|
Phong GS, PGS nếu không được kiểm soát chặt chẽ sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đào tạo, và sinh viên sẽ là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp. Ảnh: Hồng Vĩnh. |
Xin ông nhận xét đôi nét về việc bổ nhiệm Giáo sư, Phó Giáo sư ở Việt Nam hiện nay?
Đứng về mặt quy chế, hiện nay việc phong giáo sư (GS) phó giáo sư (PGS) ở VN tốt hơn trước rất nhiều.
Trước kia, người ta quan niệm GS và PGS là học hàm và do hội đồng học hàm phong, đảm bảo mặt bằng tương đối thống nhất giữa những người được phong GS và PGS nhưng lại không đảm bảo quyền tự chủ của cơ sở. Từ khoảng năm 2007 đến nay, quy chế thay đổi, GS và PGS không phải là học hàm mà là một chức vụ và người ta gọi là chức danh, do từng cơ sở đào tạo bổ nhiệm chứ không phải do hội đồng chức danh nhà nước đảm nhiệm nữa.
Nhưng, để đảm bảo mặt bằng chung về điều kiện để phong Giáo sư, PGS, Hội đồng chức danh GS Nhà nước (HĐ CDGS NN) vẫn phải xem xét các điều kiện để công nhận GS, PGS. Cách làm đó hiện nay là tốt nhất và trong những năm qua chúng ta đã công nhận và bổ nhiệm được nhiều GS, PGS có tài năng, trong đó có nhiều người trẻ.
Tuy nhiên, mặt còn hạn chế hiện nay là, nhiều khi có tình trạng nể nang trong các hội đồng hoặc còn dựa vào các tiêu chí mang tính hình thức để phong GS, PGS. Chỉ nói riêng về quy định có “bao nhiêu bài báo, bao nhiêu cuốn sách”, tiêu chí quy định bài báo đóng góp gì cho khoa học, đóng góp cao mới được đánh giá… thực tế nhiều khi việc có bài báo được đăng chỉ là hình thức. Có nhiều người trước khi xét duyệt bổ nhiệm đã “chạy” để đăng được mấy bài báo cho đủ điều kiện.
Ông nhìn nhận sự việc trường ĐH Tôn Đức Thắng bổ nhiệm GS của trường như thế nào?
“Mở cửa là thấy GS, PGS thì thật nguy hiểm. Trường nào cũng tự phong GS thì sẽ loạn GS, chả khác nào việc loạn bằng cử nhân hiện nay-thượng vàng hạ cám, có trường đào tạo chả đủ điều kiện cũng cấp bằng cử nhân. Loạn ĐH chưa giải quyết xong lại loạn GS nữa thì chết!”.
GS Nguyễn Minh Thuyết
Trường ĐH Tôn Đức Thắng làm thế, theo tôi, là không đúng quy chế vì quy chế quy định: nhà trường được toàn quyền bổ nhiệm GS, PGS, nhưng chỉ bổ nhiệm trong số những người đã được HĐ CDGS NN công nhận là đã đủ điều kiện để được bổ nhiệm. Nếu trường muốn ghi nhận công sức, tài năng của cán bộ thì hãy đặt một chức danh khác, chứ không phải là GS hay PGS để đổ đồng với chức danh GS, PGS đang được phong tặng có quy trình, quy định nghiêm ngặt hiện nay.
|
GS Nguyễn Minh Thuyết. Ảnh: Hồng Vĩnh. |
Quan điểm này của ông có đi ngược với xu hướng đòi quyền tự chủ của ĐH không?
Tính về lâu dài, việc các trường tự phong GS, PGS là phù hợp với việc trao quyền tự chủ cho các trường. Nhưng, trong hoàn cảnh hiện nay, dư luận còn nói nhiều về việc loạn tiến sĩ, về chất lượng đào tạo, chất lượng cán bộ thì không nên thực hiện chủ trương này, đặc biệt khi trường ĐH thực hiện việc này không phải là trường tốp đầu. Nếu nhà nước định cho thí điểm thì các trường hàng đầu mới là trường nên thí điểm. Đây là một cơ sở đào tạo mới, không có ý kiến của Bộ GD&ĐT, ý kiến của HĐ CDGS NN thì không nên.
GS, PGS được công nhận hiện nay, phải thông qua 2 hội đồng cấp dưới là HĐ cơ sở và HĐ liên ngành mới được công nhận. Việc không thông qua các HĐ cấp dưới và HĐ CDGS NN và bất cần các điều kiện cần thiết mà cũng được gọi là GS, PGS sẽ gây ra một sự hỗn loạn về chức danh, càng làm nặng thêm thói háo danh của người Việt. Mở cửa là thấy GS, PGS thì thật nguy hiểm.
Trường nào cũng tự phong GS thì sẽ loạn GS, chả khác nào việc loạn bằng cử nhân hiện nay-thượng vàng hạ cám, có trường đào tạo chả đủ điều kiện cũng cấp bằng cử nhân. Loạn ĐH chưa giải quyết xong lại loạn GS nữa thì chết!
Vậy, theo ông, khi nào thì có thể trao quyền tự chủ trong việc bổ nhiệm GS&PGS?
Trong tương lai, chắc còn rất xa, 20 năm nữa, tôi nghĩ khi thói háo danh của xã hội mình giảm đi, trình độ cán bộ tăng lên, chất lượng các cơ sở giáo dục trong toàn quốc đảm bảo thì mới có thể nói chuyện các trường tự phong GS và PGS.
Theo Tiền Phong