Hai bảo vật của Đà Lạt

Google News

(Kiến Thức) - Đà Lạt có hai bảo vật mà không ai có thể bỏ qua là chiếc bàn xoay theo ý muốn và dinh thự Nam Phương hoàng hậu tráng lệ.

Bàn xoay 200 năm tuổi
"Hữu xạ tự nhiên hương", chẳng ai quảng bá hay giới thiệu rầm rộ nhưng chúng tôi cũng như khách thăm Đà Lạt dù Tây hay ta đều biết đến bảo vật vô giá của Đà Lạt là chiếc bàn xoay theo ý muốn đầy ma mị. Để kiểm chứng sự thật vì sự nghi hoặc có chút thêm thắt về chiếc bàn này nên chúng tôi nhanh chóng tìm ra địa chỉ của người đang sở hữu bảo vật vô giá đó.
Ngôi nhà nhỏ đầy ăm ắp các loại hoa phong lan trên đường Khe Sanh là nơi ông Nguyễn Thanh Tăng đặt chiếc bàn kỳ lạ cho khách thoả chí tò mò. Ông giới thiệu tiểu sử chiếc bàn như thể một hướng dẫn viên du lịch rằng, chiếc bàn đến nay đã 200 năm tuổi và trải qua 4 đời sở hữu nhà họ Nguyễn Thanh.
Thì ra tổ tiên ông Tăng không phải người Đà Lạt, mà chính gốc quê ông người Tây Sơn nơi vua Quang Trung ra đời. Tổ tiên của ông ở đó cho đến khi chiến tranh biến loạn thì dạt vào Đà Lạt như một duyên nợ. Chẳng biết ngày xưa tổ tiên ông Tăng có biết được sự thần kỳ của chiếc bàn xoay hay không nhưng công năng tuyệt vời của chiếc bàn này thì chỉ mới được khám phá cách đây vài ba mươi năm.
Phóng viên kiểm nghiệm chiếc bàn tự xoay 200 năm tuổi. 
Ông Tăng kể: "Sau năm 1975, các cụ nhà tôi mới dọn kho đem chiếc bàn ra dùng để bày tiệc và đánh bài. Một hôm vô tình các cụ hối nhau "đi bài" thì tự dưng thấy chiếc bàn cứ xoay đi xoay lại một cách khó hiểu. Ban đầu họ còn cãi nhau ăn gian, nhưng sau rồi mới nhận ra chiếc bàn xoay được theo ý muốn giống như trong truyền thuyết".
Ở vùng Bình Định - Quảng Nam xưa kia cũng truyền tai nhau về những chiếc bàn xoay kỳ lạ. Nhưng gần như đó chỉ còn là truyền thuyết vì chẳng ai có thể kiếm đâu ra được chiếc bàn xoay để kiểm chứng. Ông Tăng không ngờ mình lại sở hữu chiếc bàn vô giá này mà có lần khách Tây đã trả giá cả trăm ngàn đôla nhưng ông không bán.
Chúng tôi muốn kiểm chứng sự thực ra sao liền đặt tay lên bàn sau đó tập trung tư tưởng để chiếc bàn xoay theo ý muốn. Lần một, lần hai thất bại đến lần thứ ba thì chiếc bàn xoay như chong chóng. Chúng tôi bảo "đi nhanh" thì chiếc bàn xoay nhanh, bảo "dừng lại" là một lúc sau chiếc bàn không xoay nữa.
6 trục phụ, 1 trục chính dưới đáy bàn. 
Để kiểm chứng rõ ràng hơn, chúng tôi đưa chiếc bàn xuống một chiếc ghế vuông không gắn trục để tập trung tư tưởng. Không ngờ, chiếc bàn vẫn xoay đều theo ý muốn của người điều khiển. Ông Tăng bảo, không cho đó là chuyện ma quỷ nhưng có thể chiếc bàn đã tích được một lượng điện năng đáng kể để con người điều khiển.
Theo đo đạc của chúng tôi chiếc bàn cao 1,2m, thân là trục gỗ tròn được tiện hình bình hoa, ở dưới đáy bình gắn 3 chân tiếp đất. Miệng bình là miếng gỗ vuông được gắn 6 trụ nhỏ khớp với đáy bàn. Ở giữa 6 trụ nhỏ là một trụ lớn ăn khớp với một lỗ sâu dưới mặt bàn tạo thành trục xoay. Mặt bàn có đường kính 80cm, tất cả các bộ phận của bàn đều làm bằng gỗ trắc.
Ông Tăng bật mí: "Rất nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước đã đến kiểm tra chiếc bàn. Họ đều công nhận là tôi không hề "ăn gian". Các cách giải thích của họ có khác nhau, nhưng đều thống nhất ở quan điểm chiếc bàn là bảo vật cần lưu giữ".
Dinh thự Nam Phương hoàng hậu. 
Còn lại gì ở dinh thự cổ?
Một bảo vật quý giá nữa của Đà Lạt là dinh thự cổ Nam Phương hoàng hậu. Cung Nam Phương được xây dựng năm 1930 do đại điền chủ Nguyễn Hữu Hào xây tặng con gái là Nam Phương hoàng hậu - vợ vua Bảo Đại. Biệt thự xây dựng theo lối kiến trúc Pháp toạ lạc trên một ngọn đồi hội đủ long - mạch - thủy - sa. Biệt thự có 3 tầng, được chia thành các phòng tiếp khách, phòng ăn, phòng nghỉ dành cho vua Bảo Đại và hoàng hậu.
Theo chân bà Đoàn Bích Ngọ, Phó giám đốc Bảo tàng tỉnh Lâm Đồng chúng tôi đến những căn phòng nức tiếng xa hoa xưa. Hầu hết những hiện vật của gia đình vua Bảo Đại tại đây còn được lưu giữ khá nguyên vẹn. Trong đó, phòng ăn mà ông Nguyễn Hữu Hào vẫn thường tiếp đãi các đoàn khách quý vẫn giữ nguyên hiện trạng. 
Phòng ăn có không gian rộng rãi, sang trọng. Trên bàn được bày bộ ly pha lê được nhập về từ Pháp năm 1930. Lò sưởi cạnh bàn được ốp bằng đá hoa cương nhập từ Ý. Bà Ngọ cho hay: "Những hiện vật này được xem là đặc biệt quý giá tại thời điểm đầu thế kỷ XIX. Sau này, khi gia đình Nam Phương hoàng hậu không ở đây nữa thì những hiện vật quý giá này vẫn được bảo vệ cẩn mật. Cách đây mấy năm, khi bảo tàng được giao quản lý khu dinh thự cũng đã tiến hành trùng tu, tôn tạo lại một số chi tiết bị hư hỏng nhưng giữ nguyên mẫu ban đầu".
Những chiếc ly pha lê nhập từ Pháp năm 1930. 
Cách phòng ăn không xa là phòng ngủ dành cho vợ chồng đại điền chủ Nguyễn Hữu Hào. Đây là một trong những căn phòng còn giữ được nhiều hiện vật nhất, đó là một chiếc chụp đèn dầu treo trên trần nhà theo phong cách Pháp, một bộ bàn ghế uống nước đặt cạnh cửa sổ, nơi có thể phóng tầm mắt bao quát TP Đà Lạt, một chiếc bàn học màu đỏ của thái tử Bảo Long, con trai vua Bảo Đại. Trong phòng còn được dựng một lò sưởi nhỏ để sưởi ấm khi mùa đông đến.
Theo bà Ngọ thì ngoài những hiện vật trên, bảo tàng tỉnh cũng đã dựng lại một số chi tiết như trang phục của Nam Phương hoàng hậu, nón và mũ vua Bảo Đại để trưng bày. Nếu vị khách nào muốn mượn bộ đồ đó để chụp hình kỷ niệm thì bảo tàng cũng sẽ cho thuê, đó cũng là cách quảng bá hình ảnh về dinh thự đẹp nhất Đà Lạt.
"Ngoài dinh thự Nam Phương hoàng hậu, Đà Lạt còn một chuỗi những dinh thự cổ quý giá. Tuy nhiên, để đánh giá cả về quy mô mức độ và ý nghĩa lịch sử thì Cung Nam Phương hoàng hậu là nổi trội hơn cả. Đà Lạt là thành phố du lịch lâu đời, ngoài những bảo vật có được thì hiện nay du khách cũng rất tò mò về chiếc bàn xoay theo ý muốn. Đó cũng là cách mà Đà Lạt thu hút và giữ chân khách du lịch một cách lâu dài".
Bà Đoàn Bích Ngọ (Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Lâm Đồng)
Quách Hoà