Truyền tích ao của vị vua cuối cùng
Năm 2006, lần đầu tiên tới Đà Lạt, thông qua một tài liệu, chúng tôi được biết tại thành phố này hiện vẫn còn một cái ao mà vị vua cuối cùng của triều đại phong kiến Việt Nam cho đào nuôi cá vui thú hưởng ngoại vào dịp cuối tuần. Người dân địa phương gọi là ao vua (ngự trì) Bảo Đại. Sau nhiều lần đi tìm ao vua bất thành vì ngay đến cả những người lớn tuổi từng sống lâu năm ở Đà Lạt và nhà quản lý văn hóa tại địa phương cũng “mù mờ” về thông tin này, chúng tôi đành tạm gác lại dự định đi tìm ao vua.
Nhiều năm qua, trao đổi với một số người lớn tuổi, từng sống lâu năm tại Đà Lạt, thông tin mà chúng tôi có được là những câu trả lời “có nghe nói”, “đó là nơi câu cá, thưởng ngoại của nhà vua cùng gia tộc”. Không ai xác định được địa điểm tọa lạc của ao vua Bảo Đại.
|
Một góc ao vua Bảo Đại. |
Rồi một ngày tình cờ lạc lối vào khu vực Hố Tôm tại phường 10, thành phố Đà Lạt, chúng tôi đã bất ngờ được mục sở thị ao vua Bảo Đại. Ao cách dinh I không xa, chỉ khoảng 2km đường chim bay. Không như những gì trước đó chúng tôi mường tượng, ao Bảo Đại hoang tàn, xuống cấp, và ngày nay nó chỉ là một vũng nước không hơn, không kém.
Bà Nguyễn Thị Nga, một người dân sinh sống đã lâu ở khu vực này nhìn ao vua chép miệng buồn rầu: “Trước đây ao rất đẹp, sạch sẽ, nước quanh năm trong vắt nhìn xuyên đến tận đáy. Do không được quản lý, tôn tạo nên ao ngày càng xuống cấp đến mức tệ hại thế này”.
Một số người lớn tuổi sống tại địa phương kể lại rằng, thú vui của nhà vua khi còn sống ở Đà Lạt là cuối tuần cưỡi ngựa đi săn. Trong một lần đang cưỡi trên lưng ngựa đuổi theo một con thú nhỏ tới lùm cây rậm lưng chừng đồi thì mất dấu vết, con thú trốn biệt đi đâu không rõ nhưng hiện ra trước mắt nhà vua mà một dòng nước nhỏ trong vắt phun lên từ lòng đất.
|
Một vila kề ao vua mang tên hồ Bảo Đại. |
Cho rằng đây là nơi “long mạch bắt đầu” sẽ đem lại nhiều niềm may mắn cho hoàng tộc, Bảo Đại quyết định xuống ngựa chỉ đạo người hầu thị sát một vòng. Ngay lập tức một số quan Bốc phệ (chuyên coi phong thủy) được triệu tập đến dòng nước nhỏ này để xem xét rồi kéo tới một địa điểm hội ý gì đó với nhà vua. Binh lính, người hầu không ai biết họ đã bàn bạc với nhau điều gì về dòng “nước lạ” mới phát hiện này.
Tuy nhiên, ngày hôm sau, quân lính, người hầu đã được huy động đến hiện trường để đào vùng “cao điểm long mạch” thành một cái ao. Ao đào xong, nước từ lòng đất tuôn ra trong vắt, mát rượi, người dân địa phương thường ra ao này múc nước về sinh hoạt.
Kỳ diệu quanh ao vua
Theo người dân trong vùng, trước đây khu vực ao vua có nhiều bờ kè đá xanh, nhà nghỉ ngơi dành riêng cho vua, phòng nghỉ của tùy tùng, được xây hai tầng với 10 phòng. Vào những ngày cuối tuần hoặc lúc đi săn về, Bảo Đại thường ghé qua ao để thư giãn thưởng ngoại dưỡng sức. Thế nhưng, sự thay đổi của lịch sử cũng đã thay đổi toàn bộ số phận ao vua. Không còn người chăm sóc, ao vua ngày càng trở nên hoang tàn, xuống cấp giữa lòng thành phố.
Nằm ở “cao điểm long mạch”, ao vua Bảo Đại bắt nguồn từ một dòng suối nhỏ quanh năm nước chảy ra từ lòng đất. Do vậy, dù ngày nay ao vua đã hoang tàn, nhiều giá trị văn hóa, lịch sử đã bị hao mòn nhưng dòng nước vẫn trong vắt, mát rượi.
|
Nhà cửa mọc san sát bên ao. |
Do không được quản lý, tôn tạo nên ao đã bị sạt lở, đất đá, rác thải che lấp hết gần 2/3 ao. Trước đây từ trong dòng nước của ao, Bảo Đại đã cho xây dựng thêm một đầu cọp phun nước, song nghe đâu người dân đã đập bỏ đi rồi. Nhà nghỉ của vua cũng bị dân chặt thông làm đổ mất tầng 2 của toà nhà, phần còn lại bị dân đập phá để lấy sắt bán phế liệu, lấy gạch xây nhà.
Những năm gần đây, cư dân phường rộ lên thông tin về việc xây dựng nhà cửa quanh ao Bảo Đại làm ăn sẽ phát lên trông thấy. Do đó, nhiều nhà cửa san sát mọc lên quanh ao, thậm chí lấn ao. Đất đai cũng được rao bán nhộn nhịp hơn. Một phụ nữ rao bán đất gần khu vực ao vua giới thiệu, do đất nằm trong vùng phong thủy tốt nên những gia đình sống tại khu vực này thường rất ít bệnh tật, gia đình thuận hòa, làm ăn thuận tiện. Chưa biết thực hư ra sao, nhưng quanh ao vua dẫu lối vào còn gồ ghề sỏi đất, đường đi khó khăn so với nhiều nơi khác nhưng nhà nhà vẫn mọc lên san sát, cây cối xanh tươi, trù phú.
Cụ Nguyễn Văn Nam, một người dân địa phương tâm sự, ao Bảo Đại rất quý bởi nó đã là một phần lịch sử của Đà Lạt, của vị vua cuối cùng Việt Nam. Bảo Đại hẳn đã xác định được vị trí đắc địa, lý tưởng của vùng đất này. Bởi vậy, không có lý do gì khiến chúng ta có thể từ bỏ một cái ao như thế.
Khắc Lịch