Đột nhập “phố Hàn Quốc”
Trong khi dân số của cả xã Đồng Tiến (Phổ Yên – Thái Nguyên) mới đạt ngưỡng 8.000 dân thì chỉ trong một thời gian ngắn, lượng công nhân của đại nhà máy Sam Sung về đây làm việc đã lên tới hàng chục ngàn người. Điều gì xảy ra khi số lượng công nhân nhiều gấp 6 lần người dân bản địa? Để đi tìm câu trả lời đó, chúng tôi đã nhiều ngày sống chung với công nhân ở đại nhà máy này.
Chúng tôi đã nhờ Nhung công nhân đang làm việc trong nhà máy làm “thổ địa” trong những ngày ở đây. Tôi quen Nhung từ thời em còn là sinh viên ở Hà Nội. Nhiều lần trò chuyện qua điện thoại, Nhung hứa sẽ dẫn chúng tôi đi và kể nhiều câu chuyện ở khu công nghiệp này. “Phố Hàn Quốc ở xứ Chè” là một trong những điều khiến chúng tôi ấn tượng nhất khi đến đây.
|
Người dân ở đây cho hay, họ không hiểu nội dung những biển hiệu tiếng Hàn này là gì, nhưng thấy tấp nập khách ngoại lẫn khách nội vào ra. |
Từ cổng nhà máy Sam Sung, đi theo đường gom cạnh cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên, con đường được mệnh danh là nhiều bụi nhất Phổ Yên, khoảng 1 km thì gặp cầu vượt Đồng Tiến. Cầu vượt này bắc qua đường cao tốc, nằm trên con đường từ Ba Hàng (TX Phổ Yên) tới huyện Phú Bình (Thái Nguyên).
Đi qua cầu vượt là bắt đầu chạm đến “phố Hàn Quốc” như lời Nhung nói. Hóa ra là con đường này, trước đây tôi đã có nhiều dịp đi qua đường này để đến huyện Phú Bình. Khi đó, đường này rất vắng và đậm chất nông thôn chứ không sầm uất như bây giờ. Vài năm trôi qua, mọi thứ đã khác.
Vừa đi qua cầu vượt, hướng về Ba Hàng, tôi không nhận ra con đường mà cách đây 5 – 6 năm mình thường xuyên đi qua. Khoảng 1 km từ cầu vượt đến giao với đường sắt Hà Nội – Thái Nguyên nhưng nhà cao tầng mọc lên san sát. Hai bên đường, nhà nghỉ, nhà hàng đua nhau qua từng biển hiệu giống như ở thành phố. Chỉ có điều, hầu hết các biển hiệu quảng cáo ở đây đều được viết bằng tiếng Hàn Quốc, thỉnh thoảng mới có biển hiệu viết song ngữ nhưng chữ Hàn vẫn chiếm phần lớn diện tích. Những nơi viết bằng tiếng Hàn đều là nhà hàng, nhà nghỉ, Karaoke thậm chí có cả siêu thị bán hàng Hàn Quốc và viết bằng tiếng Hàn.
|
Những biển hiệu viết bằng chữ Hàn Quốc như thế này xuất hiện nhan nhản trên đoạn đường này. |
“Anh thấy “Xơ un Việt Nam” thế nào?”, Nhung hỏi tôi, vẫn cái giọng điệu dí dỏm như ngày nào. Quả thật, tôi chưa được đến Hàn Quốc bao giờ nhưng với những gì tận mắt chứng kiến ở con đường này thì cũng cảm nhận được hơi hướng của đất nước xứ sở Kim Chi.
Tạt vào quán cà phê khá sang trọng trên đoạn đường này. Quán khá đông khách và không khó để nhận ra trong số đó có nhiều người Hàn Quốc. Theo quan sát của chúng tôi, những nhân viên của quán này sử dụng khá thành thạo tiếng Hàn khi họ giao tiếp với khách.
Nhung cho biết thêm, khu này người dân được đền bù khá nhiều từ tiền giải phóng mặt bằng đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên và xây cầu vượt nên khá dư dả. Từ số tiền này, họ xây nhiều nhà đẹp, mở các dịch vụ để phục vụ cho người nước ngoài đang làm việc tại khu công nghiệp Yên Bình, mà cụ thể là người Hàn đang làm ở nhà máy Sam Sung.
Dẹp rồi lại mọc
“Người Hàn làm việc ở đây có đông không?”, tôi hỏi. “Đông chứ anh, ngoài số người có xe đưa đón về Hà Nội, số người Hàn còn lại họ thuê nhà ở lại đây. Nhu cầu giải trí thì ai chả có, nhất là những người thu nhập cao. Việc hình thành phố Hàn Quốc ở Thái Nguyên cũng bắt đầu từ đó”, Hương – bạn của Nhung nói.
Trong quán cà phê này, nhiều đôi nam nữ khá tình tứ với nhau, trong đó nhiều đôi là trai Hàn – gái Việt. “Nhiều kỹ sư Hàn cặp với công nhân Việt, họ thuê nhà ở cùng nhau hoặc cặp kè với nhau vậy. Cũng có người không phải là công nhân, từ nơi khác về đây “chăn” trai Hàn. Nói chung là có đủ thứ chuyện”, Hương tỏ ra sành sỏi.
Cạnh quán cà phê này là mấy quán hát Karaoke lúc nào cũng nhộn nhịp khách vào ra. Chủ yếu là khách đi xe ô tô. Theo quan sát của PV trong buổi tối hôm đó, cứ mỗi chiếc xe Innova đỗ trước cổng thì lại có một vài cặp đôi Hàn – Việt bước xuống, dập dìu nhau đi vào quán hát. Phía ngoài đường, thỉnh thoảng lại có một như thế cặp tay trong tay đi trên đường.
Anh Lê Văn T. , chủ một nhà nghỉ mà chúng tôi thuê trên đường này cho hay: “Ở đây chủ yếu phục vụ khách Hàn Quốc nên giá khá đắt, thậm chí là đắt hơn Hà Nội và thành phố Thái Nguyên. Có ông khách người Hàn mỗi lần đến đây đều dẫn theo một cô khác nhau”.
Trao đổi với PV về việc này, ông Đặng Đức Kiên, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Tiến (Phổ Yên – Thái Nguyên) thừa nhận, việc xuất hiện “phố Hàn Quốc” ở địa phương là có thật. Tuy nhiên, việc này nằm ngoài thẩm quyền của xã.
“Tôi cũng thấy có rất nhiều biển hiệu quảng cáo bằng tiếng Hàn Quốc ở đoạn đường này. Tôi cũng biết theo quy định, biển quảng cáo nếu có chữ nước ngoài thì chữ này phải nhỏ hơn chữ tiếng Việt nhiều lần. Nhưng ở đây có nhiều biển hoàn toàn bằng tiếng Hàn Quốc. Chúng tôi không có chức năng xử lý việc này. Cái này thuộc thẩm quyền của Phòng văn hóa huyện”, ông Kiên lý giải.
|
Ông Đặng Đức Kiên thừa nhận có "phố Hàn Quốc" ở trên địa bàn, nhưng trách nhiệm của việc này thuộc Phòng văn hóa thị xã Phổ Yên |
Theo số liệu mà ông Phạm Quang Vinh, Trưởng công an xã Đồng Tiến cung cấp cho chúng tôi, hiện nay số lượng người nước ngoài làm việc trên địa bàn xã là rất nhiều. “Nhìn chung, những người nước ngoài cư trú trên địa bàn đều chấp hành tốt quy định của pháp luật. Cho tới nay chưa xảy ra vụ việc nghiêm trọng nào liên quan đến người nước ngoài. Chúng tôi cũng thường xuyên tuần tra, giám sát các hoạt động ở khu vực mà người ta gọi là “phố Hàn Quốc”, ông Vinh cho biết.
11h đêm, “phố Hàn Quốc” vẫn nhộn nhịp người qua lại. Hầu hết các biển quảng cáo của quán Karaoke, nhà nghỉ, xông hơi, massage vẫn nhấp nháy đèn mở cửa đón khách.
Chúng tôi về nhà nghỉ lúc 12h đêm vì sợ chủ nhà đóng cửa, nào ngờ ông chủ vẫn mở nhạc xập xình và bảo: “Ở đây phải 1-2h sáng mới là khuya. Các chú cứ đi chơi thoải mái, mấy giờ về chả được. Không thấy ngoài kia vẫn nhộn nhịp lắm à”.
“Đúng là phố “ngoại” có khác”, cậu em chép miệng ra bộ tiếc rẻ vì về sớm.
Theo Người Đưa tin