Những hoạt động ngoại giao nhộn nhịp
Ngày 30/1/1950 Việt Nam và Liên Bang Nga khi đó là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết Liên bang Nga chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Ngày 16/6/1994, Việt Nam – Liên bang Nga ký hiệp ước hữu nghị, đặt nền móng cho quan hệ hợp tác trong quan hệ phát triển mới.
Tháng 3/2001, hai nước thiết lập đối tác chiến lược nhân chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Putin sang Việt Nam. Tháng 7/2012, hai quốc gia nâng cấp quan hệ lên thành đối tác chiến lược toàn diện nhân chuyến thăm chính thức Liên bang Nga của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.
Tháng 11/2012, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev tới Việt Nam, thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện trên nhiều lĩnh vực.
|
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (trái) và Tổng thống Nga Putin tuyên bố nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt-Nga |
Tháng 5/2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã có chuyến thăm thứ ba tới Nga (trước đó là vào 2007 và 2009) thắt chặt hơn nữa mối giao tình Việt-Nga. Sắp tới đây, Việt Nam cũng sẽ lần thứ ba đón chuyến thăm chính thức của Tổng thống Putin và là trạm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du châu Á kể từ khi ông tái đắc cử tổng thống.
Mức độ dày đặc của các chuyến thăm cấp cao giữa hai nước trong những năm trở lại đây không chỉ cho thấy chính sách hướng Đông mạnh mẽ của Moscow mà cả sự chủ động của Hà Nội.
Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Nga Putin được đánh giá là sự kiện đối ngoại lớn của điện Kremlin trong năm 2013. Nhiều ngày trước khi diễn ra chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam, truyền thông Nga đã dành một thời lượng rất lớn để tổng kết về mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và LB Nga trong thời gian qua, đặc biệt là triển vọng phát triển quan hệ giữa hai nước trong thời gian tới.
Trong khuôn khổ chuyến thăm này, Nga–Việt dự kiến ký kết nhiều văn kiện hợp tác quan trọng, đặc biệt là thúc đẩy triển khai thực hiện Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận với tổng kinh phí 8 tỷ USD; thành lập Trung tâm Khoa học Công nghệ hạt nhân; hợp tác về dầu khí, ngân hàng...
Hiện nay, trong chiến lược chú trong châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt là khu vực châu Á, Việt Nam đứng thứ 3 trong danh sách ưu tiên của Nga, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ.
Những thành tựu nổi bật
Hợp tác quốc phòng là lĩnh vực truyền thống trong quan hệ Việt–Nga và phát triển đặc biệt hiệu quả. Nga là đối tác chính trong việc cung cấp vũ khí phòng thủ cho Việt Nam.
Ngoài các tàu ngầm Kilo, lực lượng quốc phòng Việt Nam còn mua của Nga những hệ thống phòng thủ tên lửa S-300, tàu hộ vệ tên lửa, máy bay SU-30…. Việc mua tàu ngầm Kilo đối với một quốc gia có bờ biển dài như Việt Nam, ngoài các chiến hạm, máy bay, tên lửa và các phương tiện hiện đại khác, chắc chắn sẽ nâng tầm vị thế và đóng góp của Việt Nam cho việc giữ gìn hòa bình, ổn định, an ninh và hợp tác ở Biển Đông.
|
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (giữa) thăm tàu ngầm lớp Kilo mang tên Hà Nội trong chuyến thăm Nga tháng 5/2013 |
Hai bên duy trì hoạt động hiệu quả cơ chế Đối thoại chiến lược Ngoại giao – Quốc phòng- An ninh thường niên; tham vấn chính trị định kỳ giữa 2 Bộ Ngoại giao; phối hợp chặt và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế và khu vực.
Điểm sáng nổi bật nhất trong quan hệ Việt-Nga thời gian qua phải kể đến các hợp tác về kinh tế, thương mại và đầu tư bởi trong ba năm qua, Nga là một trong những thị trường tăng trưởng kim ngạch nhanh nhất của Việt Nam. Hai nước đã công nhận nhau có nền kinh tế thị trường từ năm 2007 và duy trì liên tục cơ chế Uy bản liên chính phủ về hợp tác kinh tế, thương mại, khoa học và hợp tác kỹ thuật. Giữa những năm 1990, thương mại hai chiều chỉ đạt khoảng 400 triệu USD nhưng ba năm trở lại đây đã có những bước tiến nhảy vọt. Năm 2010, con số này đạt 1,82 tỉ đô la Mỹ, đặc biết xuất khẩu của Việt Nam sang Nga đạt 829 triệu đô và nhập khẩu đạt 999 triệu đô.
Tổng kim ngạch thương mại Nga-Việt năm 2013 dự kiến đạt khoảng 4 tỷ đô la Mỹ, tăng gấp 5 lần so với 10 năm trước. Trong 9 tháng đầu năm 2013 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nga đạt 1,409 tỷ USD, trong đó riêng mặt hàng điện thoại và linh kiện đạt 597 triệu USD (chiếm 42,3% tổng kim ngạch xuất khẩu), tiếp đến là máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, hàng dệt may đạt 98 triệu USD, và các mặt hàng khác như thủy sản, cà phê, giày dép. Nga vẫn duy trì các nhóm hàng xuất khẩu truyền thống sang Việt Nam như: sản phẩm dầu mỏ, kim loại, phân bón, hóa chất và máy móc.
|
Điện thoại và linh kiện điện tử đang là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường Nga |
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện có 93 dự án đầu tư trực tiếp của Nga tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký gần 2 tỷ USD, xếp thứ 19 trong số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Các dự án của Nga tập trung chủ yếu vào ngành dầu khí, công nghiệp nặng, công nghiệp nhẹ, giao thông vận tải, bưu điện, nuôi trồng và đánh bắt thủy sản. Trong khi đó, từ năm 2010, Việt Nam cũng có 17 dự án đầu tư tại Nga với tổng số vốn 2,4 tỷ USD và lên đến khoảng 4 tỷ đô la Mỹ nếu tính cả các dự án theo các Hiệp định Liên chính phủ và đầu tư gián tiếp.
Một sáng đáng chú ý nữa là đầu năm này, Việt Nam đã xúc tiến đàm phán FTA với Liên minh Hải quan giữa Nga, Belarus và Kazakhstan. Hiệp định này được hứa hẹn sẽ hoàn tất trong 2 năm tới đưa kim ngạch hai chiều giữa hai nước đạt 7 tỉ USD trong năm 2015 và 10 tỉ đô trong năm 2020.
Mặc dù vậy, có thể thấy con số 4 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều giữa Việt Nam và Nga vẫn là con số quá nhỏ so thị trường 130 triệu dân của Nga và 90 triệu dân của Việt Nam. Chưa kể, hai nước có mối quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời không chỉ về chính trị mà cả kinh tế, hợp tác, phát triển. Các chuyên gia và các nhà phân tích đều có chung nhận định rằng, quan hệ hợp tác toàn diện Việt – Nga vẫn chưa thực sự phát triển tương xứng với tiềm năng vốn có những hứa hẹn nhiều những bước nhảy vọt trong thời gian tới.
Bình Nguyên