Cẩn thận với cơn chóng mặt không rõ nguyên nhân

Google News

Bạn thấy chóng mặt hay choáng váng mà không có lý do rõ ràng, đừng nên xem thường vì nó có thể là dấu hiệu của suy nhược hoặc nhiều bệnh khác.

Cơn chóng mặt không rõ nguyên nhân có thể là triệu chứng cảnh báo cho nhiều vấn đề sức khỏe. 
Trẻ em rất thích quay lòng vòng xung quanh cho đến khi bị mất thăng bằng và ngã xuống. Nếu chúng ta bước vào nhà sau một buổi tối say mèm, căn phòng cũng trở nên quay cuồng. Thế nhưng khi xuất hiện cơn chóng mặt không hề có lý do rõ ràng, đó là dấu hiệu cảnh báo của cơ thể về một điều bất thường.
Theo Meniere’s Society (tổ chức chuyên hỗ trợ người bị rối loạn tai trong) thì chóng mặt đa phần có liên quan đến hệ thống tiền đình ở tai trong. Đôi khi đó có thể chỉ là cảm giác choáng váng nhất thời hay không thể đứng vững trên đôi chân của bạn.
Nhưng chuyên gia vật lý trị liệu Andrew Clements, trung tâm y tế Leicester Balance Centre (Anh), cho biết: “Dù là chóng mặt nhất thời hay lâu dài, gần như tất cả mọi người đều có thể cải thiện tình trạng bệnh, hoặc có thể quản lý các triệu chứng nếu điều trị đúng cách”.
Sau đây là bảy lý do giải thích cho cơn chóng mặt và làm thế nào để ngăn chặn nó:
Chóng mặt lành tính do xoay đầu (BPPV)
Ước tính đến 50% dân số sẽ gặp vấn đề về tai trong này. Nó xuất hiện khi các mảnh tinh thể otoconia (một phần của cơ chế giúp chúng ta cảm nhận được sự cân bằng và trọng lực) dịch chuyển sai vị trí trong tai.
Tập hợp vận động đầu Epey manoeuvre cần được sự hỗ trợ của chuyên gia vật lý trị liệu. 
Các cơn chóng mặt do BPPV chỉ kéo dài vài giây tại một thời điểm nhưng có thể nặng và tái phát. Điều này thường xảy ra khi bạn xoay đầu quá nhanh, cúi đầu về phía trước hay ngửa đầu ra phía sau đột ngột, cũng như thay đổi tư thế nằm trên giường.
Một tập hợp các cử động của đầu, gọi là Epey manoeuvre, sẽ giải quyết vấn đề trên bằng cách di chuyển các tinh thể trở lại vào đúng chỗ trong tai. Bạn sẽ cần một bác sĩ hoặc chuyên gia để hỗ trợ, nếu không cơn chóng mặt có thể còn tồi tệ hơn trước khi thực hiện.
Lo lắng
Nếu cơn chóng mặt kết hợp với các triệu chứng khác như dễ cáu giận, bồn chồn, hồi hộp và cảm giác sợ hãi, rất có thể sự lo lắng chính là vấn đề.
Để cảm thấy tốt hơn, hãy tập thể dục thường xuyên, ngưng hút thuốc lá, giảm sử dụng rượu bia và cafein.
Ngoài ra, liệu pháp nhận thức hành vi (CBT) cũng giúp điều trị lo âu hiệu quả. Nếu bạn đang gặp phải cơn chóng mặt liên quan đến stress, tập hít thở chậm và sâu hơn, tập trung tâm trí vào một điểm ở xa. Uống thêm nước, vì triệu chứng chóng mặt nhẹ từ tình trạng mất nước có thể càng tồi tệ hơn nếu bạn đang lo lắng.
Huyết áp thấp
Huyết áp thấp có thể gây chóng mặt, đặc biệt là khi bạn đứng dậy quá nhanh từ tư thế ngồi hoặc nằm.
Bạn hãy luôn luôn ngồi dậy từ từ. Huyết áp thấp không hẳn là nguy hiểm, nhưng vẫn nên đến bác sĩ để được kiểm tra sức khỏe toàn diện.
Lão hóa
Chóng mặt và mất thăng bằng có nhiều khả năng xảy ra khi đôi mắt, hệ thống tiền đình của tai trong và cơ bắp không còn làm việc ăn khớp với nhau. Các vấn đề về tim mạch liên quan đến tuổi cũng có thể gây chóng mặt do ảnh hưởng đến lưu lượng máu cung cấp lên não.
Để cảm thấy tốt hơn hãy sống năng động, tập thể thao nhẹ như Thái cực quyền hay yoga. Hãy hỏi bác sĩ rõ hơn về những loại thuốc uống theo toa bởi vì nhiều người có thể bị chóng mặt do tác dụng phụ từ thuốc.
Bệnh thiếu máu
Làn da nhợt nhạt, môi khô, cơ thể mệt mỏi và chóng mặt là những triệu chứng thông thường liên quan đến thiếu máu, thiếu sắt.
Chuyên gia dinh dưỡng, TS Sarah Schenker giải thích: “Thiếu máu thường gây ra cảm giác choáng là vì không có đủ sắt để tạo các tế bào máu đỏ hemoglobin cung cấp ôxy cho não”.
Để phòng tránh mệt mỏi, nên khám sức khỏe định kỳ, nếu kết quả chẩn đoán xác định bạn đang bị thiếu máu, bác sĩ sẽ kê toa bổ sung sắt liều cao. Ngoài ra, còn cần lưu ý sử dụng các loại nguyên liệu giàu chất sắt như thịt cừu, thịt bò, rau xanh và các loại hạt để nấu ăn hàng ngày. Tránh uống trà khi ăn vì tinh chất trong trà làm giảm khả năng hấp thu sắt.
Theo Báo Phụ Nữ