"Vách ngăn" trời đất cắt ngang dãy Bạch Mã tuy không có gì lạ với lữ khách gần xa nhưng những bí mật kỳ thú của truyền thuyết lẫn với di tích còn lại không phải là điều dễ bóc tách.
Nếu đơn thuần vượt qua đèo Hải Vân để nhìn xuống hai bờ, một bên biển lặng một bên núi đá và thảng hoặc nhận lãnh cái cảm giác mát lạnh khác biệt của thời tiết thì không lấy gì làm khó. Hải Vân từng chứa đựng biết bao bí mật chính trị lẫn văn hoá đất cố đô và Chămpa tạo nên một huyền tích lạ.
|
Đệ nhất hùng quan nhìn từ xa. |
Sính lễ Ô - Rí
Trước khi vượt đèo Hải Vân, chúng tôi nán lại trong một cái chòi nhỏ dưới chân đèo uống loại trà cung đình của Huế. Chút "trà dư" mà bất ngờ vì chủ quán, một cụ già lưng còng khiến chòm râu cứ như muốn quét đất, nhưng bất ngờ hơn khi biết cụ là hậu duệ vua Nguyễn. Cụ là Nguyễn Tử Nhạc từng làm việc trong Viện Viễn Đông Bác Cổ thời những năm 1957 khi Viện phải rời Hà Nội sang Campuchia.
Thế nên, lịch sử và chuyện dân gian về Hải Vân Sơn cụ rành lắm. Cụ Nhạc cứ tiếc nuối mãi khi dự án hầm Hải Vân được đánh giá là dài nhất Đông Nam Á được xây dựng. Chẳng biết lý do khiến cụ tiếc nuối là gì nhưng cụ Nhạc bảo, cái thế phong - thủy - sơn của đất này bị vỡ bởi đường hầm. Theo lời cụ Nhạc, đèo Hải Vân giờ chẳng mấy ai qua, gần như kỳ quan đã bị quên lãng.
|
Lô cốt thời Pháp thuộc trên đỉnh đèo Hải Vân. |
Theo hiểu biết khi cụ Nhạc làm trong Viện Viễn Đông Bác Cổ thì cái tên Hải Vân là tên mới, chứ tên cũ là Ải Vân hoặc đèo Mây vì quanh năm mây phủ. Đèo dài đúng 20 cây số và là mảnh đất đẹp nhất của đất Ô - Rí xưa.
Giọng khàn đặc cứ nhịp điệu chầm chậm, cụ Nhạc kể: Đèo Hải Vân ngày trước thuộc hai châu Ô và Rí của Vương quốc Chămpa. Khi vua Chămpa tên là Chế Mẫn mê mẩn công chúa Huyền Trân thì mới cắt đất và biến Hải Vân thành ranh giới hai nước từ năm 1306. Ngày xưa, người địa phương gọi Hải Vân là sính lễ Ô - Rí.
Đường quốc lộ 1A đoạn qua Hải Vân cũng có cái tên khác là đường Cái Quan. Dân hai vùng hầu như không dám sống gần đèo Hải Vân vì thời đó, khu vực này rất phức tạp bởi những nhóm phỉ chuyên đi cướp bóc. Và hơn thế nữa là thú dữ như hổ báo nhiều vô kể. Mãi đến thời Pháp thuộc, khi đường sắt được xây dựng chạy qua thì người dân mới dám đến lập nghiệp.
|
Cận cảnh đệ nhất hùng quan. |
Đệ nhất hùng quan
Đèo Hải Vân không hiểm trở bằng tứ đại đỉnh đèo là Ô Quý Hồ, Pha Đin, Khau Phạ hay Mã Pì Lèng nhưng lại nổi tiếng hơn tất thảy bởi có "thiên hạ đệ nhất hùng quan" đến nay vẫn còn sừng sững giữa đỉnh đèo cheo leo như cổng trời.
Thiên hạ đệ nhất hùng quan thực chất là một cửa ải mang tên Hải Vân Quan được xây từ thời nhà Trần. Trong một số tư liệu còn ghi lại thời gian nhà Trần xây dựng và cung cách nhà Nguyễn trùng tu lại. Hiện trạng ấy đến nay vẫn được giữ khá nguyên vẹn.
Cửa trông về phủ Thừa Thiên có đề ba chữ Hải Vân Quan, cửa trông xuống Đà nẵng đề "Thiên hạ đệ nhất hùng quan". Đây là danh xưng do vua Lê Thánh Tông phong tặng khi dừng quân tại đây vào năm 1470. Sách Đại Nam thực lục chính biên cũng có ghi chép khá tỉ mỉ: "Cửa trước cao và dài đều 15 thước, ngang 17 thước 5 tấc, cửa sau cao 15 thước dài 11 thước, ngang 18 thước 1 tấc, cửa tò vò đều cao 10 thước 8 tấc, ngang 8 thước 1 tấc. Phía tả hữu cửa quan, xếp đá làm tường, trước sau tiếp nhau. Phái biền binh 4 đội Hữu sai và 2 đội Ứng sai chở súng ống đến để đấy. Chuẩn định từ Hải Vân trở ra Bắc thuộc quản hạt Thừa Thiên, từ ngoài Hải Vân trở vào Nam thuộc quản hạt Quảng Nam".
Đến nay, "Thiên hạ đệ nhất hùng quan" đã trở thành một di tích đặc biệt. Điều lạ nữa là, lượng khách du lịch ở đây gần như rất ít người Việt, mà chủ yếu là khách Tây hoặc Hàn Quốc. Họ ngắm nghía không biết chán và cảm nhận đó như một kỳ quan lạ của thế giới.
|
Vịnh ngọc - nơi xuất hiện thủy quái hoá rồng. |
Cá ăn hoa ngãi... hoá rồng
Từ trên đèo Hải Vân nhìn xuống sẽ thấy một vịnh ngọc đẹp như tranh vẽ. Nhưng câu chuyện về vịnh ngọc này còn là một bí ẩn liên quan đến loài cá hoá rồng vì ăn được loài hoa lạ.
Chuyện này do một hoà thượng là Thích Đại Sán khám phá ra và tâu bẩm lại cho chúa Đàng Trong là Hiển Tông hoàng đế Nguyễn Phúc Chu. Tuy nhiên, theo những cao niên sống ven đèo Hải Vân thì không phải loài cá nào cũng có thể hoá rồng khi ăn được "hoa ngãi".
Những loại cá được cho là hoá rồng khi ăn "hoa ngãi" ở Hải Vân Sơn là Bạch ngư. Loài cá này từng được vua Minh Mạng ban tên là Nhân ngư. Thậm chí, sử sách còn ghi lại câu chuyện đầy màu sắc liêu trai rằng, lấy mỡ của loại cá này thắp đèn, chiếu vào chỗ cờ bạc thì tối, chiếu vào chỗ đọc sách thì sáng. Điều ấy khác hẳn với mỡ một số loại cá khác khi "ăn hoa hoá rồng".
|
Thủy quái Makara tại Bảo tàng điêu khắc Chăm - Đà Nẵng (tư liệu của bảo tàng). |
Theo các cao niên ở Hải Vân, loài cá hoá rồng này thường hay xuất hiện ở vịnh ngọc. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi đã ai nhìn thấy hay chưa thì tất cả đều khẳng định là chưa nhìn thấy. Thậm chí, người ta cũng chẳng biết loại "hoa ngãi" là hoa gì, chỉ có thể giải thích là hoa của một loại ngải dùng để yểm bùa. Loài ngải này chỉ có công dụng khi sống ở những nơi thâm sơn cùng cốc nhiều âm khí. Đó là trong các ngách đá của Hải Vân Sơn. Khi hoa của loại ngải này rơi xuống biển, loài cá có "duyên cơ" ăn vào sẽ hoá rồng.
Chuyện xa xưa chẳng biết thế nào, không xác định được là đúng hay sai. Nhưng về loài cá hoá rồng được coi là thủy quái dưới chân Hải Vân Sơn bên vịnh ngọc thì cho đến nay còn nhiều bí mật. Một trong những bí mật ấy, hiện được trưng bày trong bảo tàng điêu khắc Chăm - Đà Nẵng. Loài thủy quái này có tên Makara với biết bao những huyền thoại được thêu dệt suốt 20 cây số kéo dài từ đầu đến cuối đèo Hải Vân.
Thủy quái Makara hóa rồng với hình dạng: Mình và chân sư tử, đuôi của rắn Naga. Lòng hai bàn chân trước mở ra như tay người, hai chân sau giấu dưới bụng. Đầu Makara có bờm tóc cứng, miệng có hai răng nanh dài nhọn chìa ra ngoài, hai hàm răng nhiều chiếc nhô ra, miệng có lưỡi uốn cong lên phía trên hàm, hai tai thể hiện thành hình chiếc lá mềm mại.
Quách Hoà