Chị Nguyễn Thị Hà (Linh Đàm, Hà Nội) cho biết, hai cậu con trai lớp 4 và lớp 1 của chị chân tay, da dẻ lúc nào cũng có nốt thâm, gãi ngứa, bong tróc vẩy. Chị đều đổ lỗi do con “xấu máu”, bị muỗi hoặc con vật gì cắn đều để lại dấu vết trên da.
Nhưng gần đây bản thân chị Hà và chồng cũng bị tình trạng da bong tróc vẩy, ngứa, các vết ngứa tròn nhìn như hắc lào nhưng bôi thuốc không đỡ.
Cả nhà chị Hà vào bệnh viện khám, bác sĩ soi da và cho làm thêm xét nghiệm. Kết quả khiến các thành viên trong gia đình đều bất ngờ đó là nấm. Loài nấm này ký sinh từ thú cưng.
Gia đình chị Hà nuôi hai con chó, vì con và chồng thích vật nuôi, hơn nữa bọn trẻ lúc nào cũng bế ẵm chúng lên cả giường ngủ.
Còn trường hợp của bà Lê Thị Thảo (Thanh Trì, Hà Nội) đến khám cùng cháu gái vì gần đây hai bà cháu xuất hiện các đường gân lạ trên da. Đặc biệt, các đường gân này di chuyển trên da, bà Thảo gãi thường xuyên vì ngứa.
Kết quả, bác sĩ chẩn đoán bà Thảo nhiễm giun từ chó, mèo. Khai thác từ bệnh nhân, bà Thảo cho biết gia đình bà nuôi 2, 3 con chó và có một mảnh vườn nhỏ. Hai bà cháu cũng hay trồng rau, trồng hoa ở đó và tiếp xúc với phân chó có chứa ấu trùng giun lươn nên đã nhiễm bệnh.
Bác sĩ khám lâm sàng thấy người bệnh có các tổn thương ban đỏ lượn sóng, vằn vèo di chuyển, có 1 số mụn nước ở mông, tổn thương ngứa dữ dội.
Bệnh nhân được điều trị bằng Ivermectin 12mg liều duy nhất, hết ngứa sau 1 ngày, tổn thương da giảm đỏ, giảm phù nề, không còn tổn thương mụn nước.
|
Ảnh minh hoạ.
|
Tại BV Da liễu TP.HCM, BS.CKI.Trần Duy Cường - Khoa Khám bệnh cũng cho biết anh vừa tiếp nhận 4 bệnh nhân cùng sống trong một gia đình tới khám vì bị các ban hồng trên da ngứa, ửng đỏ.
Tiếp nhận bệnh nhân, bác sĩ đã chỉ định xét nghiệm tìm nấm da, kết quả thấy sợi tơ nấm có vách ngăn. Nhà bệnh nhân có nuôi chó, mèo và thường xuyên tiếp xúc, thậm chí ngủ chung với chúng.
BS Cường cho biết, tại khoa Khám Bệnh, hầu như tuần nào cũng có vài bệnh nhân đến khám da do thủ phạm từ chó, mèo.
Đặc điểm chung của người bệnh đó là trên da xuất hiện các mảng hồng ban, tróc vẩy, đường kính khoảng 4-5 mm, đôi khi đến hơn 10 mm, nằm rải rác ở hai cánh tay, cẳng chân và đùi, có khi ở ngực hoặc rải rác nhiều nơi trên cơ thể, ngứa nhiều.
Theo BS Cường, bệnh da do nấm sợi tơ (Dermatophytosis) là bệnh lý thường gặp, đặc biệt ở môi trường khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, thuận lợi cho vi nấm phát triển. Các chủng vi nấm sợi tơ có thể lây nhiễm từ đất, từ động vật hoặc từ người mắc bệnh nấm da.
Nếu bạn ngủ chung, giặt chung chậu, dùng chung quần áo với người bị nấm có thể lây. Đặc biệt là ở các vùng có khí hậu nóng ẩm, ra nhiều mồ hôi làm thay đổi độ pH của da; da bị xây xát, da khô, rối loạn cấu tạo lớp da bảo vệ bên ngoài.
BS Nguyễn Thị Huyền Thương – BV Da liễu Trung ương cho biết không chỉ nhiễm nấm từ vật nuôi, nhiều người còn mắc bệnh ấu trùng di chuyển ở da, hậu quả của nhiễm qua da ấu trùng giun móc của chó, mèo.
Theo bác sĩ Thương, giun móc gây bệnh ở chó mèo, sau đó trứng giun đi theo phân của chó mèo ra môi trường, trong điều kiện thuận lợi, trứng nở và phát triển thành ấu trùng, ấu trùng có thể tồn tại trong 3-4 tuần ở điều kiện môi trường thuận lợi. Con người có thể bị nhiễm bệnh khi ấu trùng từ đất xâm nhập vào da.
Ấu trùng này không thể trưởng thành được trong cơ thể người (vì con người là những vật chủ trung gian ngẫu nhiên). Ấu trùng di chuyển trong lớp thượng bì và thiếu men collagenase cần thiết cho sự phá vỡ màng cơ bản nên thường chỉ khu trú ở lớp thượng bì.
Ấu trùng di chuyển gây ra các phản ứng viêm dọc theo đường đi ở da, phản ứng viêm này có thể tiếp tục diễn ra trong vài tuần. Một số trường hợp xâm nhập vào mô sâu hơn, có thể gây ra tổn thương ở phổi nhưng rất hiếm.
Theo K.Chi /Infonet