Theo TS Lê Viết Khuyến, nếu để các trường có quyền tự phong hàm giáo sư, phó giáo sư (GS, PGS) thì rất có thể sẽ hạn chế được chuyện tiêu cực trong phong hàm, vì chỉ có nhà trường mới hiểu rõ nhất trình độ cán bộ của mình. Hơn nữa, GS, PGS không phải là cái mác gắn suốt đời, một người ngừng nghiên cứu thì không được gọi là GS, PGS nữa. Chứ như hiện nay, nhiều khi bỏ nghiên cứu đi buôn cũng xưng là GS thì buồn cười!
Trường không tự bôi bẩn mặt mình
Đại học Tôn Đức Thắng (TPHCM) vừa quyết định tự bổ nhiệm chức danh giáo sư và phó giáo sư cho những cán bộ giảng viên trong và ngoài trường có nhu cầu. Trong khi việc phong hàm GS, PGS là do Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước đảm nhiệm thì việc một trường đứng ra làm việc này đã gây nhiều tranh cãi. Liệu như thế có loạn GS, PGS?
Chuyện này xét theo hai góc độ. Theo tư duy truyền thống, khi vai trò trong giáo dục tập trung nhiều ở bộ chủ quản thì mới đặt ra các chức danh lớn như GS, PGS là của nhà Nước, đều do nhà Nước phong. Nhà nước có thể điều động từ trường này sang trường khác, quản lý chung. Xu hướng mới hiện nay với những thay đổi của thực tế với nhiều loại hình trường khác nhau, các trường có sự phân tầng theo mục tiêu khác nhau thì phải có nhiều loại GS, PGS. Với tinh thần đó, GS, PGS phải gắn liền với trường, đó cũng là xu hướng chung của thế giới.
Như người ta thường gọi, GS của đại học A, PGS của đại học B?
Đúng thế, đồng thời những đãi ngộ mà các chức danh GS, PGS được hưởng là do trường quy định chứ không dùng ngân sách nhà nước đãi ngộ. Tôi ủng hộ xu hướng này. Ta không nên duy trì cách nhìn nhận nhiều năm đã cũ. Khi tôi còn làm ở Bộ GD&ĐT thì vấn đề này đã đặt ra nhiều rồi chứ không phải là vấn đề mới. Trước đây việc phong hàm hoàn toàn do hội đồng chức danh, không có vai trò của nhà trường. Sau này có sửa lại là hội đồng chức danh xét duyệt các GS, PGS có đủ tiêu chuẩn không, còn bổ nhiệm hay không là việc của trường. Nhưng có bao giờ hội đồng chức danh thông qua mà trường không thông qua đâu (cười).
Nếu giao các trường quyền chủ động thì liệu có nở rộ GS, PGS?
Các trường định ra các tiêu chuẩn của mình và tự bổ nhiệm GS, PGS của trường chứ không còn GS, PGS của Nhà nước. Cũng không lo vấn đề nở rộ GS, PGS đâu, không ai dám phong ào ào để lấy cái danh cả.
Nhưng nhìn vào một trường mà chỉ toàn là GS, PGS thì oai quá còn gì?
Nhưng nếu những người đó không có uy tín, không có đóng góp lớn thì danh tiếng nhà trường tự nhiên bị đánh tụt xuống. Uy tín nhà trường sẽ giảm. Người ta chỉ nhìn vào đội ngũ GS, PGS, số công trình khoa học là người ta đánh giá được trường. Trường không dám làm liều đâu, không ai muốn tự bôi bẩn vào mặt mình.
|
TS Lê Viết Khuyến, Hiệp hội Các trường đại học và cao đẳng Việt Nam nói về việc tự phong hàm giáo sư. |
Không có giáo sư suốt đời
Việc phong hàm GS, PGS không đơn thuần là công nhận trình độ một người mà còn như một cách tôn vinh, nên chức danh đó thường đi theo suốt đời?
Không nên duy trì điều này, không có giáo sư suốt đời. Các trường có thể phong hàm GS, PGS theo nhiệm kỳ 3 năm, 5 năm. Sau nhiệm kỳ đó, nếu người đó không có công trình đóng góp nữa thì trường không công nhận là GS, PGS nữa. Chứ như ở ta hiện nay, GS, PGS thì đến chết vẫn giữ chức danh đó. Rồi có khi không làm công tác giảng dạy, nghiên cứu ở đơn vị nào, thậm chí ra làm cho doanh nghiệp cũng vẫn là GS, PGS, đó là chuyện vô lý.
Nhưng không thể phủ nhận, chữ GS, PGS đứng trước tên một người không chỉ là công nhận trình độ mà còn được nhìn nhận là “oai” nữa?
Tôi nhớ thời tôi còn làm ở Bộ GD&ĐT, Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh đã có lần xuống nói với chúng tôi rằng, các đồng chí là những người làm công tác quản lý, các đồng chí nên để danh hiệu GS, PGS cho các trường, chứ không nên mình làm quản lý mà cứ nhận danh hiệu đó. Một số người thì không làm, nhưng cũng có khá nhiều người làm. Có người sắp nghỉ hưu rồi vẫn cố làm cho được cái học hàm đó.
Có lẽ để kéo dài thời gian công tác?
Đúng thế, có học hàm thì được kéo dài thêm 5 năm công tác nữa. Dù những người đó chẳng tham gia nghiên cứu giảng dạy ở đâu cả. Thế nên có xu hướng một số người trước khi nghỉ hưu là cố bằng được cái học hàm đó. Vấn đề là học hàm mà không gắn với trường học thì rất không nên, xu hướng chung của thế giới cũng như thế.
Việt Nam có nhiều GS, PGS, tiến sĩ, thạc sĩ quá, đến nỗi mà dư luận cũng phải đặt câu hỏi rằng nhiều thế để làm gì. Theo ông thì học hàm dùng để làm gì?
Chúng ta có kỳ vọng các trường phải có số lượng GS, PGS đồng đều như nhau, như cách đánh giá chất lượng nhà trường, nhưng nó rất hình thức, không chính xác. Vì những GS, PGS đó có gắn liền với hoạt động của trường thôi, chỉ là cái danh thôi. Cái danh đó mang lại lợi ích cho họ hơn là nhà trường.
Nhiều loại thành tựu
Theo ông, để đảm bảo chất lượng GS, PGS thì nên làm thế nào?
Ngoài việc giao quyền tự chủ cho các trường thì Nhà nước nên đưa ra các chuẩn tối thiểu phải đạt được đối với chức danh này. Căn cứ vào đó, hội đồng từng trường sẽ xây dựng chuẩn riêng cho trường mình. Có thể chuẩn trường này cao hơn trường kia, là GS, PGS của trường này nhưng khi sang trường kia công tác lại chỉ là giảng viên bình thường, điều này rất hợp lý để đánh giá tầm vóc của từng trường. Đại học quốc gia có thể đặt chuẩn cao hơn Đại học Tôn Đức Thắng. Chuẩn đó không thấp hơn chuẩn tối thiểu là được.
Khi đó chất lượng GS, PGS có khác không?
Thực ra cái công nhận của Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước cũng không phải là toàn diện, khách quan hoàn toàn vì có nhiều lý do khác nhau. Còn trong nhà trường, việc nắm rõ hoạt động, trình độ của người được xét là cụ thể hơn. Chứ như cách làm hiện nay thì nhiều khi nó cũng giống như ban phát.
Nhưng việc phong hàm đều dựa trên người thật, việc thật, thành tựu nghiên cứu thật chứ ạ?
Thành tựu nghiên cứu có nhiều loại, nhiều cách lắm. Có khi một ông thầy hướng dẫn nghiên cứu sinh rồi điền tên mình vào công trình. Công trình có khi rất nhiều nhưng đều do người khác làm chứ không phải do ông thầy đó. Nhà trường có thể biết, chứ hội đồng lớn thì không biết.
Việc Nhà nước phong hàm GS, PGS thì “giá trị” của học hàm sẽ cao hơn?
Để làm gì chuyện đó đâu, cứ để các trường họ làm việc đó, tôi thấy có lợi hơn.
Chất lượng không phụ thuộc vào cái danh
Nhìn vào một trường, rõ ràng nếu danh sách GS, PGS nhiều chứng tỏ chất lượng nhà trường cao?
Đó là quan niệm cũ rồi và phải thay đổi. Như tôi nói, học hàm đó không tồn tại vĩnh viễn. Các trường đại học lớn trên thế giới đều áp dụng cách gọi là giáo sư của trường này trường kia. Cứ mỗi nhiệm kỳ lại công nhận lại chứ không có chuyện giáo sư suốt đời.
Giả sử tôi có công trình nghiên cứu vĩ đại mà được phong hàm thì cái danh đó phải theo tôi cả đời chứ?
Công trình đó của cô được khen thưởng và cô đã nhận và đương nhiên giải thưởng gắn cả đời. Còn đã là GS, PGS phải gắn liền với đóng góp cho nhà trường, cho khoa học. Không còn đóng góp nữa thì không còn là GS, PGS nữa.
Khi đó sẽ minh bạch được việc người ta sử dụng cái danh để làm lợi?
Đúng là như thế chứ còn gì nữa! Sẽ hạn chế được cơ chế xin cho. Hồi tôi làm việc ở Liên Xô, có những người làm việc rất tích cực nhưng không đủ chuẩn phong GS nên người ta không phong, khi ông đó chuyển sang trường đẳng cấp thấp hơn thì ông lại nghiễm nhiên là GS. Nên người ta sẽ phân biệt trình độ bằng cách ông là GS,TS của trường nào.
Xin cảm ơn ông!
Theo TS Lê Văn Út, Trưởng phòng Quản lý phát triển khoa học và công nghệ (Đại học Tôn Đức Thắng), việc phong chức danh GS, PGS chỉ là chức vụ chuyên môn ở trong trường. Hội đồng giáo sư của nhà trường đã xây dựng tiêu chí riêng, nhưng chủ yếu vẫn là dựa trên những công trình khoa học được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế.
Tô Hội (Thực hiện)