Tướng hải quân Mỹ nói về việc Trung Quốc chiếm Biển Đông

Google News

Theo ông Locklear, các hành động của TQ có thể  dẫn tới đưa radar tầm xa, tên lửa iện đại, đặt nền tảng thiết lập vùng nhận diện phòng không trên Biển Đông.

Việc Trung Quốc tăng tốc Biển Đông qua hành động khai hoang và xây dựng trái phép trên nhiều hòn đảo đang xảy ra tranh chấp chủ quyền, không chỉ khiến các nước trong khu vực mà cả Mỹ vô cùng tức giận.
Want China Times cho hay trong phiên điều trần trước quốc hội Mỹ, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ, Đô đốc Samuel Locklear nhấn mạnh Trung Quốc đang đồng loạt tiến hành khai hoang và xây dựng trái phép tại 8 tiền đồn trên Biển Đông. Trong đó, hoạt động khai hoang diện rộng được Trung Quốc triển khai tại quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam.
Tuong hai quan My noi ve viec Trung Quoc chiem Bien Dong
 Các tàu chiến Trung Quốc tham gia một cuộc tập trận trên Biển Đông hồi năm 2013. 
"Hành động này có thể dẫn tới việc Trung Quốc đưa các radar tầm xa, hệ thống tên lửa quân sự hiện đại và đặt nền tảng để thiết lập vùng nhận diện phòng không trên Biển Đông”, ông Locklear nói.
Trước đó, hồi tháng 11/2013, việc Bắc Kinh đơn phương tuyên bố thiết lập "vùng nhận diện phòng không" trên biển Hoa Đông bao trùm không phận quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang xảy ra tranh chấp chủ quyền giữa Nhật Bản và Trung Quốc, đã vấp phải sự phản đối và chỉ trích mạnh mẽ từ phía cộng đồng quốc tế và các nước trong khu vực.
Ngay cả, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng từng lên tiếng chỉ trích Trung Quốc đang sử dụng “cơ bắp để bắt nạt các quốc gia láng giềng nhỏ bé cùng tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông”.
Còn Chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Harry Harris cho rằng Trung Quốc đang xây “vạn lý trường thành” trên Biển Đông. Ông Harris nhấn mạnh hành động này sẽ chỉ làm gia tăng tình hình căng thẳng trong khu vực và khả năng dẫn tới những hiểu lầm không đáng có.
Biện minh cho hành động đơn phương sai trái, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Hoa Xuân Oánh đã ngang nhiên cho rằng việc Trung Quốc xây dựng các công trình trên Biển Đông chỉ nhằm mục đích cải thiện điều kiện làm việc và sinh sống cho những cư dân sống ở các đảo này. Và những lời chỉ trích từ các nước là “không công bằng và chỉ suy diễn”.
Thậm chí, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ, Cui Tiankai còn "già mồm" cho hay các công trình này sẽ giúp duy trì an ninh và an toàn hàng hải trên Biển Đông. Ông này cũng không quên lên tiếng chỉ trích Mỹ không có quyền tiến hành các cuộc “tuần tra tầm gần và thường xuyên” trên vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc.
Tuy nhiên, thông qua chiến lược an ninh quốc gia, tất cả những hành động trên của Trung Quốc đều chứng minh chúng không nằm ngoài mục đích thiết lập "vùng nhận diện phòng không" trên Biển Đông.
Gần đây, Trung Quốc còn khởi xướng một kế hoạch mang tên “Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21” bao trùm cả một vành đai rộng lớn từ tỉnh Phúc Kiến tới Biển Đông kéo dài tới Ấn Độ và châu Âu và cả khu vực Nam Thái Bình Dương.
Trước đó, Trung Quốc cũng đã cho xây dựng trung tâm phóng vệ tinh Văn Xương và một hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu mang tên Bắc Đẩu tại khu vực tỉnh Hải Nam cũng như xây dựng các tàu sân bay và căn cứ tàu ngầm tới bảo vệ lợi ích của riêng mình tại khu vực Biển Đông, Nam Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
Nhưng trên hết, khu vực Biển Đông vẫn là tuyến đường biển và hàng không quan trọng bậc nhất bởi hơn một nửa hoạt động thương mại trên thế giới đi qua tuyến đường này. Do đó, Biển Đông sẽ đóng vai trò chủ chốt trong kế hoạch “Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21” mà Trung Quốc khởi xướng. Ngoài ra, Biển Đông còn có trữ lượng khoáng chất và nguồn cá vô cùng dồi dào, chưa được khai thác.
Theo Minh Thu/Infonet