Một lúc ăn hết 700 cái bánh cuốn
Đến đầu xã Cẩm Tú, hỏi về thôn Cẩm Hòa, một người đàn ông đi gặt lúa về đã hào hứng: “Chắc các anh hỏi về nhà ông Mền, người ăn khỏe nhất vùng này à?”. Thấy chúng tôi ngạc nhiên, người đàn ông này dừng xe: “Thì ở cái thôn đó có gì mà người lạ tìm đến đâu. Bao nhiêu năm qua, tôi thấy nhiều người hiếu kỳ, tò mò vì sự ăn uống của ông ấy mà tìm đến đây thôi”.
|
Dù mỗi bữa ăn cả nồi cơm đầy nhưng ông Mền vẫn mang dáng dấp gầy gò. Ảnh: P.B. |
Giữa cái nắng miền Trung chói chang như chảo lửa, chúng tôi đến đúng vào lúc ông Mền đang ngồi ăn cơm cùng hai đứa con, nhìn lướt qua mâm cơm chỉ có độc vài miếng cá kho cùng vài quả cà muối đã ngả màu đen sì. Sau bữa cơm vội mà ông bảo “hôm nào ăn cũng không no”, trước mắt tôi là người đàn ông mang khuôn mặt gầy gò, lạnh lùng. Ở cái tuổi 57, nhưng nhìn ông như đã gần… 70. Có lẽ cuộc sống khắc khổ, “chỉ có đói mà không no” nên trông ông già cỗi, kham khổ như thế chăng? “Chuyện ăn nhiều của tôi có mà kể cả tháng không hết, nhưng giờ vừa con nhỏ và chẳng làm thêm được gì nhiều tiền nên cuộc sống cũng vất vả, chật vật lắm”, ông bắt đầu câu chuyện khi chúng tôi đề cập đến khả năng ăn khỏe của ông.
Nhìn ông Mền, trái với cái tiếng “ăn như Trư Bát Giới” thì ông chẳng có gì đặc biệt ngoài cái dáng gầy, dong dỏng cao và đen đúa. Kể về câu chuyện trở thành người đàn ông “đặc biệt” với khả năng ăn nhiều nhất làng của mình, ông Mền bảo, chuyện xảy ra từ cuối những năm 80. Thời điểm ấy ông mới lấy vợ. Cuộc sống gia đình khó khăn, ông phải đi làm thuê khắp vùng. “Hôm đó trời mưa to nên tôi nghỉ ở nhà, khi ấy nhà bà chủ mà tôi làm thuê có làm nghề tráng bánh cuốn. Từ nhỏ có được biết hương vị bánh cuốn thế nào đâu, vì thế ngồi xem bà chủ tráng bánh mà nước miếng cứ ứa ra. Thèm quá, tôi bảo bà ấy bán cho một ít và ngồi ăn, không ngờ cả cái thúng 700 cái tôi ăn sạch. Bà chủ nhìn tôi phát hoảng bảo, cái thúng ấy phải mang bán cho cả làng ăn. Hôm đó tôi phải trả khoản tiền của 10 ngày công”.
Không chỉ có “giai thoại” nổi tiếng về việc một mình ăn bằng “cả làng” ấy, ông Mền còn hóm hỉnh chia sẻ rằng, thời làm ở bãi vàng nhiều người không tin nên đã thách ông. Cuối cùng ông ăn một lúc 200 cái bánh cuốn và 40 gói kẹo lạc, cùng với hai bát nước. Thấy khả năng ăn uống của ông Mền có vẻ dị thường, mấy người cùng làm tại bãi vàng còn thách ông Mền ăn thêm một nồi cơm, ước khoảng 4 bò gạo nấu chín. “Vậy mà tôi ăn chả chừa tí nào. Đến lúc ấy, mọi người mới tin vào khả năng của tôi”, ông cười hóm hỉnh.
Ba vợ đều bỏ đi
Ăn nhiều, với ông Mền vừa khổ, vừa… bất hạnh. Bởi vì “cái sự ăn nhiều” mà ông Mền mất… đến ba đời vợ, còn hoàn cảnh gia đình thì vô cùng nghèo khó.
Nhìn vào hai đứa con lem luốc và căn nhà chả có gì ngoài cái giường và mấy tấm chăn màn đen úa, giọng ông Mền như chùng xuống: “Tôi là con lớn trong một gia đình có 4 anh em trai. Cuộc sống gia đình khó khăn ngay từ khi tôi mới chào đời, thậm chí đến khi lớn lên, manh quần còn không có đủ để mặc. Khi đến lớp, 4 anh em còn phải thay nhau mặc chung một cái quần. Cũng vì nghèo nên khi học lớp 2, mặt chữ còn chưa thuộc hết tôi đã phải nghỉ học để phụ giúp cha mẹ nuôi các em. Thế rồi năm 13 tuổi, tôi đã theo các anh chị trong làng đi lên các bãi vàng ở vùng Lang Chánh, Quan Hóa để tìm kiếm vận may. Thế nhưng may mắn chẳng thấy đâu, đổi lại tôi trở thành người đàn ông ăn nhiều nhất làng như hiện nay”.
Sau nhiều năm lăn lộn với cuộc sống nghèo khổ, năm 1986 ông may mắn gặp được người phụ nữ chấp nhận hoàn cảnh cùng ông nên duyên vợ chồng. Thế nhưng, sau khi có với nhau một người con trai, vì không chịu được cảnh nghèo đói và cái ăn như “thùng không đáy” của ông nên đã bỏ đi. Gần 10 năm sống trong cảnh gà trống nuôi con, đến năm 1998, thấy thương hoàn cảnh của ông suốt ngày lụi hụi với ruộng vườn, một người trong làng mới mai mối cho ông với một người phụ nữ ở xã bên. Nhưng chung sống được một thời gian, có với nhau hai mặt con, người vợ ấy lại bỏ cha con ông mà đi. Đến năm 2007, ông lại bén duyên với người vợ thứ ba là bà Hoàng Thị N, những tưởng cuộc đời “quá tam, ba bận” sẽ mỉm cười với ông thì một lần nữa, ông lại sống cảnh gà trống nuôi con vì bà N cũng không chịu được cái khổ, cái “sự ăn” của ông.
Sống trong nghèo đói, thiếu thốn, những đứa con của ông cũng dần dần phải từ bỏ ước mơ đèn sách, từ bỏ cơm no áo ấm và rồi phải đối diện với cái đói, cái rét. Ông Mền bùi ngùi: “Một mình tôi làm quần quật cũng chả đủ nuôi 4 đứa con, ăn còn không được no huống chi cho chúng nó đến trường. Hôm rồi vì không có tiền cho cháu thứ 3 đóng học, tôi lỡ nói nặng lời mà thằng bé nhảy xuống giếng tự tử. Cũng may là được mọi người cứu giúp. Bây giờ tuổi cũng đã nhiều rồi, tôi cũng chỉ biết cố gắng kiếm được miếng ăn cho các con, còn phần học hành thôi đành chịu”.
Theo ĐSPL