Lạc vào 'phố Hàn' giữa lòng thủ đô

Google News

Bất ngờ và ngỡ ngàng có lẽ là cảm giác của hầu hết mọi người khi đặt chân đến khu “phố Hàn” bởi đâu đâu cũng thấy các biển hiệu đầy ắp chữ Hàn Quốc.

Nếu không định thần lại thì bất kì ai cũng rất dễ nhầm tưởng rằng mình hiện đang có mặt tại xứ sở kim chi.

Từ khoảng giữa năm 2006, cộng đồng người Hàn Quốc sinh sống tại Hà Nội ngày càng đông đảo, chủ yếu tập trung ở các khu vực như Trung Hoà - Nhân Chính, Trung Kính, Mỹ Đình - Sông Đà, Đào Tấn,... Chính vì vậy, các dịch vụ dành riêng cho những người nhập cư này cũng theo đó mà phát triển với tốc độ đáng kinh ngạc.

Khác với khu "phố Hàn" Phạm Văn Hai - Sài Gòn chủ yếu do người Hàn Quốc mở để phục vụ khách bản địa; các nhà hàng, khách sạn, siêu thị,... mang đậm chất Hàn Quốc tại Hà Nội lại hầu hết là do người Việt đầu tư bởi nhu cầu quá lớn của những người sinh sống ở đây.

Đâu đâu cũng Hàn Quốc

Có lẽ nơi tập trung nhiều người Hàn Quốc sinh sống tại Hà Nội nhất là khu vực Trung Hoà - Nhân Chính, chỉ cần nhìn vào các poster, biển hiệu tại đây là có thể thấy rõ điều này. Đi dọc phố Nguyễn Thị Thập, Nguyễn Thị Định, Hoàng Ngân, việc nhìn thấy người Hàn Quốc là chuyện hết sức bình thường, ở đường lúc nào cũng nghe thấp thoáng tiếng Hàn như thể đó là ngôn ngữ giao tiếp chính thức của mọi người tại khu vực này vậy.

Thậm chí, nếu như bạn chỉ cần có phong cách hơi "Hàn" một chút (mặc áo len dài, quần bó, tóc hơi xoăn và sáng màu) đi vào bất kì một quán ăn nào đó thì lập tức nhân viên cửa hàng sẽ dùng ngay tiếng Hàn để nói chuyện với bạn - chính phóng viên cũng đã gặp phải trường hợp tương tự như thế.

 Những khu phố Hàn Quốc đặc trưng tại Hà Nội.

Chị Nguyễn Linh - hàng xóm của một gia đình Hàn Quốc, tại khu chung cư 17T10 Trung Hòa - Nhân Chính chia sẻ: "Mặc dù có nhiều người Hàn Quốc nhưng tôi thấy cũng không thay đổi mấy vì ở chung cư các gia đình không tiếp xúc với nhau nhiều, chỉ gặp nhau ở cầu thang, ngoài hành lang hay dưới hầm gửi xe thì chào hỏi thôi. Thay đổi lớn nhất là xung quanh khu này mọc lên rất nhiều dịch vụ phục vụ người Hàn như nhà hàng, beauty salon,..."

Có thể thấy tại "phố Hàn" không thiếu bất cứ một thứ dịch vụ gì dành cho người Hàn Quốc, từ nhà hàng, khách sạn, siêu thị, cho đến bệnh viện, trường học và cả quán net.

Người đi đường có thể dễ dàng nhận thấy vô số các cửa hàng treo biển song ngữ. Tuy nhiên điểm đặc biệt của các biển hiệu này là đa phần chữ Hàn được trình bày rất bắt mắt và chiếm nhiều diện tích, trong khi chữ Việt Nam thì lại khá nhỏ và rất khó nhìn. Đó quả là một điều kì lạ và dễ gây nhầm lẫn bởi không hiểu thực ra đây là Hàn Quốc hay Việt Nam.

Hoà nhập nơi đất khách

 Không khó để bắt gặp các cửa hàng Hàn Quốc trong khu Trung Hoà - Nhân Chính.


Bên cạnh dịch vụ giải trí như bi-a, karaoke, spa... thì các dịch vụ xã hội dành cho người Hàn Quốc tại Việt Nam cũng được chú trọng như trường học, bệnh viện, trung tâm văn hóa. Trường quốc tế Hà Nội - Hàn Quốc, nằm trên đường Lê Văn Lương kéo dài là một trong những địa chỉ được các gia đình Hàn Quốc chọn lựa đưa con em vào học. Em Oh Ju Young, hiện là học sinh lớp 4 của trường chia sẻ rằng trong trường có dạy môn Tiếng Việt nhưng hầu hết các em vẫn giao tiếp bằng tiếng Hàn vì học sinh của trường chủ yếu là con lai Hàn Việt hay người Hàn cùng gia đình đến Việt Nam sống.
Hầu hết người Hàn Quốc sang Việt Nam vẫn giữ thói quen ăn uống và ưa thích hương vị món ăn của quê hương, vì thế nên ngoài các nhà hàng Hàn Quốc thì có khá nhiều siêu thị chuyên bán thực phẩm của đất nước này trong khu vực.

Siêu thị Ace Mart trên đường Nguyễn Thị Thập là một điểm mua sắm khá điển hình. Bước vào không gian bên trong siêu thị, có lẽ ai cũng cảm thấy choáng ngợp bởi nhân viên ở đây giao tiếp tiếng Hàn thành thạo như người bản địa và tất cả các sản phẩm đều không có một dòng chữ tiếng Việt nào.

Các mặt hàng bày bán được nhập khẩu từ Hàn Quốc, phục vụ đầy đủ cho nhu cầu sinh hoạt hàng ngày, từ rượu Soju, kim chi, bánh gạo, kem cá, nước tương,... cho đến sách vở, quần áo. Ngay cả các sản phẩm có sẵn, phổ biến tại Việt Nam như kẹo cao su Xilytol, bánh snack, bàn chải đánh răng Colgate,... cũng vẫn được nhập về vì đơn giản đa phần người Hàn Quốc thích sử dụng sản phẩm của quốc gia họ.

Anh Jeon Jeong Seok, 26 tuổi, nhân viên công ty chuyên kinh doanh giấy dán tường tâm sự: "Dù đã sống ở Việt Nam được một năm rưỡi song chủ yếu tôi vẫn sử dụng hoàn toàn đồ dùng sinh hoạt của Hàn Quốc mua tại siêu thị gần nhà".

Một điểm khá thú vị là bên ngoài siêu thị có một khuôn viên nhỏ đặt vài ba bộ bàn ghế gỗ. "Mặc dù ở Việt Nam thì có vẻ lạ nhưng ở Hàn Quốc siêu thị nào cũng có cả, bởi đó là nơi để khách có thể trực tiếp ăn mì, uống nước hay nghỉ ngơi,..."chủ siêu thị cho biết.

Hiện nay, số người Hàn Quốc sinh sống tại Hà Nội ngày càng có chiều hướng gia tăng. Theo như bác Trần Ngọc Sơn, trưởng ban quản trị - tổ trưởng khu chung cư 17T10 Trung Hoà - Nhân Chính cho biết: "Riêng chung cư ở đây có khoảng 200 hộ thì trung bình có đến hơn 30 hộ là người Hàn Quốc. Những người ở cùng tầng khi gặp nhau thái độ của họ rất vui vẻ, gặp chúng tôi họ chào hỏi, nếu không biết tiếng thì họ cúi đầu đúng mực, song chỉ dừng lại ở chào hỏi xã giao."