Dị nhân Ba Vì ăn khỏe, làm khỏe, "truyền nhân Thánh Gióng"

Google News

Dị nhân Ba Vì kể rằng, năm 10 tuổi ông đã có thể ăn hết 10 bát cơm mà vẫn còn đói...

Về đất Đồng Thái, Ba Vì hỏi ông Lự làng Tăng Cấu thì ai cũng biết bởi ông nổi tiếng ăn nhiều và làm cũng khỏe. Khi biết chúng tôi tìm đến nhà ông Lự, một người dân gần đó nói vui: "Ông ấy được mệnh danh là Thánh Gióng đấy. Ông Lự ăn khỏe lắm, mỗi bữa ông ấy ăn thì bằng cả suất của 4 đến 5 người ăn cơ. Không chỉ có thế, ông ấy làm gì cũng khỏe, thanh niên trong làng còn thua xa, nhà có bao nhiêu ruộng, vườn, ao... một mình ông ấy làm tất, mà chỉ “loáng” cái đã xong rồi”.
Cái bụng không đáy
Tìm đến nhà "dị nhân Ba Vì" vào một buổi sáng, khi chúng tôi đến nhà thì gặp lúc ông lự vác cuốc ra vườn. Thấy có khách ông vội buông cuốc và mời khách vào nhà. Khác hẳn với những gì chúng tôi tưởng tượng ban đầu, “hiện thân của Thánh Gióng” lại có thân hình rất nhỏ bé, gầy gò, ông chỉ nặng khoảng gần 50 kg, tuy nhiên mọi cử chỉ và động tác của ông vẫn rất nhanh nhẹn, ngoại hình của ông trẻ hơn hẳn so với độ tuổi 76 của mình.
Khi chúng tôi hỏi vì đâu mà người ta gán cho ông biệt danh là “Thánh Gióng”, ông cười và bảo: “Tôi được cái ăn khỏe, một mình tôi có thể ăn được bằng sức của 4 đến 5 người cộng lại”. Ông lại cười và tiếp tục kể: “Bữa sáng tôi vừa ăn hết 1 rổ khoai luộc cộng với đĩa xôi, chừng ấy cũng chỉ lưng lửng cái bụng của tôi thôi”. Ông còn nói vui: “Nếu bây giờ có con gà luộc 2kg thì tôi vẫn đánh bay”.
Di nhan Ba Vi an khoe, lam khoe,
Mỗi bữa ông Lự đều ăn rất khỏe. Ảnh Hồng Hà 
Ngôi nhà nhỏ của ông nằm giữa mảnh vườn rộng và được ông trồng rất nhiều loại cây ăn quả. Ông nói: “Một mình tôi sở hữu một đầm nuôi cá rộng gần 1 mẫu, một cái ao rộng hơn 1 sào ngay trước nhà, và một mảnh vườn 6 sào trồng các loại cây ăn quả, cứ mùa nào là có thức ấy”. Ngoài ra ông còn nuôi khoảng hơn 100 con gà (vừa cho đẻ trứng, vừa để thịt) và 2 con lợn sữa… Tất cả chỉ để phục vụ nhu cầu ăn uống của ông.
Ông hào hứng kể, có lần ông sang nhà bạn chơi, đúng lúc bạn ông đang thịt lợn, bạn ông thách ông ăn hết 2 chiếc chân giò. Ông không ngần ngại nhận lời, sau khi luộc chín, ông ngồi ăn chỉ một loáng đã hết sạch. Hay có lần ông đi đám cưới, một mình ông đã ăn hết 6 bát cơm, uống hết nửa chai rượu, mọi người lại thách ông ăn hết đĩa xôi to, ông lấy hẳn 2 đĩa và ăn hết trước sự ngạc nhiên của tất cả mọi người.
Theo lời ông Lự, ông đã thích ăn món nào thì ông chỉ tập trung ăn một món, khi nào chán thì mới chuyển sang món khác. Ông kể, 2 năm trước ông nuôi 1 đàn vịt đẻ trứng, rồi hằng ngày, cứ đến bữa ông lại luộc một nồi trứng đầy, rồi cứ bóc mỗi quả trứng, chấm thêm ít muối là vừa một miếng ăn. Ăn trứng mãi cũng chán, ông liền bắt vịt thịt ăn dần, chẳng mấy mà đàn vịt cũng hết sạch.
Trong đầm ông thả nhiều loại cá, ông kể: “Tôi chẳng bán mà cứ để ăn dần, mỗi bữa tôi ăn hết cả con. Có lần bắt lên được con cá trắm 2 cân, tôi chỉ ngồi ăn một lúc là hết sạch”.
Khi chúng tôi thắc mắc rằng ông ăn nhiều như vậy thì trước đây ông có hay phải chịu đói không, ông liền kể, trước đây, gia đình ông cũng khá giả nên ông không phải chịu cảnh đói khát bao giờ. Ông nhớ lại, hồi còn đi học, mỗi tháng ông được gia đình cấp cho 100 đồng Đông Dương (ở thời điểm đó, với số tiền đó cũng đủ để một gia đình sinh sống thoải mái). Thế nhưng mặc dù chỉ chi tiêu vào việc ăn uống hằng ngày nhưng ông vẫn thấy đói. Vì vậy, ngoài tiền gia đình chu cấp, ông còn đèo thêm 60kg gạo để ăn hàng tháng. Vậy mà nhiều khi, chỉ hết nửa tháng ông đã phải đạp xe về nhà xin thêm.
Di nhan Ba Vi an khoe, lam khoe,
 Dị nhân Ba Vì đi quyền. Ảnh Hồng Hà
Nhấp ngụm nước trà, ông kể tiếp, học hết lớp 9, ông Lự nghỉ học vào chiến trường. Hành trang trong ba lô ngày đó ông chỉ mang 2 bộ quần áo, đồ dùng cá nhân hầu như không mang gì để thồ được nhiều gạo. Những năm tháng chiến đấu trong quân ngũ, ngoài việc chiến đấu với kẻ thù thì việc chiến đấu với cái bụng đói cũng gian khổ không kém.
Ngày đó, mỗi người chỉ được tiêu chuẩn 13 kg gạo, nhưng riêng ông được 21 kg. Ấy vậy nhưng ông vẫn thường xuyên bị đói. Mỗi lúc đói, ông lại rủ đồng đội lên rừng đào củ dong, hái rau rừng về nấu lên để ăn thêm. Ông kể có lần đói quá, ông bèn lên rừng hái rau tầu bay về nấu canh, nấu xong, một mình ông ăn hết cả một xoong đầy.
Vì nổi tiếng ăn khỏe, có lần trung đội trưởng thách ông ăn hết 3 quả dừa, ông còn bắt trung đội trưởng cho xem ví xem có đủ tiền cho ông ăn hay không. Sau đó, chỉ một loáng ông đã ăn hết 3 quả dừa, uống cạn cả nước, nhưng vẫn chưa đã, ông uống tiếp thêm 10 chai bia Trúc Bạch nữa. Cuối cùng trung đội trưởng phải chào thua.
Sức khỏe vô địch và một tinh thần minh mẫn đáng khâm phục
Người đàn ông được mệnh danh là "truyền nhân Thánh Gióng" có vóc dáng nhỏ bé, chỉ khoảng 50kg, lúc béo nhất cũng chỉ được 53 – 54kg nhưng bên trong lại ẩn chứa một sức mạnh vô cùng dẻo dai, làm việc gấp cả chục thanh niên trai tráng. Ông kể, từ nhỏ ông đã ăn rất khỏe: “Tôi khỏe từ trong bụng mẹ, khi mang bầu tôi, mẹ tôi cũng rất khỏe mạnh, không ốm đau gì và vẫn làm mọi việc bình thường. Thế rồi cứ lớn đến đâu, tôi ăn khỏe đến đó, mẹ cho ăn cái gì cũng ăn hết, và không hề ốm đau bệnh tật gì cả. Năm tôi 10 tuổi tôi đã ăn được mỗi bữa hơn 10 bát cơm”.
Ông dẫn chúng tôi vào góc nhà, chỉ cho xem bộ tượng tam đa bằng gỗ lim và kể: “Bộ tượng này tôi mua ở hội chợ cách đây 3 năm, nó nặng 75kg, thế mà một mình tôi vác bộ 2km về”. Chúng tôi bèn vào bê thử, nhưng cả 2 người khệ nệ khênh cũng chỉ đi được vài bước là đã mệt lử.
Tiếp tục, ông vỗ tay vào cái bàn bằng gỗ xà cừ dày bịch đang ngồi và kể về nguồn gốc của nó: “Năm 1996, người ta mở rộng quốc lộ 32, phải chặt một cây xà cừ lớn rồi cưa thành 4 khúc, mỗi khúc đường kính khoảng 55cm, dài khoảng 2m. Tôi thấy 3 người khiêng mới được một khúc nên vào giúp một tay, thấy vậy ông phụ trách thi công nói với tôi nếu ông vác được khúc gỗ này về nhà (quãng đường khoảng hơn 2km) mà không để rơi thì tôi cho ông, tôi nhờ 2 người khác đặt thăng bằng trên vai rồi cứ đi băng băng về nhà. Vậy là tôi có gỗ làm cái bàn này”.
Ông kể tiếp, toàn bộ vườn tược, ruộng lúa và ao đầm đều một tay ông làm. Ông chỉ tay ra cái ao ngay trước nhà rộng khoảng gần 1 sào, sâu hơn 2m và nói: “Cái ao này tôi tự đào, không hề nhờ ai giúp cả, một mình tôi làm trong 1 tuần là xong”. Ông tiếp tục chỉ tay về phía góc vườn có xếp một đống củi đã chẻ cẩn thận: “Chục khối củi kia cũng một mình tôi bổ đấy, chỉ mất có 2 ngày là đã xong hết”.
Di nhan Ba Vi an khoe, lam khoe,
Dù đã ngót 80 nhưng dị nhân vẫn rất dẻo dai, khỏe mạnh. Ảnh Hồng Hà
Ông tiếp tục kể, ngày trước thu hoạch lúa không có máy móc như bây giờ, toàn phải tự đập bằng tay: “Tối hôm đó tôi bảo vợ nấu cho một nồi cháo gà (con gà nặng 1kg) sau khi một mình ăn hết nồi cháo, tôi ngồi đập lúa, cứ thế đập cho đến sáng thì được 25 thúng thóc mà không hề thấy mệt”.
Không chỉ ăn khỏe, làm khỏe, ông còn có khả năng chịu đau rất tốt. Ông kể, thời còn là anh lính biên phòng, đại đội trinh sát Độc Lập 44 (thuộc Quân khu Tây Bắc), trong lúc chiến đấu tại chiến trường Nậm Thà (Lào), ông bị một mảnh đạn cối găm vào đùi. Mọi người định mang ông đi viện thì ông ngăn lại rồi tự lấy kéo gắp mảnh đạn cối ra, lấy kim khâu vết thương lại rồi lấy thuốc lào rịt vào vết thương và lại tiếp tục chiến đấu.
Hay một lần khác, trong lúc đang chiến đấu thì đơn vị ông bị ném bom ở cự ly gần, rất nhiều đồng đội của ông bị hi sinh, nhưng ông chỉ bị chảy máu tai, sau đó ông bị mất khả năng nghe trong một tuần rồi lại khỏe mạnh bình thường và tiếp tục chiến đấu.
Trong quân ngũ, ông cũng thường hay vác đỡ gạo cho đồng đội, có nhiều hôm ông vác trên lưng 60kg gạo mà vẫn đi hơn 30 km đường rừng gập ghềnh...
Hiện nay, dù tuổi đã cao nhưng ông vẫn giữ thói quen luyện tập thể dục vào buổi sáng, hằng ngày, ông dậy từ 5 giờ sáng, dành 30 phút để tập võ, 20 phút để đi quyền, 40 phút dành để quét nhà. Và dù trời nắng hay mưa, đông hay hè ông đều tắm nước lạnh. Nói rồi ông giơ tay bảo tôi bắt tay ông để kiểm nghiệm sự rắn chắc, quả thực ông có đôi tay cứng như một gọng kìm, khi ông gồng tay lên, từng đường gân, thớ thịt cuồn cuộn. Cơ thể người đàn ông thất thập này chỉ toàn có xương và những bó cơ chắc như những sợi chão...
Ông chia sẻ thêm, ông khỏe mạnh là nhờ tinh thần luôn thoải mái, luôn luôn lạc quan trong cuộc sống, tự biết cách tìm những niềm vui bình dị của làng quê.
Trạm trưởng Trạm Y tế xã Đồng Thái, bác sĩ Niên cho biết: "Cho tới nay chưa bao giờ tôi thấy ông Lự ra khám bệnh ở Trạm Y tế. Việc ông ấy ăn được nhiều như vậy từ xưa đến nay mà không xảy ra vấn đề gì, chứng tỏ cơ thể vẫn khỏe mạnh có thể dung nạp được. Nhưng ăn nhiều như vậy mà cơ thể vẫn gầy gò, không béo thì có thể do ông Lự làm việc nhiều hoặc cơ thể không hấp thụ chất dinh dưỡng".
Theo Hồng Hà/ Người Đưa Tin