Sống chết nhờ trời ?!
Thông thường, cứ 17h, các dãy nhà Bệnh viện K (Hà Nội) đã lên đèn. Bác sĩ làm theo giờ hành chính cũng bắt đầu cởi những chiếc áo blouse để ra về. Dõi mắt theo những bước chân đi về của các bác sĩ mà lòng nhiều bệnh nhân Khoa Xạ II nặng trĩu. Họ được chẩn đoán ung thư và cần trị xạ nhưng đã đặt hồ sơ vài ngày mà chưa rõ mình sẽ được tiếp tục điều trị thế nào bởi bệnh nhân đông quá, bác sĩ không kịp giải quyết. Các phòng bệnh đã chật kín người, người đến sau đành rủ nhau ngủ tạm ngoài hành lang và chờ đợi.
Chị Trần Thị Hương (Thành phố Hưng Yên, Hưng Yên) giọng ủ rũ: “Số mình không được đeo vàng. Vừa rồi mua được 5 chỉ thì nay phải bán vội để lên đây. Hôm qua còn gọi về để người nhà vay mượn thêm”. Rồi nhìn lên bảng tin hướng dẫn của bệnh viện về các bệnh ung thư, chị lại “kháo” với mấy người ngồi gần đó (trong số họ có người điều trị ung thư cổ tử cung, có người ung thư vú…): “Họ nói mình có thể tự khám vú nhưng thực sự có khi nào tôi biết khám đâu”. Tôi hỏi chị: “Vậy dấu hiệu gì để chị đi khám mà biết bệnh?”.
Chị Hương kể: Khoảng 1 năm gần đây, một bên đầu vú hay ra dịch trắng, mùi hôi hôi, tôi nghĩ đó là do mồ hôi đọng lại. Nhưng cách đây hai tháng rất vô tình, tôi sờ thấy u bằng hạt đỗ nên đi khám ở viện tỉnh. Nào ngờ viện tỉnh họ giới thiệu lên đây khám và giờ thì ngồi đây để chờ điều trị. Sau 3 ngày ở viện, chị đã biết gần hết thông tin về những người bệnh cùng khoa.
Trong dãy hành lang nhỏ hẹp của bệnh viện, người ta hỏi han nhau về bệnh tình, rồi kể chuyện người này cho người khác nghe. Người nhập viện trước nói cho người đến sau về quá trình họ đã điều trị. Chú ý những câu chuyện của họ, tôi thấy nhiều người nói đi nói lại: “Ở đây hay nghe bác sĩ trách tại mình không biết tầm soát, kiểm tra định kỳ. Nhưng khổ lắm điều kiện sống như thế, nào đâu phải dễ chi tiền tầm soát định kỳ lời bác sĩ nói. Mà số thì không tránh được, ở khoa này có cô bác sĩ cũng bị cắt một bên vú rồi đó thôi”.
Chính vì quan niệm như trên nên số bệnh nhân ung thư vú được phát hiện chủ yếu đã vào giai đoạn II hoặc giai đoạn muộn. Có người lại thở dài: “Nằm đây thì tiền đâu chứ, có khi về uống thuốc lá, sống chết nhờ trời”. Trong đầu họ lúc này có hai nỗi ám ảnh nặng nề là “cái chết cận kề” và sự khánh kiệt!
Ghi nhận của phóng viên chúng tôi ở Trung tâm Hạt nhân và Ung thư Bạch Mai (Hà Nội), Bệnh viện Ung Bướu Tp.HCM, Khoa Ung bướu- Bệnh viện Chợ Rẫy (Tp.HCM)… cũng luôn có cảnh đông đúc, quá tải và phần lớn người bệnh còn thiếu thông tin về ung thư như thế.
|
Phát hiện ung thư vú sớm sẽ được chữa trị kịp thời. (Ảnh minh họa) |
Ung thư vú còn nhiều hiểu lầm phổ thông
Theo GS. Nguyễn Bá Đức (Hội Phòng chống Ung thư Việt Nam) thì tỷ lệ ung thư vú được phát hiện ở giai đoạn sớm chỉ được gần 36%. Những điều đáng tiếc ập đến cho người bệnh cũng như gia đình họ vì bệnh đã tiến triển ở giai đoạn muộn mà nguyên nhân xuất phát từ những hiểu lầm rất phổ biến trong nhận thức nhiều người Việt.
- 53% số người được hỏi chưa từng nghe nói về tự khám vú để phát hiện ung thư. Con số này cho thấy phần chủ động, tự kiểm tra sức khỏe của chúng ta là rất hạn chế. Chính vì vậy giai đoạn ung thư âm ỉ đã bị phớt lờ và bệnh nhân chỉ đi gặp bác sĩ khi đã “không chịu được nữa”.
- 67% người được hỏi cho rằng ung thư là bệnh nan y, muộn hay sớm cũng thế thôi. Nhưng các chuyên gia khẳng định ung thư là bệnh hoàn toàn chữa khỏi nếu ở giai đoạn sớm. Quá trình diễn tiến của bệnh qua 4 giai đoạn. Bệnh nhân phát hiện ở giai đoạn 1 thì khả năng khỏi có thể là 100%, giai đoạn 2 khoảng 70-80%.
- Chỉ có u mới cần khám. Nhiều người cho rằng u ở vú là dấu hiệu cơ bản quan trọng nhất của ung thư vú. Nhưng các bác sĩ chuyên khoa cho rằng bất cứ một dấu hiệu bất thường như núm vú có dịch, lở loét, vùng nách có hạch, có u đều cần được nghi ngờ liên quan ung thư để được thăm khám chuyên khoa. Ung thư vú không nhất thiết xuất phát từ việc mọc u, có thể chỉ bằng dấu hiệu làn da vú bỗng hồng lên.
- Nhiều người vẫn tin rằng động dao kéo vào thì càng dễ di căn xâm lấn. Một số khác ám ảnh tâm lý “có bệnh vái tứ phương” nên tìm đến thuốc Nam, thuốc lá, lang băm một cách mù quáng. Những cách chữa bệnh truyền miệng, chưa được kiểm chứng bằng khoa học càng làm bệnh nặng hơn.
- U to thì bệnh mới nặng?! Nhiều người đã từng thấy những u nhỏ như hạt đỗ thì cho rằng đó không phải đáng ngại. Nhưng chuyên gia khẳng định rằng kích thước khối u không xác định tính chất lành ác của chúng.
Ung thư có tránh được?
Hiện nay, chưa thể hoàn toàn quy kết cho một yếu tố nào là nguyên nhân gây ung thư vú nhưng theo Hội Ung thư Việt Mỹ và đúc kết của nhiều chuyên gia thì có nhiều yếu tố cộng hưởng làm tăng nguy cơ bệnh. Có những yếu tố bất khả kháng nhưng có những yếu tố mà chính phụ nữ có thể hạn chế ngăn ngừa.
Tuổi tác: Ung thư vú gia tăng theo tuổi tác, thường gặp ở những người lớn tuổi. Những người trên 35 tuổi nên thường xuyên tự kiểm tra vú sau kỳ kinh. Điều mà các chuyên gia muốn lưu ý với chị em là: có 90% những khối u ở vú được phát hiện bởi chính phụ nữ. do vậy khi thấy bất thường nên đến khám bởi bác sĩ chuyên khoa.
Tiền sử gia đình: Những người có mẹ, chị em gái bị bệnh thì có nguy cơ cao hơn. Trong một gia đình càng có nhiều người thân bị bệnh thì nguy cơ càng lớn. Bởi vậy các đối tượng này nên chú ý hơn trong việc tầm soát bệnh s
Tuổi kinh: Những đối tượng có kinh sớm trước 12 tuổi và mãn kinh muộn sau 55 cũng có nguy cơ cao hơn. Đồng thời những người có sử dụng liệu pháp hormone thay thế lâu hơn 5 năm sau khi mãn kinh cũng có rủi ro lớn hơn.
Sinh con muộn: Những người phụ nữ chưa có con hoặc sinh con muộn sau tuổi 30 cũng có nguy cơ cao hơn nhóm có con sớm hơn. Do đó các bác sĩ khuyên chị em nên sinh con trong độ tuổi 25-30 và nên nuôi con bằng sữa mẹ.
Lối sống: Dinh dưỡng cũng tạo ra những hệ lụy nghiêm trọng. Những người dùng nhiều mỡ động vật và uống nhiều rượu, hút thuốc thì tỉ lệ mắc bệnh cao. Do vậy để hạn chế tối đa nguy cơ rủi ro, phụ nữ nên ăn chế độ lành mạnh, nhiều rau củ quả, không hút thuốc, dùng đồ uống có cồn và tập thể dục thường xuyên.
Trên cả nước, các bệnh viện đa khoa tỉnh và một số bệnh viện trung ương cũng có khoa ung thư. Nhưng việc điều trị ở tuyến tỉnh tập trung phẫu thuật đơn thuần cho bệnh nhân ở giai đoạn sớm hoặc điều trị nhằm dứt triệu chứng, giảm mệt mỏi cho bệnh nhân giai đoạn cuối.
Theo Sức Khỏe & Gia Đình