Sự sống hồi sinh từ những tấm lòng thiện
Quá trình thực hiện bài viết này, chúng tôi đã tìm đến Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người để tìm hiểu những vấn đề pháp lý liên quan. Xung quanh câu chuyện hiến - ghép mô, tạng cũng đang cần một hành lang pháp lý hoàn thiện hơn nữa, để giúp người bệnh có điều kiện tốt nhất trong hành trình tìm lại sự hồi sinh.
Tiếp PV báo Người Đưa Tin, Th.s Nguyễn Hoàng Phúc - Phó Giám đốc Trung tâm chia sẻ: “Có thể nói sự thành công của ca ghép tạng xuyên Việt vừa qua, đó không chỉ là thành công của bất kỳ cá nhân, bệnh viện nào mà là sự phát triển, là thành tựu của ngành y tế nước ta. Hiện tại, sức khoẻ của hai bệnh nhân được ghép tim và ghép gan đã ổn định, các chỉ số y khoa rất tốt.
Đây là ca ghép mà các khâu như hồi sức cấp cứu, gây mê, hồi sức, chẩn đoán chết não cũng rất đặc biệt, điều đó chứng minh được sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa các bộ phận, các ngành chức năng. Trong trường hợp này, trực tiếp là bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Việt Đức, Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, cảng hàng không…”.
|
Th.s Nguyễn Hoàng Phúc - Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người. |
Trở lại sự việc các bác sĩ đưa tạng từ Bệnh viện Chợ Rẫy về Bệnh viện Việt Đức để ghép, ông Phúc đặt vấn đề, rất có thể rủi ro xảy ra với ngành y nếu có một trục trặc nhỏ về thời tiết, về đường bay… Tuy nhiên, điều may mắn là các đơn vị như Cảng hàng không, an ninh, hải quan đã hỗ trợ êkip tối đa. Tất cả bộ máy bằng nhận thức, bằng tình cảm của mình đã nỗ lực tối đa mới đi đến thành công.
Phải nói rằng bệnh viện Chợ Rẫy cũng đã chuẩn bị rất chu đáo khi có các văn bản gửi Cục Hàng không bố trí sắp xếp số người đủ ekip mổ lên cùng chuyến bay trong thời gian ngắn nhất.
Ngay cả Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người cũng phải có các văn bản gửi công an Hà Nội, công an TP Hồ Chí Minh, cảng hàng không quốc tế Nội Bài để mọi việc được thống nhất và nhanh nhất… Ngoài ra, các cá nhân, đơn vị cũng vận dụng tất cả các mối quan hệ riêng để nhờ các cơ quan chức năng tạo điều kiện việc chuyển tạng ra Hà Nội…
Theo ông Phúc, vấn đề cốt lõi để thực hiện thành công các ca ghép tạng là phải đảm bảo tính minh bạch và cần một hành lang pháp lý hoàn thiện hơn nữa. “Phải có quy định chặt chẽ, cơ chế phối hợp giữa bộ Y tế, bộ Công an, bộ GTVT trong vấn đề vận chuyển tạng người. Bác sỹ có giỏi cỡ nào nhưng vận chuyển tạng về chậm, máy bay bị hoãn, ô tô tắc đường thì ca mổ cũng không thể thành công được. Vấn đề an ninh sân bay cũng cần phải có cơ chế riêng cho các ca vận chuyển tạng người…
Nếu có sự kết hợp giữa các ban ngành thì ngân hàng tạng sẽ giúp cho hàng trăm nghìn bệnh nhân thoát được “án tử hình”. Các nước trên thế giới đã làm và rất thành công khi dành cho những người đi thi bằng lái xe có thể tích vào ô đồng ý hiến tạng. Câu chuyện này, Việt Nam nên nghiên cứu để áp dụng”, ông Phúc nhấn mạnh.
Câu chuyện truyền thông về hiến tạng không chỉ riêng của ngành y tế mà còn là vấn đề của xã hội. Đưa cho chúng tôi xem tấm thẻ tự nguyện hiến tạng sau khi chết não, ông Phúc cho biết, tất cả các cán bộ của trung tâm đều tự nguyện đăng ký và được phát tấm thẻ đó.
Theo vị phó giám đốc trung tâm, người có tấm lòng thiện trong xã hội còn rất nhiều, vấn đề là chúng ta chưa cho họ một địa chỉ, một thông tin để họ nắm được. Đã có những gia đình có 5,7 người đến đăng ký hiến mô, tạng. Không giới hạn tuổi tác, trình độ, ngay cả các nhà sư cũng đến đăng ký hiến xác…
Có trường hợp nhà sư đi từ trong nam ra, đến Hà Nội là 4h sáng, cán bộ trung tâm đã cử người ra tận ga để đón.
Vị Phó giám đốc trung tâm rưng rưng nhớ lại câu chuyện về trường hợp một nữ phóng viên trẻ ký đơn xin hiến tạng ngay trên giường bệnh. Nữ phóng viên đó cũng chính là em họ của ông Phúc. Cô gái này bị ung thư giai đoạn cuối, khi ông Phúc đến thăm, cô có bày tỏ tâm nguyện muốn hiến tạng cứu người nhưng lại sợ mình đang bị bệnh hiểm nghèo, nếu hiến tạng sẽ lây sang người khác. Trước sự trăn trở của cô em họ, ông Phúc vô cùng cảm động.
Ông nghẹn ngào giải thích với cô rằng: “Hiến hay không là quyền của người cho. Lấy hay không là của ngành y tế. Mà lấy xong có ghép được cho người khác hay không lại là một câu chuyện khác nữa.
Em đặt bút ký là đã thành công rồi”. Khi nghe người anh họ phân tích như vậy, nữ phóng viên trẻ đã tự nguyện làm đơn hiến giác mạc. “Em tôi ký đơn ngay trên giường bệnh, chị gái viết đơn thay cho em. Cho đến ngày cô ấy ra đi thì hai giác mạc đã đem lại ánh sáng cho hai người mù. Xúc động trước nghĩa cử của con gái, mẹ cô ấy cũng làm đơn xin hiến tạng”, ông Phúc nghẹn ngào nhớ lại.
|
Th.s, bác sĩ Nguyễn Hoàng Phúc đang bảo vệ tạng từ sân bay Nội Bài về bệnh viện Việt Đức. |
Những con số đáng suy ngẫm
Chia sẻ thêm với PV, vị phó giám đốc trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người bảo rằng: “Bất kỳ ai đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ đều có quyền hiến tặng mô, tạng. Đừng bao giờ nghĩ mình không đủ sức khỏe hoặc quá già để đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi chết, chết não.
Tới đây chúng tôi tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống mạng hiến, tìm mô tạng của Trung tâm. Ai vào đây đều có thể nắm hết được các thông số, thiếu ở đâu, nguồn từ đâu, có chỉ số y học hợp với bệnh nhân như thế nào để chủ động được mọi vấn đề liên quan”.
Các cán bộ trung tâm cũng cho biết, nhu cầu ghép tạng ở Việt Nam là rất lớn. Với số dân hơn 85 triệu người, trong khi đó có khoảng 6.000 người bị suy thận mạn cần được ghép thận, trên 1.500 người có chỉ định ghép gan (chỉ tính riêng tại một số bệnh viện lớn ở Hà Nội), khoảng 300.000 người mù do các bệnh lý giác mạc và trên 6.000 người đang chờ được ghép giác mạc và hàng trăm người chờ được ghép tim, phổi...
Đi kèm theo đó, không chỉ là gánh nặng cho chừng đó gia đình, người thân của những người bệnh đang sống trong những hoàn cảnh vô cùng khó khăn mà còn là trách nhiệm và nghĩa vụ của cộng đồng, xã hội .
Th.s Phúc cũng chia sẻ, thông thường thì nhiều người vẫn hiểu rằng, chết não giống với chết lâm sàng hoặc người chết não có thể sống lại được, nhưng trên thực tế cả thế giới và Việt Nam cũng đã nêu rõ, người chết não không thể sống lại được mà chỉ nhờ các thiết bị trợ giúp duy trì các tạng trong cơ thể người đó hoạt động mà thôi. Trên thế giới, có đến 90% số tạng được lấy từ người chết não, còn ở Việt Nam thì ngược lại có đến 90% tạng được lấy từ người hiến sống.
Theo con số thống kê trình Quốc Hội của Uỷ ban ATGT Quốc gia, mỗi năm có khoảng 10 nghìn người chết vì tai nạn giao thông, con số cụ thể thì chưa thống kê được vì còn có khá nhiều trường hợp, gia đình xin về sau khi bị tai nạn.
Nếu chỉ 1% số người chết đó, đăng ký hiến tạng thì đã cứu sống được hàng trăm, hàng nghìn người khác… Một người có hai quả thận, hai lá gan, một quả tim, hai lá phổi, hai giác mạc, cơ, xương… có thể cứu hàng chục người, cứ như vậy mỗi năm đã cứu được con số là vô cùng lớn. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm thế nào để cộng đồng hiểu được, vấn đề về tâm lý cái chết toàn thây cũng khiến nhiều người e ngại.
Cần lắm một vòng tay lớn!
“Sinh có hạn tử bất kỳ, nếu biết chắc chắn rằng khi chết đem cơ hội sống cho một người khác thì đó là cái chết không lãng phí cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Việc hiến tạng trước hết là có lợi cho bản thân đã làm việc tử tế, đem lại món quà vô giá cho một người khác, đó là điều nên làm. Hiến tạng phải được cộng đồng nhận thức đúng đắn, đầy đủ, cần chung tay chia sẻ của toàn xã hội”, Th.s Phúc tâm sự.
Theo Người Đưa Tin