽ bỏ xứ mà đi!”.
Nhưng, đã không kịp nữa. Ngày chị Suốt định cấy xong nắm mạ cuối cùng sẽ bỏ làng đi cũng chính là ngày Trận “giáp mặt” với anh Sơn ở quán ăn đầu làng. Sau khi nghe Trận lẩm bẩm chửi kẻ đêm nào cũng ném gạch lên mái nhà mình, anh Sơn nửa đùa nửa thật bảo: “Ngồi đây mà bực bội làm gì? Mày đi mà bắt hết chúng nó về chịu tội”. Nói xong, anh Sơn bỏ đi làm đồng.
Không ngờ, Trận tức tốc phóng xe máy sang huyện bên tìm bố vợ, tố cáo chị Suốt đã ngoại tình với anh Sơn, chính hắn bắt được quả tang. Ông bố vợ từ lâu đã ghét thằng con rể ghen tuông lắm chuyện nên đuổi hắn về, không thèm tiếp. Trận hậm hực về nhà, tìm dao để “xử lý” anh Sơn. Chỉ sau một câu kết tội: “Mày chính là cái thằng đã ngoại tình với vợ tao”, mấy nhát dao oan nghiệt của Trận đã khiến anh Sơn gục xuống trong vũng máu. Cả đời chị Suốt cũng không sao quên được ám ảnh khủng khiếp về cái chết của anh Sơn. Các con chị cũng không quên được. Cả làng Vĩnh Hạ cũng chẳng thể quên, dù họ biết Trận không bình thường.
Nguyễn Văn Trận chưa bao giờ được đi khám tâm thần, cũng không có bất kỳ tổ chức nào xác nhận hắn bị “điên”, duy chỉ có chị Suốt là người cảm nhận rõ bệnh tình của chồng ngày càng tăng theo thời gian. Đến giờ, chị vẫn day dứt ân hận vì đã không thuyết phục được gia đình chồng đưa Trận đi khám chữa bệnh. Vì thế, khi gây ra án mạng, Trận vẫn là kẻ có đầy đủ năng lực để chịu trách nhiệm về hành vi của mình, chứ không phải là một kẻ tâm thần.
Theo Thu Trang (PNO)
Bài đọc nhiều: